Tìm Kiếm

Nghị luận về cá nhân và tập thể, bài văn NLXH về cá nhân tập thể trong xã hội

Sinh thời, Bác Hồ từng nói:”Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói đó như lời nhắc nhở con cháu sau này phải luôn luôn sống đoàn kết, tương trợ với nhau để trở thành một tập thể vững mạnh. Lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị.

Từ lâu, vấn đề cá nhân và tập thể đã trở thành một mối quan tâm to lớn đến cộng đồng. Nhất là trong bối cảnh xã hội phức tạp ngày nay thì vấn đề đó càng có giá trị thời sự hơn nữa. Bài văn dưới đây nêu cách nhìn về vấn đề này. Để làm được bài văn nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân và tập thể, điểm đáng chú ý nhất là phải chỉ ra được mối liên hệ giữa cá nhân và tập thể, từ đó nêu ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, đề xuất những giải pháp để tập thể thêm vững mạnh hơn.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ

Trong xã hội con người, cá nhân luôn luôn đi liền với tập thể. Sợi dây gắn kết giữa họ không thể nào cắt đứt mà phải luôn được kết nối trong một chỉnh thể nhất định. Chính mối quan hệ này cũng gợi ra nhiều bài học về cách sống, lối sống cũng như đề cập đến trách nhiệm mỗi con người trong việc xây dựng một tập thể vững mạnh.

Cá nhân là cá thể từng người tồn tại biệt lập trong xã hội. Tập thể là cộng đồng được tạo nên từ những cá nhân nhỏ bé. Từ xưa đến nay, cá nhân luôn được biết đến như một phần tạo nên một tập thể vững mạnh, tương trợ lẫn nhau để cùng xây dựng một cộng đồng phát triển. Hai khái niệm nghe ban đầu tưởng như đối lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Ông cha ta từng có câu thơ rằng:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Phải chăng ngay từ xưa, con người đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề cá nhân và tập thể? Ngay từ những buổi bình minh đầu tiên của loài người, con người đã biết sống dựa vào nhau tạo thành những bộ lạc và nương tựa vào nhau mà sống. Cho đến thời kì hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn đang hằng ngày không ngừng giúp cho tập thể luôn luôn vững mạnh, phát triển bằng cách xây dựng những tổ chức mang tính tập thể rất cao.

Trên thực tế, không một cá nhân nào có thể phát triển và tồn tại một cách biệt lập với cộng đồng. Thế giới này được tạo nên từ muôn vàn những mảnh ghép khác nhau của cuộc sống và cuộc sống của con người được tạo nên từ những cá nhân kia. Một bông hoa dại không thể tạo nên vẻ đẹp nhưng trăm nghìn bông hoa dại lại tạo nên một cánh đồng hoa tuyệt đẹp. Con người cũng vậy, nếu một cá nhân không thể đủ sức gánh vác trọng trách lớn lao thì sức mạnh của tập thể lại có thể phá vỡ mọi thử thách. Chính mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể lí giải vì sao trước khi có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, những cuộc chiến đấu của nhân dân ta lại thất bại. Bởi lẽ nó chỉ nổ ra một cách lẻ tẻ và chưa thật sự đủ lớn để có thể đấu lại với vũ khí tối tân của kẻ thù.

 

Một tập thể muốn thành công phải cần đến sự giúp sức từ từng cá nhân nhỏ bé. Nếu như chỉ cần một người làm sai thôi, cả dây chuyền ấy sẽ bị phá vỡ để rồi cuối cùng mọi công sức của tập thể sẽ trở thành một đóa phù dung sớm nở tối tàn. Vì vậy, sức mạnh của tập thể được làm nên từ chính những con người nhỏ bé, nó đề ra cho mỗi người trách nhiệm của bản thân là phải hạn chế những điểm yếu để ra sức cống hiến cho cộng đồng. Trong công việc cũng vậy, một khi đã nhận trách nhiệm, phải thật sự để tâm vào nó và gắng hết sức để có thể có được những thành quả tốt nhất bù đắp lại những cố gắng mà một tập thể đã gây dựng. Khi bạn chơi xếp hình, một bức tranh sẽ không thể hoàn thành nếu mất đi một mảnh ghép. Cuộc sống cũng vậy, nếu chỉ mất đi một vài người thôi, tập thể ấy sẽ mất đi sức mạnh để có thể chống chọi lại những va đập của cuộc sống.

Tuy nhiên, không phải tập thể nào cũng sở hữu những cá nhân xuất sắc. Thế nhưng chính sự bọc lót và tương trợ lẫn nhau lại biến một đội bóng tầm thường có thể lập nên những kì tích không ngờ. Câu chuyện về U23 Việt Nam là một minh chứng: bị đánh giá thấp hơn các đối thủ về mọi mặt nhưng U23 Việt Nam vẫn ngẩng cao đầu bước vào đến vòng chung kết! Đó là thành quả của sức mạnh tập thể, một tập thể với cách tổ chức cao và tinh thần chiến đấu vô cùng nhiệt huyết và quyết tâm.

Trong cuộc sống, vẫn có những người tách mình ra khỏi tập thể, sống biệt lập khỏi xã hội. Những con người ấy sẽ biến mình trở thành những con sói cô độc trong chính bước đường đi của mình và dễ dàng bị đánh bại nếu gặp một đối thủ khác hơn tầm. Bởi vậy, mỗi chúng ta, những công dân của một thế kỉ hiện đại, hãy hòa mình vào cuộc sống chung của mọi người và gắng sức cống hiến cho tập thể thêm vững mạnh.

 

Người ta thường nói sức mạnh tập thể là sức mạnh vô biên giúp con người vượt qua mọi gian lao thử thách. Xây dựng được một tập thể vững mạnh cũng như mỗi cá nhân phải thật sự hòa vào với tập thể ấy là trách nhiệm không của riêng ai.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ

Bạn sẽ làm gì khi mọi khó khăn trong cuộc sống dường như che lấp cuộc đời bạn, khi mà thần may mắn không còn mỉm cười với bạn, khi mà mọi người xung quanh bạn toàn những tai tiếng, nhục nhã. Những lúc đó bạn càng cảm thấy vai trò của cá nhân và tập thể càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đúng như lời Phật dạy: “ Giọt nước chỉ hòa vào biển mới không cạn mà thôi”.

Cá nhân là những con người cụ thể, đơn lẻ sống trong một thực thể xã hội. Tập thể là khối đoàn kết thống nhất, bao gồm nhiều cá nhân tập hợp lại cùng tham gia một hay nhiều hoạt động nào đó trong xã hội. Trong xã hội mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại nhưng lại bổ sung cho nhau.

Đúng như Các- Mac nói “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Nếu bản thân một cá nhân con người nào đó tách rời các mối quan hệ xa, tập thể cũng đồng nghĩa sự tiêu diệt sự tồn tại của mình. Một giọt nước nhỏ nếu ít thì cũng sẽ dễ dàng bốc hơi nhưng nếu nhiều sẽ tạo nên một biển cả mênh mông, một hạt cát nhỏ không thể làm nên một sa mạc rộng lớn. Không có cá nhân thì không có tập thể bởi vì tập thể được tạo nên từ sự tồn tại, gắn kết của nhiều cá nhân với nhau. Một trường học được tạo nên bởi nhiều học sinh và thầy cô giáo. Một làng, một xóm được tạo nên bởi nhiều hộ dân. Nhưng nếu tập thể chỉ là sự cộng gộp đơn thuần của nhiều cá nhân riêng lẻ thì sẽ không tồn tại. Tập thể chỉ tồn tại khi các cá nhân có mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Một đội bóng chỉ có thể chơi thành công khi các cầu thủ hiểu ý nhau và biết phối hợp một cách nhịp nhàng. Một đội tuyển thi ở lĩnh vực nào đó mà đạt kết quả cao khi các cá nhân biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ hay rộng ra là dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Như vậy chính sự gắn kết của mỗi cá nhân mang đến sức mạnh cho tập thể, xây dựng tập thể thành khối vững chắc. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói:

 

“ Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng

Một người đâu phải nhân gian

Chẳng qua là đốm lửa tàn mà thôi.”

Cá nhân và tập thể có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống con người? Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là phải sống trong nỗi cô đơn nhưng điều này sẽ biến mất khi chúng ta biết hòa mình vào tập thể, sẽ mang đến cho mọi người niềm vui, sự chia sẻ, niềm đồng cảm để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.Trong xã hội, có nhiều gia đình gặp hoàn cảnh không may, bất hạnh như bệnh tật, đói nghèo nhưng nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm mà họ có thể vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Tập thể còn là nơi để các cá nhân thi thố tài năng và khẳng định mình. Mỗi cá nhân chỉ có ý nghĩa và giá trị khi khẳng định mình trong một tập thể nhất định. Và thành công của mỗi cá nhân cũng lafmcho danh tiếng của tập thể được nâng cao. Như vậy có thể thấy sự tương tác gắn bó hai chiều khăng khít không thể tách rời.

Trong tập thể mỗi cá nhân cần biết hòa mình vì lợi ích chung của tập thể nhưng hòa mình không có nghĩa là hòa tan mà mỗi người cần giữ một cá tính, một cuộc đời riêng để làm cho tập thể thêm phong phú như nhà thơ Tố Hữu có viết: “ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến.” Tập thể chỉ được phát huy khi lợi ích của cá nhân gắn với lợi ích của tập thể và không mâu thuẫn với tập thể. Bên cạnh những con người luôn sống gắn bó với tập thể thì cũng có những người có tư tưởng sống ích kỉ, hẹp hòi vì lợi ích cá nhân, tách mình ra khỏi tập thể hay những người luôn tự cao, tự đại, đề cao mình quá mức. Đó là những biểu hiện cần phê phán.

Mỗi người hãy biết hòa mình vào tập thể, cộng đồng để cuộc đời có ý nghĩa bởi cuộc sống là tổng thể hài hòa giữa cá nhân và đồng loại.

Nguồn Internet