Tìm Kiếm

Nghị luận về bài học được rút ra trong câu chuyện: Thuốc chữa bệnh đau buồn

Đề bài: Thuốc chữa bệnh đau buồn

Chuyện kể về một người phụ nữ vừa mất con trai. Trong nỗi đau thương tột cùng, bà tìm đến một nhà hiền triết. “Có lời cầu nguyện nào, câu thần chú nào mà ông biết có thể làm con trai tôi sống lại không?” – lời của người mẹ thật sự tuyệt vọng.

Thay vì từ chối hoặc khuyên bà mẹ hãy nguôi ngoai, nhà hiền triết đáp: “Hãy tìm về đây cho ta một hạt giống cây mù tạc từ gia đình nào chưa từng biết đến đau khổ. Nó có thể dùng để xua tan đi nỗi đau của bà.”

Người phụ nữ cảm tạ và lập tức lên đường tìm hạt giống thần kỳ. Đầu tiên, bà tìm đến một căn nhà lớn rất sang trọng, gõ cửa và hỏi: “Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạc từ ngôi nhà không bao giờ biết đến đau khổ. Có phải nơi này không?”. Họ trả lời rằng bà đã nhầm chỗ. Họ kể với bà những chuyện bi thảm đã xảy ra đến với mình.

Nghe chuyện, bà ngồi lại và an ủi họ.

Rồi bà lại tiếp tục cuộc tìm kiếm gia đình hạnh phúc nhất. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, từ những căn nhà cao sang hay gác xép tồi tàn, bà đều được trả lời bằng những câu chuyện buồn.

Bà trở nên quan tâm và muốn giúp đỡ, chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác, đến nỗi sau cùng bà đã quên đi câu hỏi về hạt giống cây mù tạc thần kỳ.

Mà tự bao giờ hạt giống thần kỳ đó cũng đã mang nỗi đau trước kia ra khỏi cuộc đời bà rồi.

Qua câu chuyện trên, anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân mình? Suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của câu chuyện trên?

Bài làm

Khổ đau là gì? Là khi ta thất bại, đau đớn, buồn bã hay tuyệt vọng? Câu hỏi ấy luôn khiến người ta phải băn khoăn vì không thể tìm ra câu trả lời thích hợp nhất. Nhưng còn một câu hỏi còn khó trả lời hơn, đó là: “Hạnh phúc là gì?”. Con người là loài động vật thông minh nhất trên trái đất và cũng vì quá thông minh nên những phạm trù về cảm xúc của con người luôn rất khó để hiểu và nắm bắt được hoàn toàn. Thế nhưng, có một câu chuyện mà chắc rằng sau khi đọc xong đa số mọi người đều sẽ tìm được cho mình một định nghĩa hoàn chỉnh nhất về hai từ “hạnh phúc”. Đó là câu chuyện về một người mẹ vừa mất con mang tên “Thuốc chữa bệnh đau buồn”.

 

Một người mẹ vừa mất đi đứa con trai mà bà yêu thương. Bà đau đớn tuyệt vọng tìm tới một nhà hiền triết với ước mong có phép màu giúp con trai của bà sống lại. Nhà hiền triết bảo với bà rằng chỉ cần tìm được hạt giống câu mù tạc từ một gia đình chưa từng biết đau khổ, nguyện ước của bà sẽ thành hiện thực. Bà mẹ ấy gõ cửa khắp mọi nhà, dù là những nhà giàu có hay nghèo khổ, nhưng ai cũng đều có những câu chuyện đau buồn riêng. Bà đồng cảm và an ủi, sẻ chia nỗi đau cùng họ và không biết từ lúc nào, vết thương trong lòng bà đã khép miệng. Câu chuyện tuy ngắn nhưng lại đầy gần gũi, chân thực và triết lý sâu sắc. Mất mát, đau thương, nỗi buồn là những gam màu tối luôn thường trực trong cuộc sống mỗi người. Thế nhưng, chỉ cần biết quan tâm, sẻ chia với mọi người, biết hướng tới ngày mai, hướng tới những điều tích cực thì nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua, hạnh phúc rồi sẽ gõ cửa trái tim ta.

Cuộc sống luôn tràn đầy những khó khăn, thử thách dành tới cho mỗi người. Mỗi lần điều khó khăn ấy tới nó lại mang đến những sắc thái cảm xúc đầy tiêu cực: khó chịu, lo lắng, sợ hãi và có khi còn cả những mất mát và tuyệt vọng. Giống như người mẹ trong câu chuyện kia, sự ra đi của đứa con trai khiến bà đau khổ tột cùng. Thậm chí một người đã làm mẹ đầy lí trí nhưng vẫn đi hỏi người khác rằng: “Có lời cầu nguyện, câu thần chú nào có thể làm con trai tôi sống lại không?”. Nỗi đau đớn ấy chắc chắn không hề nhỏ bé, thế nhưng, chính sự cảm thông, sẻ chia chân thành mà người mẹ ấy tạo ra mỗi khi nghe một câu chuyện buồn, một nỗi bất hạnh của người khác đã giúp nỗi đau tưởng như không thể chữa lành ấy liền sẹo. Cuộc sống chính là như vậy, đầy rẫy những khó khăn nhưng chỉ cần mở rộng lòng mình hơn, biết san sẻ nỗi buồn, biết đồng cảm và thấu hiểu, khó khăn ấy rồi sẽ qua và hạnh phúc rồi sẽ đến.

Đa số chúng ta mỗi khi gặp biến cố sẽ than thân trách phận rằng: “Sao mình lại khổ thế này!”, “Bao nhiêu khó khăn đều đổ lên đầu mình”. Nhưng chỉ cần bạn đừng ôm khư khư chúng cho riêng mình, hãy bộc lộ nó ra, để tâm sự ấy cùng người khác san sẻ nỗi đau sẽ vơi bớt đi rất nhiều. Bởi vì khi sẻ chia bạn sẽ không một mình, bạn sẽ không phải cô độc đối chọi với những nỗi đau, thử thách một mình, bạn sẽ tìm được liều thuốc tinh thần mạnh mẽ nhất từ chính những lời an ủi, động viên, thấu cảm của những người xung quanh để vượt qua khó khăn. Như Lão Hạc, lão nông có số phận đau đớn và tiêu biểu nhất cho bi kịch cuộc đời đầy xót xa của những người nông dân trước Cách mạng – cô đơn, khổ sở, đói nghèo. Thế nhưng, những buổi được trò chuyện, uống nước chè, ăn khoai lang trút bầu tâm sự cùng ông giáo luôn làm lão thấy vui vẻ, quên đi nỗi cô đơn, quẫn bách. Khi bạn chịu chia sẻ, chịu lắng nghe bạn sẽ nhận ra rằng hóa ra không phải ai cũng được hạnh phúc trọn vẹn. Ai cũng có những nỗi buồn riêng, ai cũng có những thiệt thòi riêng. Thế nhưng, mỗi lời cổ vũ, động viên bạn trao đi hay là nhận lại, dù nhỏ bé thôi nhưng đó lại chính là đòn bẩy hy vọng thật lớn lao dành tới cho những tâm hồn đau thương. Dành những lời quan tâm tới người khác sẽ giúp cả họ và bạn vơi bớt được đi phần nào nỗi buồn trong lòng, cảm thấy nhẹ nhõm, lạc quan và hạnh phúc hơn.

 

Phải, hạnh phúc chính là như thế. Dẫu cuộc sống luôn ẩn chứa đầy bão tố nhưng chỉ cần biết san sẻ, cảm thông với những nỗi buồn của cả mình và người khác, hạnh phúc rồi sẽ vượt qua giông bão và tìm đến với bạn thôi. Một xã hội văn minh tiến bộ luôn tìm kiếm và phát triển vì những điều như thế. Mượn sức mạnh của sự đồng cảm, sẻ chia để rút ngắn khoảng cách giữa người với người, xây dựng những mối quan hệ gắn kết bằng tình thương, lòng bác ái chính là cơ sở vững chãi của một xã hội tốt đẹp. Và biết dành tình yêu, sự cảm thông để xua tan nỗi buồn đau, dẫn lối những điều hạnh phúc chính là những đức tính tốt đẹp nhất của một con người tốt, một công dân tốt.

Vậy nhưng, hạnh phúc là của mình nhưng không phải ai cũng biết tìm tới nó. Khi những chuyện khổ đau ập tới, buồn bã, đau đớn, tuyệt vọng là những xúc cảm đầu tiên và cũng là duy nhất của một số người. Họ chỉ biết chìm đắm trong u sầu, tối tăm và đau khổ. Buồn đau trước mất mát, đau thương là điều cần phải thông cảm nhưng nếu như cứ mãi để cho những điều tiêu cực choáng lấy bạn thì đó là điều đáng phê phán. Khó khăn sinh ra là để bạn cố gắng vươn lên nhưng nếu như bạn không thể vượt qua nó thì bạn chính là kẻ thua cuộc, thất bại. Bạn cho rằng bạn bất hạnh nhưng bạn không vượt qua được nỗi bất hạnh thì sẽ không thể nào tìm được hạnh phúc. Và cũng có những người sống ích kỉ, cá nhân, niềm vui, nỗi buồn không muốn chia sẻ cùng ai và đứng trước những nỗi đau của người khác thì lại thờ ơ, vô cảm. Đó đều là những hành vi đáng trách. Cuộc sống hạnh phúc phải dựa trên những mối quan hệ tốt đẹp, con người muốn vui vẻ phải hòa nhập với cộng đồng. Cho nên, nếu như vẫn giữ sự ích kỷ, cá nhân thì cuộc sống của bạn sẽ không còn ý nghĩa nữa.

 

Câu chuyện của người mẹ đã dạy cho chúng ta bài học sâu sắc về giá trị của hạnh phúc trong cuộc sống. Hạnh phúc không phải là giàu sang, quyền quý, không phải cứ nhất thiết là đủ đầy vật chất mà nó giản dị thôi, chân thành thôi, chính là sẻ chia, cảm thông và hy vọng. Đau khổ cũng không phải chỉ là mỗi nước mắt, tuyệt vọng, không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời bạn. Chỉ cần biết yêu thương mọi người xung quanh, biết san sẻ cho nhau cả những nụ cười và giọt nước mắt, cuộc sống sẽ trở nên hạnh phúc và tốt đẹp hơn.