Giải thích câu nói Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Hướng dẫn
Đề bài: Anh chị hãy giải thích câu tục ngữ nói về đức hạnh và phẩm chất con người “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
Mở bài Giải thích câu nói Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
“ Cái nết đánh chết cái đẹp” là câu tục ngữ mà cha ông ta dùng để dậy thế hệ sau của mình về lẽ sống ở đời,về nhận xét và đánh giá con người.Khi ta nhận xét một ai đó là đức hạnh và phẩm chất con người chứ không phải là vẻ bề ngoài của họ.Điều này lại một lần nữa được khẳng định trong câu tục ngữ “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Thân bài Giải thích câu nói Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói trước tiên ta cần phải hiểu được “ gỗ” và “ nước sơn”.Gỗ là vật liệu để làm ra những đồ dùng như tủ,bàn… còn nước sơn là chất liệu dùng để quét bên ngoài nhằm làm tăng vẻ đẹp của đồ vật. Muốn có một đồ vật bền ta nên chú ý đến chất gỗ bên trong chứ đừng quan tâm đến nước sơn bên ngoài mà dễ bị nhầm lẫn.Qua kinh nghiệm trong cuộc sống,ông bà ta đã kết luận ‘gỗ tốt” hơn hẳn “ nước sơn” nghĩa đen là như vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ là lời khuyên về cách nhìn tổng quát đánh giá con người: hãy coi trọng cái giá trị đích thực,cái nội dung bên trong của một con người đừng bao giờ để cái hình thức xa hoa tráng lệ bên ngoài làm mù mắt,quyến rũ ta.
Đã là lời khuyên răn thì chắc hẳn ông cha ta đã từng trải qua và đúc kết ra được chân lí “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Có nghĩa là khi đánh giá một sự vật hay một con người ta phải biết coi trọng chất lượng của nó.Có khi người ta chỉ trọng cái vẻ đẹp bên ngoài của nó bởi lớp sơn bóng loáng bên ngoài của một cái tủ mua về không dùng được nữa vì lớp gỗ bên trong đã mục át.Một sản phẩm dù cho mẫu mã đẹp đến đâu đi chăng nữa mà chất lượng bên trong không đảm bảo thì cũng không hữu dụng.Chỉ có chất lượng càng tốt càng được người sử dụng tin dùng ưa thích và càng bán đắt giá.Đó là cách nhìn chung về giá trị của một đồ vật.
Trong thực tế mỗi sự vật,mỗi con người không phải lúc nào cũng thống nhất cả về nội dung và hình thức.Có những người bản chất xấu xa nhưng lợi dụng hình thức hào nhoáng,bảnh bao bên ngoài,một kẻ bất tài thường đội lốt người hiểu biết.Một khuôn mặt xinh đẹp nhưng chưa chắc lòng dạ và tâm hồn được đẹp như vẻ bề ngoài.Một con người có cả đức lẫn tài thì bao giờ cũng được coi trọng hơn trong xã hội và được nhiều người yêu mến.Khi đánh giá một con người chúng ta phải dựa vào phẩm chất đạo đức,năng lực của người đó.
Nhưng chúng ta cũng không thể xem thường hình thức được vì một đồ vật có chất lượng tốt,màu sơn đẹp nhưng vẻ bề ngoài xấu xí thì cũng không hữu dụng.Chính vì vậy nếu như một đồ vật mà cả chất lượng và hình thức đẹp thì bao giờ cũng được ưa chuộng và bán đắt giá hơn.Cũng như nếu một người mà đẹp cả bề ngoài và tâm hồn thì chắc hẳn được mọi người rất yêu mến.
Kết luận bài văn: Giải thích câu nói Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Qua câu tục ngữ trên ta có thể hiểu được phần nào lời của cha ông dậy về cách nhận xét và đánh giá một người,không nên nhìn vẻ bề ngoài để đánh giá phẩm chất và đức hạnh của một người,mà phải nhìn vào hành động và phẩm hạnh của họ để nhận xét.Câu tục ngữ “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn” vẫn giữ nguyên được giá trị của nó cho đến ngày nay.
Theo Vanmau.top