Tìm Kiếm

Phân tích hình tượng Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Bài làm:
Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, bút danh Nguyên Ngọc, sinh năm 1932 ở tỉnh Quảng Nam. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nhà văn chủ yếu sống ở Tây Nguyên. Cũng chính vì thế văn Nguyên Ngọc mang đậm âm hưởng sử thi của núi rừng Tây Nguyên. Ở đó, chất thơ hòa quyện với nét hoành tráng, hùng vĩ của núi rừng, của những con người bất khuất, kiên trung với quê hương đất nước. Cũng tuôn theo mạch cảm xúc ấy là “Rừng xà nu” – một truyện ngắn xuất sắc về đề tài chiến tranh chống Mĩ. Bởi đây là tác phẩm kết tinh vẻ đẹp truyền thống của Tây Nguyên anh hùng. Cuộc đời và số phận của anh tiêu biểu cho sức sống của người Tây Nguyên anh hùng đứng lên từ máu lửa dành quyền sống cho mình.
Theo cách miêu tả của nhà văn, lúc còn nhỏ Tnú là một cậu bé có phẩm chất anh hùng, tức là không có chuyện đánh quay, thả diều, bắt dế. Tnú không giống một tuổi thơ bình thường mà sống tuổi thơ phi thường. Tuổi thơ đầy ắp những chiến công, kì tích biểu hiện trước hết đó là Tnú và Mai từng nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đó là con đường máu lửa đầy hi sinh mất mát. Địch khủng bố dã man những người tham gia nuôi giấu cán bộ. A Sút đã bị chúng treo cổ ở cây vả đầu làng, lớp thanh niên bị lộ, người già lại phải thai họ trên con đường ấy. Bà Nhan lần này bị chúng chặt đầu, cột tóc treo trên đầu súng. Đó là hành vi man dợ của kẻ thù nhưng không khuất phục được tinh thần, ý chí của dân làng Xô Man. Tnú và Mai vẫn quyết đi trên con đường mà dân làng anh đã đi. Điều đó thể hiện trong cầu trả lời của Tnú với anh Quyết: “Cụ Mết bảo Đảng còn thì núi nước này còn”. Mặc dù Tnú mới chỉ nhắc lại lời của cụ Mết nhưng qua đó ta thấy được sự lựa chọn con đường anh đã đi qua giữa một bên là số phận cá nhân với một bên là vận mệnh của dân tộc, của Đảng. Tnú đã quên cái riêng của mình để sống cho cái chung ấy. Như vậy, ngay từ nhỏ Tnú đã tỏ ra là một cậu bé gan góc, quả cảm, sớm bộc lộ lý tưởng yêu nước. Người anh hùng nhỏ tuổi Tnú không sống một cuộc đời bình thường vì ngay từ việc bình thường nhất như học chữ Tnú cũng học một cách phi thường để trừng trị tính hay quên, Tnú đã lấy đá đập vào đầu đến mức máu chảy ròng ròng – một chi tiết rất Nguyễn Trung Thành. Ông đẩy cái bình thường lên cái phi thường để diễn tả vẻ đẹp cao cả của con người anh hùng chủ nghĩa Việt Nam trong những năm chống Mĩ.
Vẻ đẹp anh hùng của Tnú được thể hiện ở chi tiết Tnú đi liên lạc, tiếp tế cho cán bộ cách mạng, chữ Tnú hay quên “nhưng đi đường núi thì đầu nó sáng lạ lùng”.  Bị giặc phục kích, Tnú “xé rừng mà đi”, không thích “lội nước êm cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang…cưỡi lên thác băng băng như con cá kình.” Tnú chưa bao giờ làm xấu hổ người làng Xô Man, không may bị địch bắt, chúng tra tấn hỏi anh “cộng sản ở đâu?”. Tnú kiêu hãnh ấp tay vào trong bụng trả lời “ở đây này”. Đó chính là phẩm chất của người anh hùng “uy vũ bất năng khuất”.
Càng lớn, Tnú càng mang vẻ đẹp truyền thống của con người Tây Nguyên anh hùng. Anh cường tráng như một thân cây xà nu lớn nồng căng sự sống với hai cánh tay khỏe chắc như lim. Chảy trong huyết quản của anh là dòng máu anh hùng của xứ sở Tây Nguyên truyền lại từ thời Đăm Săn, Xinh Nhã chứa đầy trong bộ ngực rộng rãi của anh là sức mạnh mênh mông man dại của đại ngàn. Tnú thừa gan bướng bỉnh, thừa sự kiêu hãnh và giàu lòng tự trọng. Dưới ngòi bút của nhà văn Tnú lúc trưởng thành mang dáng dấp của những chàng trai anh hùng trong sử thi, huyền thoại ở Tây Nguyên. Anh đã trở thành chỉ huy đội du kích khiến cho bọn thằng Dục lồng lộn, gầm thét “con cọp đó mà không giết sớm, nó làm loạn núi rừng này rồi”. Tnú đã trở thành nỗi lo sợ ám ảnh của bọn giặc.
Nhà văn mô tả câu chuyện tình đượm màu bi tráng của Tnú và Mai. Tình yêu của họ đẹp như ánh trăng rằm rọi trên đỉnh núi Ngọc Linh và họ vừa sinh một đứa con trao hứa hẹn một tương lai hạnh phúc tốt đẹp. Nhưng kẻ thù đã phá vỡ tất cả. Chúng bắt mẹ con Mai với một triết lí “bắt con cọp cái cọp con tất cọp đực sẽ ra”. Chúng tra tấn dã man mẹ con Mai. Tnú nấp sau cây và nghiến răng đau xót bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay, đôi mắt anh như hai cục lửa lớn – căm thù đốt cháy trong hai con mắt của Tnú. Tnú không ra nhưng trước cảnh mẹ con Mai bị tra tấn tàn bạo, tình cảm của một người chồng, người cha chứng kiến vợ con mình bị tra tấn sắp chết Tnú đã xô ngã tên giặc ôm lấy mẹ con Mai. Mặc dù ở Tnú hội tụ rất nhiều nguồn sức mạnh nhưng anh vẫn không cứu được vợ con, còn bản thân thì bị giặc bắt. Chúng dùng nhựa xà nu tẩm vào dẻ quấn vào mười đầu ngón tay của Tnú châm lửa đốt: “Một ngón tay Tnú bốc cháy, hai ngón tay, ba ngón tay, không gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh mười đầu ngón tay đã trở thành mười ngọn đuốc”.
Đây là một hình ảnh đầy sáng tạo không dễ sinh ra lần hai trong một đời văn. Hình ảnh bàn tay Tnú bốc cháy nó tố cáo tội ác dã man của quân giặc chúng thâm hiểm độc ác đã dùng vật gắn bó quen thuộc để đốt tay Tnú. Nhưng đồng thời hình ảnh này cũng cho người đọc thấy được lòng dũng cảm can trường của Tnú đối với cách mạng. Lửa có thể cháy trên mười đầu ngón tay nhưng không thể thiêu cháy được ý chí căm thù của Tnú. Tnú nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy trong bụng, máu mặn chát ở đầu lưỡi nhưng anh không hề kêu van bởi “người cộng sản không thèm kêu van”.
Đến khi anh thét lên một tiếng dữ dội “Giết” thì cũng là lúc nhà rưng rào rào chuyển động xen lẫn tiếng hô của cụ Miết “chém, chém hết”. Tnú được dân làng cứu thoát còn vợ con anh thì đã chết. Từ đây bật ra ý nghĩa triết học thâm trầm khi Tnú chỉ có một mình tay không, thì ngay cả thứ nhựa xà nu thân thiết cũng trở thành ngọn lửa hủy diệt “chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”. Đời Tnú là một bằng chứng cho quy luật nghiệt ngã ấy.
Ở nhân vật Tnú, nhà văn còn gửi gắm bao ý tưởng sâu xa ở hình tượng bàn tay Tnú. Đây là một chi tiết nghệ thuật đắt giá được tác giả chú ý tô đậm. Nhìn vào bàn tay của một con người, ta có thể đoán được số phận con người ấy và lai lịch miền quê. Dân gian cũng khẳng định vai trò của bàn tay:
“Giàu hai con mắt khó đôi bàn tay”
Nhà thơ Hoàng Trung Thông thì khẳng định:
“Bàn tay làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Bàn tay ấy cũng có một cuộc đời. Ban đầu nó hiện lên như một biểu tượng của con người sống ngoan cường, trung thực, tình nghĩa. Đấy là lúc Tnú cầm đá đập vào đầu để học chữ Bác Hồ và là lúc Tnú ấp tay vào bụng kiêu hãnh trả lời “Cộng sản ở đây” thể hiện một con người tín nghĩa trung thành. Bàn tay Tnú còn là bàn tay của con người giàu tình yêu thương đó là khi Tnú dắt Mai lên rẫy trồng tỉa, là lúc xô ngã tên giặc ôm lấy mẹ con Mai. Bàn tay ấy khi rực cháy thành mười ngọn đuốc lại là biểu tượng của tội ác quân thù và căm thù tột độ. Khi bị đốt cụt mỗi ngón, cụt một đốt thì nó trở thành chứng tích tội ác của quân thù nhưng bàn tay ấy không hề căm phẫn mà trở thành bàn tay quả báo. Trong cuộc đấu tranh anh đã truy giặc đến tận cùng sào huyệt vật lộn với nó trong hầm sâu nói cho nó biết một điều tất yếu: “Này tao có cả súng đây, dao găm đây nhưng tao không giết mày bằng súng, không đâm mày bằng dao tao giết mày bằng mười ngón tay cụt mà thôi”. Với Tnú thằng giặc nào cũng là thằng Dục mắt trắng xóa, kinh hoàng nhận lời phán xét, còn Tnú thực hiện cái điều đã trở thành chân lí sâu xa: kẻ gieo gió ắt phải gặp bão, đánh ngã ta ở chỗ nào ta đứng lên ở chỗ đó. Bàn tay Tnú trở thành bàn tay chiến thắng. Bàn tay nhỏ mang ý nghĩa lớn đó là bàn tay của người anh hùng, đó cũng là cuộc đời của một dân tộc đau thương và hào hùng. Nhân vật sử thi của Nguyễn Trung Thành gánh nặng số phận lịch sử khiến Tnú phảng phất hình ảnh những nhân vật anh hùng trong trường ca Tây Nguyên như Đăm Săn, Xinh Nhã.
Tnú còn có tâm hồn trong sáng giàu yêu thương. Tnú mang tầm vóc của một dũng sĩ trong sử thi nhưng trong anh lại mang tâm hồn trong sáng giàu lòng yêu thương đúng như lời nhận xét của của cụ Mết: “Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Trên quãng đường tham gia chiến đấu, Tnú vẫn ôm ấp hình ảnh quê nhà, yêu con nước mát lạnh đầu làng, nhớ day dứt tiếng chày rộn rã chuyên cần của những cô gái, người đàn bà Sơn Trà, yêu cả những gốc cây xà nu kỉ niệm.
Câu chuyện của Tnú là một câu chuyện đầy bi tráng. Tnú tập trung trong mình tất cả những đau thương mà con người nơi đây phải gánh chịu và Tnú cũng hội tụ mọi phẩm chất anh hùng, bất khuất của dân làng Xô Man nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung.
Xây dựng thành công nhân vật Tnú, nhà văn đã khắc họa được hình ảnh tiêu biểu của con người mang dòng máu, tính cách của núi rừng Tây Nguyên. Qua hình tượng Tnú, Nguyễn Trung Thành còn gợi ra được số phận và phẩm chất của cả cộng đồng trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là tình cảm gắn bó thiết tha sâu nặng với buôn làng, với núi rừng Tây Nguyên, căm thù giặc sâu sắc, một lòng đi theo cách mạng, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng.