Tìm Kiếm

Hoàn cảnh ra đời nội dung tư tưởng nghệ thuật của Người lái đò sông Đà

Bài làm:
Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” tiêu biểu cho sáng tác của Nguyễn Tuân sau cách mạng. “Người lái đò sông Đà” là bài tùy bút được in trong tập “Sông Đà” (1960). “Sông Đà” là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn xa xôi, không chỉ để thỏa mãn cái thú tìm đến những miền đất lạ cho thỏa niềm khát khao “xê dịch” mà chủ yếu là để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ thơ mộng đó. Vì thế, Sông Đà nói chung và bài tùy bút Người lái đò sông Đà nói riêng cho ta nhận ra diện mạo của một nhà văn Nguyễn Tuân mới mẻ, khát khao được hòa nhịp với đất nước và cuộc đời.
“Người lái đò sông Đà” là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ hào hùng, vừa trữ tình thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc. Đồng thời tác phẩm cho thấy công phu lao động nghệ thuật khó nhọc, cùng tài năng của Nguyễn Tuân để tái tạo những kì công của tạo hóa và những kì tích lao động của con người.
Qua “Người lái đò sông Đà” Nguyễn Tuân say mê khám phá và thưởng thức cái đẹp từ vẻ đẹp vừa hung dữ vừa thơ mộng của con sông Đà, đến vẻ đẹp bình dị, chí dũng tài hoa của ông lái đò. Cảnh vật và con người được nhìn qua con mắt mĩ thuật, tài hoa của Nguyễn Tuân với nhiều hình ảnh nhân hóa, so sánh, ngôn ngữ trở nên gợi cảm, phong phú và có giá trị tạo hình. Tác phẩm thể hiện đậm nét cái  tôi của tác giả, cái “ngông” nghệ sĩ. Thêm nữa là giác quan tinh nhạy của Nguyễn Tuân, khiến ta nhìn thấy mọi ngóc ngách chưa từng biết đến về con sông Đà.