Cảm nhận sự hy sinh của người lính Tây Tiến
Bài làm
Nói về bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Nguyên từng nhận xét rằng: “Nó như một viên ngọc sáng trong tâm hồn Việt, tấm lòng Việt và thơ ca Việt”. Sự hy sinh của người lính Tây Tiến được nhà thơ gợi nhắc hai lần trong hai đoạn thơ “Anh bạn dãi dầu…Mường Hịch cọp trêu người” và “Rải rác biên cương…gầm lên khúc độc hành”. Từ việc phân tích sự hy sinh của người lính trong hai đoạn trích, người đọc phần nào hiểu hơn sự vận động của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu, sau phải mượn tên của người anh họ là Bùi Đình Diệm để đủ tuổi đi học. Ông sinh năm 1921, quê ở huyện Đan Phượng, Hà Tây. Quang Dũng là một con người đa tài, thơ nhạc họa gì cũng thạo. Nhà thơ có tính cách phóng khoáng, sôi nổi, nhiệt thành tham gia các chiến dịch hành quân bảo vệ quê hương, tổ quốc. Trong chiến dịch Tây Tiến, ông cùng biết bao thanh niên trẻ tuổi nhiệt huyết khác của Hà Nội phải trải qua những tháng ngày gian lao, cùng khổ nhưng vô cùng đáng nhớ. Ông viết “Tây Tiến” như một lời tri âm, một tiếng lòng nhớ nhung thầm kín gửi vào từng câu thơ, hình ảnh người lính hào hùng và hào hoa. Sự hy sinh cao cả của người lính đã được nhà thơ khắc họa hai lần với những nét ý nghĩa riêng trong hai đoạn thơ: “Anh bạn dãi dầu…Mường Hịch cọp trêu người” và “Rải rác biên cương…gầm lên khúc độc hành”. Cảm nhận về những sự hi sinh ấy, người đọc càng thấu hơn sự vận động của nhân vật trữ tình trong bài thơ này.
Cuộc chiến nào cũng có hy sinh, mất mát. Nhưng cao cả hơn tất thảy là tinh thần người lính trong cuộc chiến ấy, sự mạnh mẽ, lạc quan của họ dường như xoa dịu đi nhiều nỗi đớn đau, xót xa khi phải chứng kiến đồng đội mình ngã xuống. Tinh thần ấy được thể hiện rõ qua đoạn thơ:
- “Anh bạn dãi dầu không bước nữa
- Gục lên súng mũ bỏ quên đời
- Chiều chiều oai linh thác gầm thét
- Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Hình ảnh người lính “gục lên súng mũ bỏ quên đời” là một hình ảnh đẹp, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Nhà thơ đã sử dụng phép nói giảm nói tránh khi nhắc đến sự hy sinh của đồng đội trên chiến trường. Đằng sau hình ảnh đấy, ta biết rằng vẫn nặng trĩu một niềm xót thương, nhớ nhung, nhưng dẫu vậy, Quang Dũng vẫn cho ta cảm giác rằng những người lính Tây Tiến trên đường hành quân gian khổ, họ mạnh mẽ, họ lạc quan, đầy tin tưởng, quyết tâm cùng nhau vượt qua nghìn trùng thử thách để bảo vệ quê hương, dân tộc. Ý thơ Quang Dũng ở đây bỗng gợi nhắc ta liên tưởng đến “dáng đứng tạc vào thế kỉ” của người lính trong thơ Chính Hữu:
“Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng
Chân lưng chừng nửa bước xung phong
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trên tư thế tiến công!”
Những người lính trong cả hai đoạn thơ, họ đều phải trải qua đau thương, mất mát, nhưng họ sẵn sàng đối mặt đau thương, họ chủ động và hiên ngang đón đợi và vượt qua những cảm xúc đó. Người lính Tây Tiến ra đi hiên ngang, với một tâm thế vô cùng đáng trân trọng “bỏ quên đời”. Nhẹ nhàng và thanh thản, sự hy sinh đến bủa vây tinh thần người lính, nhưng đâu thể làm chùn bước chân hành quân ra trận của họ. Trái lại, dường như sự mất mát to lớn ấy lại càng khiến họ quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn.
Đến với khổ thơ thứ ba, Quang Dũng lại một lần nữa nhắc đến sự hy sinh của người lính:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Sự hy sinh của người lính trong đoạn thơ này hiện lên trong sự song hành gắn bó với niềm lạc quan, tin tưởng. Đảo ngữ kết hợp cùng tính từ “rải rác” đã phác họa trọn vẹn sự bi thương của người lính, của đoàn quân Tây Tiến trên đường hành quân nhiều gian khó. Những người lính bỏ sau lưng nhiều hoài bão tuổi trẻ, họ nhiệt thành tham gia chiến đấu, nhưng những khó khăn nhiều lúc cản bước và để họ ra đi ở nơi biên cương, nằm lại trong những “mồ viễn xứ” vô danh, không ai hay biết. Đó là một sự hy sinh to lớn và rất đỗi cao cả. Biết khó khăn, gian truân là vậy, người lính vẫn “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Thanh xuân, tuổi trẻ, những người lính ấy quyết tâm bỏ lại sau lưng, để cùng anh em đồng đội hành quân, viết nên bài ca người lính, bài ca ra trận tuy có những nốt trầm đau thương nhưng vẫn vang cao khúc tráng ca hào hùng. Nhiều người lính chiến đấu quên mình và hy sinh vì cuộc chiến, họ không có một mảnh chiếu để chôn cất, mà thay đó là tấm áo bào với sự chôn cất sơ sài. Họ nằm xuống, nhưng những hình ảnh, tâm hồn và sự dung cảm, ý chí chiến đấu vẫn ngời sáng trong trái tim, trong thẳm sâu tấm lòng những người ở lại, những người sẽ thay anh viết tiếp bài ca ra trận hào hùng. Hình ảnh “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” mang dáng dấp một khúc bi hùng tiễn đưa người ngã xuống về với đất mẹ vĩnh hằng, chứa chan tình cảm thiêng liêng.
Thơ ca là một dòng thi hứng không bao giờ ngừng chảy trôi. Trong dòng chảy đó, nhà văn không ngừng rèn luyện, tích lũy và hình tượng thơ cũng không ngừng vận động, phát triển. Hình ảnh người lính nhà thơ Quang Dũng phác họa ra trong bài thơ “Tây Tiến” cũng mang một sự vận động. Nếu như thiên nhiên trong bài thơ đi từ cái dữ dội đến thiêng liêng hóa, thì trên nền cảnh ấy, con người hiện ra từ vẻ mạnh mẽ, chủ động đối đầu với thiên nhiên hùng vĩ hiểm trở để vượt qua thử thách đến chấp nhận hòa mình, sống hòa hợp với thiên nhiên để rồi trở thành trung tâm của bức tranh hùng vĩ ấy. Ngôn ngữ, bút pháp, giọng điệu thơ được Quang Dũng linh hoạt thay đổi để từ đó ta thấy rõ hơn sự vận động của nhân vật trữ tình.
Đọc “Tây Tiến”, ta không chỉ chia sẻ cảm xúc nhớ nhung, trân trọng những người đồng đội, miền đất từng một thời gắn bó, đoàn quân từng lên thác xuống ghềnh vượt mọi gian truân của tác giả, mà ta còn thấy sự vận động của nhân vật trữ tình sau khi cảm nhận sự hy sinh của người lính mà nhà thơ khéo gửi gắm qua từng câu chữ, hình ảnh.