Tìm Kiếm

Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Bài làm

Được đánh giá là “đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện của thơ ca cách mạng Việt Nam”, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã đi qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc, qua bao thế hệ bạn đọc, mà đến tận bây giờ vẫn là một trong số những thi phẩm xuất sắc nhất trong nền văn học thời chiến. Bằng tâm hồn phóng khoáng, hồn hậu, hào hoa và lãng mạn, ngòi bút tinh tế của Quang Dũng đã khắc hoạ một cách chân thực nhất đời sống khó khăn và tâm hồn người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chỉ qua 14 câu thơ đầu tiên, nỗi nhớ mãnh liệt, thiết tha đối với những tháng năm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi của nhà thơ với đoàn quân Tây Tiến đã chạm đến những rung cảm sâu nhất trong trái tim bạn đọc.

Bài thơ Tây Tiến được sáng tác năm 1948, khi Quang Dũng vừa phải tạm biệt đoàn quân Tây Tiến đã từng cùng nhau sát cánh, kề vai từ những ngày đầu mới thành lập đầy gian nan và vất vả. Trong nỗi nhớ khôn nguôi nơi Phù Lưu Chanh xa xôi, những kí ức về một thời kháng chiến gian lao cứ ùa về trong tâm trí người nghệ sĩ. Quang Dũng không chỉ là một con người đa tài, mà còn là một người lính đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Bởi vậy, những kí ức in sâu trong tâm hồn của thi nhân mặc áo lính khi ấy vừa chân thực khi đi vào thơ lại vừa tinh tế biết bao nhiêu. Trong khổ thơ đầu tiên, nỗi nhớ cứ trào dâng lớp lớp, mở ra từng mảng kí ức như còn vẹn nguyên về một Tây Bắc dữ dội, nhưng cũng ẩn chứa những nét thơ mộng, quyến rũ lạ thường.

  • “Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!
  • Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Bài thơ mở đầu với tiếng gọi thật tha thiết, thân thương “Tây Tiến ơi!” như gọi một một người bạn hữu lâu ngày xa cách. Hình ảnh con sông Mã hiện lên ở ngay đầu câu thơ như một dấu hiệu của cả một miền nhớ, miền thương ắp đầy hướng về nơi núi rừng Tây Bắc và đội quân Tây Tiến. Bởi lẽ, con sông Mã chính là dòng sông đã gắn liền với địa bàn hoạt động của đội quân ngày ấy, cùng đồng hành trong những phút gian truân, cùng bộ đội đánh giặc, là nhân chứng của cả một thời oanh liệt. Ở câu thơ thứ hai, nhà thơ đã gọi tên nỗi nhớ ấy, đó là nỗi nhớ về núi rừng, thiên nhiên Tây Bắc, một nỗi nhớ “chơi vơi”. Câu thơ nhiều thanh bằng kết hợp với điệp từ “nhớ” và cách gieo vần “ơi” đã nhấn mạnh một nỗi nhớ luôn luôn thường trực trong tâm trí nhà thơ. Nỗi nhớ ấy cứ lâng lâng, tuy nhẹ mà sâu, lửng lơ mà ắp đầy.

 

Nối tiếp hai câu thơ khắc hoạ nỗi nhớ, khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc bắt đầu hiện ra, trước hết là những địa danh, những địa bàn hoạt động mà đội quân đã từng một thời gắn bó.

  • “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
  • Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

“Sài Khao”, “Mường Lát” là tên của những bản núi mù sương, nghe tuy lạ lẫm, nhưng lại là những cái tên đã đồng hành cùng người lính Tây Tiến suốt những tháng năm kháng chiến. Hai câu thơ như gợi nhắc đến một nơi xa xôi bí ẩn nào đó và cũng chính sự bí ẩn ấy lại quyến rũ vô cùng. “Sương lấp đoàn quân mỏi” là chi tiết tả thực khắc họa những khó khăn gian nan mà người lính Tây Tiến gặp phải trên con đường hành quân. Thiên nhiên núi rừng miền cao ẩn chứa biết bao những thử thách gian nan là thế nhưng vẫn có ở đâu đây những nét đẹp thơ mộng. Nhà thơ sử dụng hai từ “đêm hơi” chứ không phải “đêm sương”, là một đêm mờ hơi sương, đêm của hơi núi rừng, hay là một đêm nhẹ như hơi thở. Hai chữ “đêm hơi” gợi nhiều hơn tả, nó như phác lên trong tâm trí của người đọc những nét vẽ thật mơ hồ, ảo diệu, dường như lại chẳng nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận. Trong không gian ảo huyền nên thơ, hình ảnh “hoa về” như điểm nhấn cho cảm hứng lãng mạn. “Hoa” là những bông hoa trên tay trên vai trên áo trên mũ người lính trên đường hành quân, là hoa lửa hoa đuốc sáng soi dẫn đường trong đêm tối, hay phải chăng “hoa” lại chính là người con gái người thôn nữ miền sơn cước đi về trong miền nhớ, miền thương thẳm sâu trong tâm hồn người chiến sĩ.

Nói đến Tây Bắc, ta không thể không nghĩ tới thiên nhiên hùng vĩ, có phần hiểm trở. Những núi cao, dốc thẳm luôn là những trở ngại trên con đường hành quân của những người lính trẻ.

  • “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây súng ngửi trời
  • Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

Điệp từ “dốc”, “ngàn thước” kết hợp với các giàu tính gợi hình ” khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” và thủ pháp tương phản đối lập “lên – xuống”, đối xứng giữa hai tiểu vế đã khắc hoạ khung cảnh thiên nhiên trùng điệp, núi tiếp núi, đèo nối đèo, lên cao chót vót rồi bỗng dưng lại dốc xuống tận cùng như muốn thử thách lòng gan dạ và ý chí kiên cường của người lính Tây Tiến. Trong giờ phút gian khó ấy, hình ảnh “súng ngửi trời” hiện lên thật thi vị. Đây quả là một cái nhìn hóm hỉnh, thú vị của người chiến sĩ, nó như phá tan đi cái mệt nhọc của quãng đường hành quân đầy gian khó. Trong bài thơ “Đồng chí“, Chính Hữu cũng đã từng ghi lại hình ảnh “đầu súng trăng treo”. Đây đều là những hình ảnh tả thực, khi những người lính hành quân, họ luôn vác súng trên vai, đầu súng hướng lên, ở một góc độ nào đó, như thể súng đang chạm tới trời, như đang treo mảnh trăng sáng của đêm rừng canh gác. Chính qua những hình ảnh đó, mà ta như nhìn vào được tâm hồn của họ, họ cũng mang một trái tim trẻ trung, cũng thơ mộng chứ không hề chai sạn giữa những gian nan thử thách nơi chiến trường cam go, khốc liệt. Và dường như, khi đã vượt qua hết những chặng gian lao, người lính như thở phào nhẹ nhõm, đứng nơi đỉnh cao, phóng tầm mắt ra xa

  • “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
 

Sau 3 câu thơ liên tiếp đặc tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiểm trở, nhà thơ sử dụng một câu thơ toàn vần bằng gợi lên khung cảnh thanh bình, thơ mộng. Thì ra, Tây Bắc ngoài những đèo cao dốc thẳm cũng có những góc lãng mạn, nên thơ đến thế, mà có lẽ, chỉ có ai đã từng gắn bó thân thuộc với nơi đây mới có thể khám phá nên mà thôi.

Không chỉ hùng vĩ trong cảm nhận về không gian mà thiên nhiên Tây Bắc dường như còn ẩn chứa những hiểm nguy khôn lường.

  • “Chiều chiều oai linh thác gầm thét
  • Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

“Chiều chiều”, “đêm đêm” là khoảng thời gian tuần hoàn, lặp đi lặp lại. Những thác nước, sự xuất hiện của chúa sơn lâm, bỗng trở nên càng đáng sợ hơn quá biện pháp nhân hoá “thác gầm thét”, “cọp trêu người”. Thiên nhiên hiện lên thật hoang sỡ, huyền bí, với những bí ẩn oai linh chốn rừng thiêng nước độc, nơi “sơn lâm bóng cả cây già”. Quang Dũng đã vận dụng tài thẩm âm của mình để làm vang lên từ câu thơ âm thanh gầm thét dữ dội đến rợn người. Thiên nhiên như đang thách thức, nguy hiểm luôn chực chờ rình rập, chỉ cần người lính có chút sơ hở chúng sẽ vồ đến đánh bại. Mỗi vần thơ đã để lại trong tâm trí người đọc một ấn tượng: gian nan tột bậc mà cũng can trường tột bậc! Đoàn quân vẫn tiến bước, người nối người, băng lên phía trước. Uy lực thiên nhiên như bị giảm xuống và giá trị con người như được nâng cao hẳn lên một tầm vóc mới.

 

Giữa những khó khăn gian khổ ấy “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Hiện thực chiến tranh từ xưa đến nay vốn vẫn khốc liệt như thế. Xương máu của họ đổ xuống để xây nên tượng đài của tự do. Hai câu thơ nhắc đến sự hi sinh, tuy bi, mà không lụy. Cách nói giảm nói tránh, dù đã giảm nhẹ phần nào nỗi bi thương nhưng vẫn cứ nao nao, nặng trĩu. Tuy vậy, hình ảnh người lính hiện lên vẫn cứ hiên ngang, ung dung đến thế. Dường như họ chỉ từ giã bạn bè khi súng vẫn nắm chặt trong tay, mũ vẫn đội trên đầu, cái chết đến nhẹ nhàng như một giấc ngủ dài “quên đời”.

Quên đi những giờ phút gian lao, tâm hôn người lính nhớ về Tây Bắc còn thấy ấm nồng hơi cơm dù đạm bạc nhưng trọn vẹn tình quân dân cá nước:

  • “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
  • Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Mai Châu hiện lên như một người em gái thân thương, trong tâm trí của người lính là những buổi ấm nồng hơi cơm cùng khói lam chiều, dù đạm bạc, dù đơn sơ nhưng cũng đủ để ấm lòng người để đến khi xa rồi, hơi ấm ấy, hương vị ấy, mãi cứ in sâu, in đậm trong tâm thức mỗi người.

14 câu thơ đầu tiên ấy đã làm nổi bật lên bức tranh thiên nhiên hùng tráng, nổi bật trên đó là hình ảnh người chiến sĩ can trường, sẵn sàng dấn thân, cống hiến và hi sinh với niềm kiêu hãnh “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Đoạn thơ đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng đẹp về thơ ca kháng chiến, về hình ảnh và tâm hồn người lính cụ Hồ trong những cuộc chiến vệ quốc máu lửa. Chính nhờ điều đó mà hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng vẫn mãi xanh trong trái tim bao thế hệ bạn đọc.