I. về thể loại
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn (bảy chữ) tứ tuyệt
(bốn câu), một trong hai thể thơ rất phổ biến đời Đường (thất ngôn tứ tuyệt và
thất ngôn bát cú), được du nhập sang nước ta và cũng trở thành một thể thơ phổ
biến của văn học trung đại. Quy định về thanh điệu, vần luật trong thơ thất ngôn
tứ tuyệt rất chặt chẽ, tuy nhiên chỉ cần lưu ý sự hiệp vần ở chữ thứ bảy trong
các câu 1, 2 và 4 (cũng có khi chỉ cần hiệp vần ở chữ thứ bảy trong câu 2 và
4). Trong bài thơ này, vần "ư" được hiệp ở cả ba câu 1, 2 và 4).
II. Kiến thức cơ bản
1. Nhận dạng thể thơ của bài Nam quốc sơn hà
về số câu, số chữ trong câu, cách hiệp vần.
Gợi ý: Kiểm tra xem bài thơ (phần phiên âm) gồm mấy
câu, mỗi câu gồm bao nhiêu chữ? Vần trong các từ cuối của các câu 1, 2, 4 có gì
giống nhau?
2. Tuyên ngôn Độc lập là lời tuyên bố về chủ
quyền của đất nước và khẳng định không một thế lực nào được phép xâm phạm vào
quyền độc lập ấy. Tuyên ngôn Độc lập trong bài thơ Sông núi nước Nam thể
hiện ở các khía cạnh:
- Tác giả khẳng định nước Nam là của người
Nam. Đó là điều đã được ghi tại “thiên thư” (sách trời). Tác giả viện đến thiên
thư vì ngày xưa người ta vẫn còn coi trời là đấng tối cao. Người Trung Quốc cổ đại
tự coi mình là trung tâm củavũ trụ nên vua của họ được gọi là “đế”, các nước chư
hầu nhỏ hơn bị họ coi là “vương” (vua của những vùng đất nhỏ). Trong bài thơ này,
tác giả đã cố ý dùng từ “Nam đế” (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với “đế” của
nước Trung Hoa rộng lớn.
- ý nghĩa tuyên ngôn còn thể hiện ở lờ khẳng định
chắc chắn rằng nếu kẻ thù vi phạm vào quyền tự chủ ấy của nước ta thì chúng thế
nào cũng sẽ phải chuốc lấy bại vong.
3. Bài thơ triển khai nội dung biểu ý theo bố
cục: ở hai câu thơ đầu, tác giả đã khẳng định một cách tuyệt đối chủ quyền lãnh
thổ với một thái độ của một dân tộc luôn trân trọng chính nghĩa. Từ khẳng định
chân lí, đến câu thơ cuối, tác giả đã dựa ngay trên cái chân lí ấy mà đưa ra một
lời tuyên bố chắc chắn về quyết tâm chống lại những kẻ làm trái những điều chính
nghĩa.
Bố cục của bài thơ như thế là chặt chẽ, khiến
cho những luận cứ đưa ra đều rất thuyết phục.
4. Bài thơ tuy chủ yếu thiên về biểu ý song không
phải vì thế mà trở thành một bài luận lí khô khan. Có thể nhận thấy rằng, sau cái
tư tưởng độc lập chủ quyền đầy kiên quyết ấy là một cảm xúc mãnh liệt ẩn kín bên
trong. Nếu không có tình cảm mãnh liệt thì chắc chắn không thể viết được những
câu thơ đầy chí khí như vậy.
5. Qua các cụm từ tiệt nhiên (rõ ràng, dứt khoát như thế, không thể khác), định phận tại thiên thư (định phận tại sách
trời) và hành khan thủ bại hư (chắc
chắn sẽ nhận lấy thất bại), chúng ta có thể nhận thấy cảm hứng triết luận của bàI
thơ đã được thể hiện bằng một giọng điệu hào sảng, đanh thép, đầy uy lực.
III. rèn luyện kĩ năng
1. Cách đọc
Khác với thơ hiện đại thường thiên về miêu tả cảm xúc, thơ
trung đại chủ yếu là thơ tỏ ý, tỏ lòng, thiên về miêu tả thái độ, ý chí của cộng
đồng dân tộc. Bởi vậy, đối với bài thơ này cần đọc bằng giọng mạnh mẽ, dứt khoát,
chú ý ngắt theo nhịp 4/3, nhấn mạnh cuối mỗi nhịp.
2. Có bạn thắc mắc tại sao không nó là “Nam nhân
cư” (người Nam ở) mà lại nói “Nam đế cư” (vua Nam ở). Hãy giải thích để bạn kia
được rõ.
Gợi ý: Như trên đã nói, người xưa coi trời là đấng
tối cao và chỉ có vua (Thiên tử – con trời) mới có quyền định đoạt mọi việc ở
trần gian. Tất cả mọi thứ có trên mặt đất đều là của vua. Hơn thế nữa, nói Nam
đế cư là có hàm ý nói rằng vua của nước Nam cũng là Thiên tử chứ không phải
là một ông “vua nhỏ” dưới quyền cai quản của Hoàng đế Trung Hoa.