I. VỀ THỂ LOẠI
(Xem trong bài Ếch ngồi đáy giếng).
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Vì là thầy bói (mù) nên các thầy không thể xem voi tận mắt mà chỉ có thể sờ bằng tay. Con voi lại quá to nên mỗi thầy chỉ sờ được một bộ phận của nó, thế nên cùng xem một con voi mà ý các thầy không giống nhau: thầy sờ vòi bảo nó sun sun như con đỉa, thầy sờ ngà bảo nó chần chẫn như cái đòn càn, thầy sờ tai bảo nó bè bè như cái quạt thóc, thầy sờ chân cãi nó như cái cột đình, thầy sờ đuôi lại nói nó tun tủn như cái chổi sể. Thái độ của các thầy ở đây không phải là tự tin mà chủ quan đến cực đoan: ai cũng cho là mình đúng nhất, người sau phản bác ý kiến của người trước để khẳng định ý của mình, không ai chịu ai, cho nên từ bàn tán các thầy chuyển sang xô xát, dẫn đến kết cục là đánh nhau toác đầu, chảy máu.
2. Sai lầm của các thầy bói là ở chỗ: đáng lẽ phải xem cả con voi thì mỗi thầy lại chỉ sờ được một bộ phận của voi và bảo rằng đó là con voi. Vòi, chân, tai, ngà, đuôi đúng là của con voi thật, nhưng mới chỉ là những bộ phận riêng lẻ, chưa phải là cả con voi.
Nếu các thầy chịu khó lắng nghe ý kiến của nhau, hỏi quản tượng, kết hợp với việc miêu tả, nhận thức của mỗi người, các thầy sẽ biết con voi là như thế nào.
3. Những bài học từ truyện Thầy bói xem voi:
- Khi xem xét một sự vật (hoặc sự việc) cần kết hợp các giác quan (tai nghe, mắt thấy…).
- Nếu không có điều kiện xem xét bằng đầy đủ các giác quan thì phải xem xét một cách toàn diện, không lấy cái bộ phận, đơn lẻ thay cho cái toàn thể.
- Cần phải biết lắng nghe ý kiến của người khác, vừa nghe vừa kết hợp với phân tích, đánh giá, tổng hợp của riêng mình để có được một cái nhìn chính xác, toàn diện và đầy đủ nhất.
III. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tóm tắt:
Năm ông thầy bói rủ nhau chung tiền biếu người quản voi để xem con voi có hình thù thế nào. Mỗi ông xem một bộ phận, cuối cùng cãi nhau, không ông nào chịu ông nào: ông xem vòi bảo voi sun sun như con đỉa; ông xem ngà bảo voi giống cái đòn càn; ông xem tai bảo nó giống cái quạt thóc; ông xem chân bảo voi sừng sững như cái cột đình; ông cuối cùng xem đuôi, bảo voi tun tủn như cái chổi sể cùn. Cãi nhau vì không thể phân thắng bại, năm ông đánh nhau toác đầu, chảy máu.
2. Lời kể:
Cũng như Ếch ngồi đáy giếng, truyện Thầy bói xem voi là truyện ngụ ngôn có xen các yếu tố gây cười. Cần thể hiện giọng kể làm nổi bật tính chất hài hước của câu chuyện.
Trong cuộc tranh luận của các thầy bói, vì không chịu nghe ý kiến của nhau, ai cũng cho mình là đúng nhất nên càng về sau các thầy càng to tiếng, kết cục là dẫn đến đánh lộn. Giọng kể cần thể hiện tính chất gay gắt, căng thẳng để thấy được không khí của cuộc tranh luận đó.
Câu cuối cùng: “không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toác đầu, chảy máu” nên xuống giọng thể hiện sự mỉa mai, châm biếm.
3. Trong cuộc sống, ta gặp rất nhiều trường hợp (đặc biệt ở những người trẻ tuổi) đánh giá về sự vật, hiện tượng hay con người một cách sai lầm phiến diện. Ví dụ: Lãnh đạo một cơ quan không đánh giá hết năng lực của nhân viên để phân công công việc cho phù hợp gây thiệt hại cho sản xuất; một bạn chỉ vì nhìn vào một sai lầm hay một khuyết tật của người khác mà phủ nhận tất cả những mặt tốt còn lại;…