Tìm Kiếm

Tả một cảnh sông nước (một vùng biển, một dòng sông, một con suối hay một hồnước…)

Tả một cảnh sông nước (một vùng biển, một dòng sông, một con suối hay một hồnước…)

Hướng dẫn

Đã từ lâu nét đẹp kì vĩ và duyên dáng cùa bãi biển Nha Trang đã đi vào lòng du khách.

Nhìn từ xa, mặt biển giống như một chiếc gương soi màu xanh thẳm khổng lồ. Những gợn sóng lăn tăn, lúc ào ào, giận dữ đổ vào bờ, lúc nhẹ nhàng êm ái như đã nguôi giận…

Buổi sáng, ông mặt trời như quả cầu lửa nhô lên từ sau những ngọn núi, toả ánh sáng làm toàn mặt biển ửng đỏ. Những tia nắng óng ánh bắt đầu xuất hiện nhảy nhót trên mặt biển. Sóng biển ào ạt như một bản nhạc giao hưởng. Lúc này biển như được mặc một chiếc áo nhung màu xanh ánh vàng, hàng dừa nguy nga tráng lệ cũng phải nghiêng mình trước vẻ đẹp của biển. Xa xa, những ngọn núi mờ mờ huyền ảo hiện ra làm cảnh biển thêm hùng vĩ. Những chú chim hải âuđang đùa vui cùng với sóng biển. Đến chiều, bầu trời trở nên trong lành. Thuỷ triều lên, nước dâng cao dần, sóng vỗ vào bờ rất dữ dội. Lúc này, người xuống biến tắm mỗi lúc một đông hơn. Tiếng cười vang lên mỗi khi họ nhảy lên trên một con sóng lớn. Lũ trẻ con chơi té nước làm nước bắn lên tung toé, trang xoá như tơ. Trên bờ còn có nhiều người đang xây lâu đài cát rất cao, đẹp và có cà những em bé đang lúi húi nhặt những con ốc xinh xinh để mang về làm kỷ niệm. Khi hoàng hôn buông tím một vùng biển rộng là lúc thuỷ triều dâng ào ạt. Những con sóng bạc đầu xô bờ bọt tung trắng xoá. Có lẽ sóng đang cất lên bản tình ca ngọt ngào của đại dương bao la. Sau lúc hoàng hôn, biển dịu dàng trong chiếc áo dạ hội màu đen. Dưới ánh trăng, biển càng trở nên lung linh, huyền ảo hơn.

 

Em rất thích đến biển Nha Trang. Đó là món quà tặng vô cùng quý giá của thiên nhiên đối với đất nước chúng ta. Em mong mọi người luôn có ý thức giữ gìn món quà này để biển Nha Trang còn đẹp mãi.

Nguyễn Thị Hiền – Cần Thơ

Nhận xét của giáo viên:

1.Những ưu điểm cần học tập

Đây là bài văn miêu tả giàu hình ảnh, giàu màu sắc và âm thanh. Bạn mở đầu bài văn một cách khá ấn tượng bằng cách khẳng định vẻ đẹp của biển Nha Trang: “Đã từ lâu nét đẹp kì vĩ và duyên dáng của bãi biển Nha Trang đã đi vào lòng du khách”.

Bạn đã chọn được những đặc điểm tiêu biểu và sự thay đổi của nước biển theo các thời điểm trong ngày để miêu tả. Buổi sáng: mặt biển ửng đỏ “nhờ ông mặt trời, “tia nắng óng ánh”, “tiếng sóng ào ạt”, “chim hải âu đang đùa vui cùng sóng biển”; Buổi chiều: “thuỷ triều lên, nước dâng cao dần, sóng vỗ vào bờ rất dữ dội” “người tắm” đông hơn, cùng những hình ảnh rất đẹp như “lũ trẻ con chơi tẻ nước làm nước nước bẳn lên tung toé”; “những lâu đài cát rất cao, đẹp “những em bé lúi húi nhặt ốc”; Khi hoàng hôn xuống thì: “tím một vùng biển”; Còn sau lúc hoàng hôn: “biển dịu dàng trong chiếc áo dạ hội màu đen”, “dưới ánh trăng, biển càng trở nên lung linh, huyền ào hơn”.

 

Có thể nói, bạn đã tái hiện lại một cách khá ấn tượng bức tranh phong cảnh đẹp của biển Nha Trang. Bằng trí tưởng tượng khá phong phú, ngôn ngữ miêu tả có chọn lọc, cùng nhiều từ ngữ gợi tả, nhiều hình ành so sánh, nhân hoá sinh

động, bạn khiến người đọc tuy chưa bao giờ đến Nha Trang nhưng cũng hình dung thấy vẻ đẹp đáng yêu của bãi biển nơi này. Qua cách miêu tả của bạn, ta cũng mong muốn dù chỉ một lần được đến tận nơi đây để thưởng thức vẻ đẹp ấy.

Phần kết bài nhẹ nhàng, tình cảm, có ý nghĩa.

2.Những hạn chế cần rút kinh nghiệm

-Phần thân bài cần phải tách thành các đoạn văn, mỗi đoạn tương ứng với một vẻ đẹp của biển Nha Trang theo thời gian.

-Câu đầu tiên của đoạn văn thứ hai trong phần thân bài (“Đến chiều, bầu trời trở nêu trong lành”) có nội dung không phù hợp với đoạn văn trước đó.

Bài luyện tập:

1.Em hãy thay thế từ ngữ được in đậm trong câu văn sau bằng từ ngữ khác cho hay hơn.

Đó là món quà tặng vô cùng quý giá của thiên nhiên đối với đất nước chúng ta.

2.Tách phần thân bài của bài văn thành 3 đoạn văn, mỗi đoạn tả cảnh biển ở một thời điểm trong ngày.

3.Viết lại câu văn sau cho đảm bảo sự liên kết về ý với những câu đứng trước nó: “Đến chiểu, bầu trời trở nên trong lành”.

 

4.Viết đoạn mở bài hoặc đoạn kết bài cho bài văn trên theo cách của em.