Tìm Kiếm

Suy nghĩ về tình mẫu tử trong câu thơ: Ta đi trọn kiếp con người Vẫn không đi hết những lời mẹ ru

Suy nghĩ về tình mẫu tử trong câu thơ: Ta đi trọn kiếp con người Vẫn không đi hết những lời mẹ ru

Hướng dẫn

Đề bài:

Trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy viết:

“Ta đi trọn kiếp con người

Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”.

Câu thơ trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tình mẫu tử?

Hướng dẫn cách làm bài: Đây là dạng đề Nghị luận về vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học. Bài viết có 2 phần chính: Nghị luận văn học ( phân tích thơ ) và nghị luận xã hội( trình bày suy nghĩ về vấn đề được đặt ra trong bài thơ). Trong đó phần Nghị luận văn học chỉ là luận điểm phụ, bài viết cần nêu được suy nghĩ, cảm nhận về tình mẫu tử.

Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, song bài viết phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:

Mở bài:

+Đặt vấn đề, trích dẫn 2 câu thơ trong đề bài:

“Ta đi trọn kiếp con người

Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”.

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy)

+ Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình mẫu tử

Thân bài:

  1. Phân tích hai câu thơ

Ý nghĩa của lời mẹ ru: Hai câu thơ không chỉ là lời ca và giai điệu để dỗ dành trẻ nhỏ ngủ ngon mà còn là sự thể hiện tâm hồn, tấm lòng người hát ru. Tiếng ru của mẹ là tình cảm, là ước mong, là lời gửi gắm tâm tình của người mẹ với con mình. Nó chứa đựng trong đó cả một thế giới tinh thần mà người mẹ có được và muốn xây đắp cho con

– Là lời yêu thương: chứa đựng tình yêu vô bờ bến của mẹ dành cho con. Trong tình yêu ấy, con là tài sản quý giá nhất, là niềm tự hào lớn đẹp nhất, là cả cuộc sống của người mẹ.

– Là lời cầu nguyện, ước mong: lời ru là sự gửi gắm mong ước về tương lai của con với sự trưởng thành về thể chất và tâm hồn, sự thành công trong cuộc sống.

– Là lời nhắn nhủ, khuyên răn, dạy bảo: Chứa đựng trải nghiệm của cuộc đời người mẹ, sự hiểu biết, khát vọng truyền thụ hiểu biết, kinh nghiệm của mẹ cho con, sự hiểu biết và kinh nghiệm về đạo làm người, về lẽ sống ở đời, về lẽ phải cần phải tuân theo, về những giới hạn cần biết dừng lại, về những cạm bẫy nguy hiểm nên tránh, về những bước đường mỗi người phải đi qua…

Cho dù là lời yêu thương, lời cầu nguyện hay lời nhắn nhủ thì cũng là chuẩn bị của người mẹ cho những đứa con trên con đường đời hiện tại và sau này của nó, sự chuẩn bị không chỉ bằng kiến thức kinh nghiệm mà bằng cả tấm lòng và tình yêu. Lẽ tự nhiên, trong mỗi người mẹ luôn bao gồm cả một nhà giáo dục và một phương pháp giáo dục của trái tim thấm đẫm yêu thương.

Không đi hết: Không thấy hết, không dùng hết, không thể hiểu biết hết, không sống hết những gì mẹ đã chuẩn bị cho con qua lời ru ấy:

– Tấm lòng bao dung vô bờ của mẹ.

– Sự che chở, nâng đỡ, dìu dắt trọn đời của mẹ qua những lời ru.

– Cảm giác thấm thía của người con qua trải nghiệm cuộc đời khi nhìn nhận lại, cảm nhận lại những gì có được từ lời ru và tình yêu của người mẹ.

Lời tri ân của người con với mẹ là lời ca ngợi sự vô giá, vô bờ bến của tình mẫu tử mẹ dành cho con. Câu thơ đọc lên giản dị và thấm thía đủ để mỗi con người được ngồi lại trong yên tĩnh để cảm động, suy nghĩ.

2. Bình luận, đánh giá, suy nghĩ về tình mẫu tử

Nêu khái niệm tình mẫu tử là gì? biểu hiện của tình mẫu tử? vai trò của tình mẫu tử?

Là tình cảm thiêng liêng của người mẹ và người con, thể hiện sự gắn bó, quan tâm, chăm sóc, dưỡng dục…

Vai trò của tình mẫu tử:

– Là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của tâm hồn và thậm chí cả trí tuệ của đứa con.

– Là điểm tựa cho lòng tin, sức mạnh của đứa con trong cuộc sống.

– Là cái gốc thiện, nguồn nuôi dưỡng lương tri, nhân phẩm của con người trong cuộc đời; có ý nghĩa cảnh giới con người khi đứng trước bờ vực của lầm lỡ và tội ác.

– Là nơi xuất phát và cũng là chốn về sau cùng của con người trong cuộc sống đầy bất trắc, hiểm nguy.

Biểu hiện của tình mẫu tử: Vô cùng đa dạng phong phú song đều hướng tới cái đích cuối cùng là cho con, vì con.

Dẫn chứng liên hệ:

Có rất nhiều câu thơ, câu ca về tình mẹ.

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau

(Ca dao)
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

(Ca dao)
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

Chế Lan Viên
Ta mê mãi trên bàn chân rong ruổi
Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Đỗ Trung Quân
 

Phản đề:Phê phán những người mẹ vô tâm, bỏ rơi con cái, phê phán những đứa con bất hiếu

3. Liên hệ, rút ra bài học:

Thái độ cần có đối với tình mẫu tử: Không chỉ là đón nhận mà cần sống, trải nghiệm và tự điều chỉnh bản thân để góp phần làm toả sáng giá trị thiêng liêng của tình mẹ. Trong chính cái kết tinh của tình mẹ thiêng liêng ấy là tâm hồn và sự sống của bản thân mình.

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa câu thơ

Rút ra bài học cuộc sống…

+ Biết ơn, lễ phép, vâng lời mẹ và kính yêu mẹ,…

+ Học sinh có thể bày tỏ cảm xúc về mẹ…
Bộ đề nghị luận xã hội