Phân tích nhân vật A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
Bài làm
Tô Hoài là một nhà hiện thực nổi tiếng với tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí”, cùng với nhiều tác phẩm đặc sắc dành cho thiếu nhi. Sau cách mạng tháng tám thành công ông lên công tác trên miền Tây Bắc và đã nổi tiếng với tập truyện “Tây Bắc”. Truyện ngắn vợ chồng A Phủ là một câu truyện đặc sắc nhất viết về phong tục tập quán của người Mèo nơi đây. A Phủ dù chỉ là một nhân vật phụ nhưng vừa mang đậm vẻ đẹp cường tráng của con người Tây Bắc vừa thể hiện bản lĩnh vượt lên trên số phận.
“Vợ chồng A Phủ” là một trong ba câu truyện trong tập truyện Tây Bắc (1953). Đó là sản phẩm của Tô Hoài trong chuyến đi dài tám tháng, ông đã sống và gắn bó với con người nơi đây. Ông đã hiểu được một phần nào phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Truyện kể về Mị, một cô gái trẻ đẹp vì món nợ của cha mẹ hòi trẻ mà giờ đây phải làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Mị phải sống một cuộc sống “lùi lùi như con rùa trong xó cửa” tủi nhục đau khổ khi phải làm vợ A Sử, bị đánh đập, hành hạ, đi chẳng dám ngẩng đầu. Một nhân vật nữa góp phần đặc sắc cho tác phẩm đó chính là A Phủ, dù chỉ là nhân vật phụ nhưng A Phủ cũng đã góp phần tô đậm thêm số phận của những con người nghèo trên dẻo núi cao này. A Phủ điển hình cho vẻ đẹp của con người Tây Bắc với bản lĩnh kiên cường.
A Phủ xuất hiện trong tác phẩm rất tình cờ đó chính là cuộc sâu xát giữa đám thanh niên trai tráng trong làng với A Sử hách dịch con của thống lí Pá Tra. Vì A Sử trêu ghẹo con gái trong làng nên A Phủ cùng các trai tráng đã bảo vệ đánh nhau với chúng. A Phủ từ khi sinh ra đã phải chịu nhiều bất hạnh, cha mẹ chết hết trong một trận dịch bệnh, người thân chẳng còn ai. Khi mới chỉ là cậu bé 10 tuổi cậu đã bị bán cho người Thái để đổi lấy thóc, A Phủ là một cậu bé kiên cường không thể chịu đựng được cảnh sống dưới núi cùng người Thái đã quyết định trốn và lưu lạc khắp nơi. Cuối cùng A Phủ đã lưu lạc đến Hồng Ngài. Từ nhỏ sức sống tiềm tàng đã được bộc lộ ở con người A Phủ. Không chịu đầu hàng số phận anh chăm chỉ làm đủ mọi việc để kiếm sống.
Lớn lên giữa núi rừng, làm bạn với cỏ cây, chim muông thú dữ A Phủ đã trở thành một chàng trai khỏe mạnh “chạy nhanh như ngựa”, lao động giỏi, lại “săn bò tót rất thạo”. Đó là niềm mơ ước của biết bao cô gái trẻ đẹp nơi đây. Họ bảo nhau: “Đứa nào được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà”. Nhưng cuộc sống không như ta nghĩ, ở trên cái vùng núi cao ấy có những phong tục khắc nghiệt khiến cho không ai dám lấy A Phủ mà có lấy thì A Phủ cũng không có tiền để lấy. Một cậu bé mồ côi, không nơi nương tựa, chỉ biết đi làm thuê dăn bắn, không có nổi một chiếc vòng bạc để đi hội xuân thì lấy đâu ra tiền mà cưới vợ cơ chứ.
A Phủ là một con người phóng khoáng, lạc quan, yêu đời, dù không có vòng bạc đi chơi nhưng anh vẫn cùng các trai trong bản đi đêm hội ngày xuân. Anh còn là một người liều lĩnh, sống vì chính nghĩa nên đã lao vào bảo vệ bạn bè mình, đụng độ với A Sử con của quan quyền lực nhất vùng này. Chính sự đụng độ này mà A Phủ đã bị trói và dẫn đến nhà Pá Tra bắt phạt vạ. Cuộc xử kiện khiếng chúng ta đã biết chắc phần thắng thuộc về ai, tội đánh con quan là một tội lớn, không thể tha. Tô Hoài bằng ngòi bút tinh tế đã phần nào bộc lộ, vạch trần được bản chất của xã hội lúc bấy giờ, vạch sự trừng trị dã man kiểu trung cổ của các địa chủ miền núi cao. Những “làn khói thuốc phiện ngào ngạt” từng đợt từng đợt bay lên nghi ngút, tội vạ càng nặng khiến cho A Phủ bị đánh hết đợt này đến đợt khác. Chàng trai ấy biết mình không thể phản kháng được chỉ biết im lặng và chịu đựng những trận đòn “suốt đêm”. Từ một chàng trai phóng khoáng lạc quan, tự do với núi rừng, làm bạn với chim muông giờ đây sẽ lại như bao người trai trẻ khác bị bắt làm đầy tớ cho nhà Pá Tra. Sẽ là con trâu con ngựa làm việc để trả nợ làng, mà món nợ ấy chẳng biết đến khi nào có thể trả hết.
A Phủ chịu đựng sự tra tấn đánh đập của nhà quan, không phản kháng mà chịu đựng. Những tưởng trong con người ấy đã không còn muốn vùng lên nữa. Nhưng khi anh làm mất bò anh muốn lấy công chuộc tội chắc chắn sẽ bắt được con hổ. Một lần nữa anh lại bị trói và đánh đập, dây trói quấn từ chân lên đến vai. Nếu như A Sử không bắt được hổ thì A Phủ sẽ phải chết “chết đau, chết đói, chết rét”. Bản tính kiên cường, gan góc được tôi luyện từ nhỏ không cho anh được chấp nhận số phận như vậy. Bản tính ấy bảo A Phủ phải đứng lên, đứng lên để tìm lại sự tự do. Mị nhìn thấy cảnh tượng A Phủ bị trói, đánh đập cô cũng không thể làm được gì vì chính cô cũng đang bị “con ma” nhà Pá Tra trói giữ. “Đêm đến, A Phủ cúi xuống, nhay đứt hai đầu dây, nhích dần dây trói một bên tay”. Mị đã vùng dậy cởi trói cho A Phủ giúp A Phủ được tự do. Dù đã cạn kiệt sức lực nhưng khi nghĩ đến cái chết anh dùng hết sức lực còn lại vùng dậy thoát khỏi xiếng xích nhà thống lí, cũng như thoát khỏi những hủ tục đang hành hạ anh. Mị muốn đi theo anh, anh đã kéo Mị đi cùng, chính anh cũng không biết đi về đâu nhưng hai người chỉ biết chạy thật xa, đi khỏi mảnh đất này, A Phủ không những cứu được chính mình mà còn cứu được cả Mị và sau này họ đã trở thành vợ chồng.
Chạy chốn khỏi mảnh đất Hồng Ngài họ đã tìm được một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, chính tinh thần phản kháng là bước đệm cho anh sau này gặp được cách mạng, đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng bản làng. Từ cuộc đấu tranh giải phóng cho bản thân mình giờ, từ cuộc đấu tranh tự phát cả A Phủ và Mị đã dần tiến tới cuộc đấu tranh tự giác. Cuộc đời của A Phủ và Mị cũng chính là cuộc đời của bao nhiêu con người bé nhỏ khác, tiêu biểu cho số phận và những phẩm chất tốt đẹp của đồng bào Tây Bắc. Họ đã đi từ đau thương, sự tủi nhục để đến với ánh sáng của tự do, của Đảng, của cách mạng.
Dưới ngòi bút tài hoa của Tô Hoài, ông đã đem đến cho chúng ta hiểu biết thêm về nhưng hủ tục lạc hậu nơi vùng cao biên giới. Ông cũng đã khắc họa nên hình tượng về sự phản kháng, đấu tranh mãnh liệt của người dân nơi đây thông qua nhân vật A Phủ. Chính câu chuyện của A Phủ đã góp phần hoàn thiện bản án tố cáo sự độc ác của bọn chúa đất đối với những người dân nghèo khổ lương thiện ở vùng núi cao trước Cách mạng. A Phủ và Mị đại diện cho những con người bé nhỏ, trải qua bao nhiêu khó khăn bằng ý chí kiên cường, sự phản kháng mãnh liệt đã giải phóng được chính cuộc đời của mình.