Phân tích bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu
Hướng dẫn
Phân tích bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu:
Bài làm:
Tố Hữu, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành quê ở làng Phù Lai xã Quang Thọ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa thiên – Huế. Tố Hữu suốt đời là nhà thơ, người chiến sĩ dành cả đời mình để phục sự cách mạng, phục sự nhân dân. Đọc thơ Tố Hữu là đọc những vần thơ chan chứa yêu thương dành cho cuộc sống, dành cho con người Việt Nam. Vậy ta có bao giờ thắc mắc điều đó từ đâu mà có? Và ta có hình dung người thanh niên Tố Hữu ngày trước đã như nào khi đến với Cách Mạng? Và ta sẽ tìm được câu trả lời thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu. Như một bản đàn dạo đầu sự nghiệp văn thơ của ông gắn bó song hành cùng những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Cuộc đời tuy dài thế, nhưng không phải ai cũng dễ dàng tìm ra lẽ sống lớn của đời mình. Tố Hữu đã từng là một chàng trai, đứng trước lối rẽ của cuộc đời mình, phân vân tìm kiếm câu hỏi dành cho mình “chọn một dòng hay để nước trôi?” ấy thực đã tìm ra câu trả lời cho mình rồi. “Từ ấy” là một sự hồi tưởng đầy thiêng liêng trong quá khứ, là dấu mộc sự kiện quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu, khiến cho thời khắc ấy, ngày hôm ấy, “Từ ấy” trái tim nhiệt huyệt của một tâm hồn trẻ đã được đón nhận “bừng nắng hạ”. Hẳn đây phải là một điều gì đó tuyệt vời và nổi bật lắm, mới có thể khiến tâm hồn khô cằn, lạc lõng và chơi vơi lúc trước của Tố Hữu tìm ra câu trả lời, và bừng thức tỉnh. Và ở ngay câu thơ tiếp theo, ta đã tìm ra điều đó được “bừng nắng hạ” bởi điều gì? “Mặt trời chân lý chói qua tim” thì ra hình ảnh “mặt trời chân lý” là ẩn dụ cho lí tưởng cộng sản, Tố Hữu đã chính thức được đón nhận điều tuyệt diệu, vô cùng mạnh mẽ và bất ngờ ấy. Đứng vào hàng ngũ của đảng, tiếp nhận chủ nghĩa lớn dân tộc, đứng lên cùng hàng ngũ dẫn dắt dân tộc tiếp bước. Chàng trai xứ Huế Tố Hữu đã đi theo lý tưởng của đảng, và chính điều đó đã thức tỉnh, như xuyên qua trái tim và làm ấm tâm hồn của anh, chính vì thế, Tố Hữu ngầm so sánh “hồn tôi” hồn anh, là “một vườn hoa lá”. Điều gì khiến cây cối tốt tươi, điều gì khiến lá hoa xanh mởn? Chắc chắn là ánh sáng mặt trời, nhờ có ánh sáng mặt trời nuôi dưỡng, cây lá mới quang hợp và sinh sôi. Lý tưởng Cách mạng cũng vậy, đã soi rọi và nuôi sống tâm hồn anh, khiến anh tưởng như tâm hồn mình đã nở rộn như một “vườn hoa lá”, nơi ấy luôn tràn ngập niềm vui, sung sướng, và là thiên đường của một trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, vì vậy mà “rất đậm hương” và “rộn tiếng chim”.
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Lý tưởng cách mạng soi đường, nên chàng trai Tố Hữu không còn là một con chim non đơn chiếc, lạc điệu bơ vơ như “chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa” trong thơ của Huy Cận nữa. Mà giờ đây đã là một cái tôi biết sống cùng toàn thể cộng đồng, biết gắn tâm hồn, cuộc sống, và trải lòng ra với cộng đồng hơn so với lúc trước, và đó cũng là điều cần thiết cho một người hoạt động cách mạng vì vậy Tố Hữu với viết “tôi buộc lòng tôi với mọi người”, một sự rằng buộc cả về tình cảm, cả về trách nhiệm. Hai câu tiếp theo lặp lại cấu trúc, nhằm nhấn mạnh mục đích của việc trải lòng gắn bó với cộng đồng. Là một người con Việt Nam, là một đảng viên, một nhà hoạt động cách mạng, Tố Hữu đã ý thức rất rõ những gì mình cần phải làm, anh phải biết quan tâm, sẻ chia với mọi người, phải biết cảm thông với họ, và từ đó hiểu họ, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tố Hữu là một giọt nước giữa biển đời mênh mông, việc hòa chung vào biển đời giúp cho sức mạnh tinh thần được nhân lên nhiều lần, nhờ sự đoàn kết, biết yêu thương, đùm bọc san sẻ.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ
Những khổ thơ về sau, càng về cuối càng thấy rõ sự gắn bó sâu sắc, vì được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Điều tuyệt đẹp nhất trên đời này là tình thương, điều đáng sợ nhất là vô cảm. Tố Hữu tìm được đến với Cách Mạng, quả thực đã khiến cuộc sống của anh không những được tốt đẹp hơn, dạy anh biết cách sống đúng đắn hơn, mà có lẽ lý tưởng Cách Mạng đã giúp cho cuộc sống của nhiều người trở nên có ý nghĩa. Tố Hữu tự dặn lòng mình đã là “con của vạn nhà” tức là người mang dòng máu, trái tim phải luôn hướng về “vạn nhà” và phải là người biết gắn bó sẻ chia cả những niềm vui nỗi buồn với họ. Những kiếp sống mỏi mòn đáng thương, những em nhỏ bơ vơ không nơi nương tựa. Tố Hữu cảm thương thay cho số phận của họ, và từ giờ anh sẽ sống với họ như mình là con em ruột thịt, hi sinh vì họ, và quyết tâm sẽ giúp đỡ họ.
Bài thơ Từ ấy ra đời, khi trái tim nhiệt huyết tìm được lối đi đúng đắn, và Tố Hữu thật sự rất may mắn khi biết được lý tưởng của đời mình. Về sau, tin chắc rằng bài thơ Từ Ấy của anh, sẽ mãi là kim chi nam soi đường cho thế hệ trẻ, là một lối đi đúng đắn mà bất kì bạn trẻ nào cũng cần được giác ngộ và làm theo, và ta thầm cảm ơn Tố Hữu, người anh cả của chúng ta vì điều đó.
Theo Sachvanmau.com