Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
Hướng dẫn
Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận:
Bài làm:
Thơ mới ra đời, những cái tên mới lạ được biết tới, trong đó, có những người được xem là gạo cội của đỉnh cao này. Người ta biết đến một hồn thơ rạo rực như Xuân Diệu, quê mùa như Nguyễn Bính, và đặc biệt một hồn thơ còn vương vấn cái chất cổ kính hết sức đặc biệt, mà nói đến phong trào thơ mới là không thể không điểm mặt, đó chính là Huy Cận, với tác phẩm nổi bật là “Tràng Giang”
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
Không phải ngẫu nhiên mà Huy Cận lấy câu thơ này làm lời đề từ, nó như một nét khái quát cho ý nghĩa cả bài thơ. Câu đề từ cho thấy một tâm trạng trước biển rộng trời cao, sự mênh mông vô tận của vũ trụ bao la, mà con người thì thực là nhỏ bé. Và cũng là nỗi niềm của trời rộng đối với sông dài.
Bắt nhịp vào bài thơ là bốn khổ đầu tiên:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Giữa sự mênh mông vô trùng vô tận của sông dài, những hình ảnh gợn sóng là biện pháp lấy động tả tĩnh, cái động của sóng càng làm nổi bật lên sự mênh mông, xa vắng, và rộng lớn của dòng sông, đây cũng là một nét đặc trưng của Huy Cận, khi trong thơ ông luôn phảng phất cái hơi thơ cổ, những từ ngữ, hình ảnh đều mang tính cổ điển. Không những thế, câu thơ đầu còn là nỗi triền miên không dứt, nối tiếp vô hồn vô hạn “buồn điệp điệp”. Mà trong ca dao, dường như cũng có câu nói:
Qua cầu ngả ngón trông cầu
Sóng bao nhiêu gợn em sầu bấy nhiêu.
Cái sầu đấy từ ngàn đời nay, như thể tìm được đến chất thơ Huy Cận, để nỗi sầu càng thêm thấm thía, càng day dứt và ám ảnh.
Hình ảnh con thuyền hiện lên ở câu thơ thứ hai, dường như có trong cái cảnh buồn vắng của thiên nhiên tràng giang đã có được sự xuất hiện của con người. Nhưng con thuyền, một lần nữa lại có ý nhấn mạnh hơn dấu vết cuộc sống con người thật nhỏ bé, đơn độc, giữa một miền buồn vắng và dài rộng như thế này. Con thuyền cô độc cứ thế xuôi mái chèo một cách vô định hình. Giữa cảnh thiên nhiên tràng giang, lại gợi trong tâm hồn Huy Cận một cảm giác man mác buồn, khiến ông như nhìn ra sự chia lìa giữa thuyền và nước. Đó là nghệ thuật tương phản cho thấy nghịch cảnh khác thường, gợi nỗi buồn càng trở nên thấm thía, từ đó nỗi buồn nhân lên trở thành nỗi sầu trong lòng thi nhân.
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Đây là câu thơ đặc biệt nhất trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận, hình ảnh “củi một cành khô” thật đặc biệt và khác lạ. Ban đầu Huy Cận từng viết “gỗ lạc rừng xa quận siết dòng” nhưng về sau đổi thành hình ảnh “củi một cành khô” thực phù hợp. Củi như một vật vô chi vô giác, nhỏ bé, tầm thường, trôi lạc lõng giữa dòng nước tràng giang mênh mông, trôi vô định, vô hướng, đó cũng chính là hình ảnh ẩn dụ cho hoàn cảnh của người tri thức, của con người lúc bấy giờ. Nước mất rơi vào sự kiểm soát của kẻ thù, là người yêu nước nhưng lại bất lực, trong hoàn cảnh đó Huy Cận như nhận ra chính mình là cành củi kia, nổi lênh vô định giữa dòng đời. Và hình ảnh này cũng thể hiện một phong cách cổ điển pha chút hiện đại của Huy Cận. Và nhờ đó càng làm nổi bật lên cảnh tĩnh lặng, buồn vắng và nỗi sâu như đang dần thấm đãm lấy con người trước trường giang buồn vắng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vắng chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Giữa tràng giang rộng lớn, nổi lên những gò bãi, những luồng gió thổi qua càng khiến nó trở nên trống trải và buồn tẻ phần nào.. Huy Cận đã đảo từ láy lên đầu, nhờ thế càng làm hiện ra rõ sự trống vắng, thưa thớt, và càng khiến con người ta trở nên sầu hơn, lẻ bóng hơn. Từ “đìu hiu” dường như Huy Cận đã học được từ trong thơ Chinh Phụ Ngâm:
Nam Kì quạnh quẽ trăng treo
Bến thì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Cũng chính nhờ điều này, càng làm tăng thêm tính cổ điển cho hồn thơ Huy Cận. làm người đọc cũng như càng cảm nhận sự trống trải, hiu hắt phảng phất trong gió. Giữa cảnh trời như vậy, chỉ cần một âm thanh nổi lên cũng khiến người ta nao lòng. Nhưng đây lại là tiếng “làng xa” mà dường như lại nửa có nửa không? Trơi vơi thấp thoáng khắp miền vắng lặng, càng làm nổi bật sự tĩnh lặng, trầm buồn nơi đây. Và dấu hiệu cuộc sống con người dường như bị chìm đi trước tràng giang. Và là một khát khao từ trái tim Huy Cận mong muốn nhận được hơi ấm từ con người. Hai câu cuối Huy Cận sử dụng biện pháp tương phản đối lập, giữa nắng xuống và trời lên, giữa độ sâu và độ cao, càng gợi sự nhỏ bé của cuộc sống, càng gợi sự mênh mông vắng vẻ trước vũ trụ, thiên nhiên bao la.
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Giữa dòng sông rộng lớn, nổi lên những hàng bèo trôi dạt vô định, “về đâu” tựa như một câu tự hỏi, một nỗi lòng ngẩn ngơ, băng khoăn của Huy Cận. Từng hàng bèo nối tiếp nhau, gợi sự mênh mông, vô định của tràng giang. Và một lẽ tất nhiên khi chịu đựng nỗi cô đơn, con người ta thường nghĩ đến chút gì của con người. Sự xuất hiện của con người dù ít dù nhiều cũng khiến con người ta bớt được phần nào cảm giác trống trải trong lòng. Giữa cái mênh mông vắng lặng như vậy, Huy Cận thầm chờ đợi “một chuyến đò ngang” nhưng hoàn toàn không có sự hồi đáp. Không đò, không người, “không cầu”, sự thân mật dường như bị cắt đứt hoàn toàn, khao khát được qua lại gặp nhau của con người, nhưng hiện tại lại là dấu ấn không có sự sống của con người, chỉ còn những gò bãi lặng lẽ tiếp nối nhau.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều xa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Huy Cận vốn là người thích thơ Đường và người chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ thơ đường, không ai sầu bằng Huy Cận, cổ kính như Huy Cận, những hình ảnh “mây” “núi bạc” thể hiện rõ nét điều đó, và càng làm cho bài thơ trở nên phong vị cổ điển, man mác trầm buồn. Một cánh chim nhỏ không làm cho cảnh sắc bớt cô liêu, chú chim nhỏ như tượng trưng cho người dân Việt Nam lúc bấy giờ, nhỏ bé và đơn độc, chỉ cần nghiêng cánh, phía sau là nền trời u tối đã chuẩn bị che lấp dần, đặc biệt trong câu thơ có sử dụng dấu “:” mục đích cắt nghĩa lí giải sự trớ trêu của sinh linh nhỏ bé. Hai câu sau khiến ta nhớ đến bài thơ của Thôi Hiệu, và dường như Huy Cận đang đối thoại với thơ Thôi Hiệu: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ trên sông khói sóng cho buồn lòng ai. Nếu Thôi Hiệu nhìn khói sóng trên sông để nhớ nhà, thì Huy Cận lại là một bước tiến mới mẻ, khi “không khói hoàng hôn” vẫn nhớ nhà. Càng làm cho nỗi nhớ như trực sẵn trong lòng, chỉ cần một chút dung môi cũng khiến tâm trạng càng trở nên buồn thảm hơn. Và có chăng đó cũng chính là sự diễn tả phần nào hoàn cảnh bấy giờ của Huy Cận.
Quả thực Huy Cận là một nhà thơ lớn của phong trào thơ mới, thơ ông trầm buồn, cổ điển không giống ai, cái ảo não cũng khác người. Chẳng thế vì sao thơ Huy Cận cứ buồn mãi trong lòng cố nhân, thấm thía mãi trong lòng người con xa xứ. Nhờ sử dụng những hình ảnh mới mẻ độc đáo, nét hiện đại xen lẫn cổ điển, giúp bài thơ càng trở nên nổi bật hơn, qua đó thấm đượm tình đời tình người và lòng yêu nước thầm kín thiết tha.
Xem thêm:Tràng giang, Thơ mới
Theo Sachvanmau.com