Tìm Kiếm

Phân tích bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin

Phân tích bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin

Bài làm

Puskin là một nhà thơ rất nổi tiếng. Ông thành công trên nhiều thể loại văn chương nhưng chủ yếu vẫn là thơ tình. Một trong số những bài thơ tình nổi tiếng của ông phải nói tới bài “Tôi yêu em”. Đây được coi là bài thơ tình hay nhất thế giới. Chỉ với bài thơ này đã đủ làm cho tên tuổi nhà thơ trở nên bất tử.

Bài thơ là lời giãi bày nồng nàn, tha thiết , lúc sôi nổi, mạnh mẽ, lúc dịu nhẹ lắng sâu của một trái tim yêu đơn phương vô vọng. Bài thơ này vốn không có tiêu đề, dịch giả Thúy Toàn đã lấy điệp khúc “Tôi yêu em” làm tiêu đề cho tác phẩm. Đại từ “tôi” ở đây có nhiều ý nghĩa, có thể là Puskin, cũng có thể là trái tim yêu của những chàng trai mà Puskin chính là người thư kí trung thành của những trái tim ấy. Cặp đại từ nhân xưng tôi- em, gợi mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình với đối tượng có khoảng cách vừa gần lại vừa xa, vừa đằm thắm, vừa dang dở là em. Nó còn gợi lên một tình yêu đơn phương không thành của chàng trai.

Tình cảm phức tạp, tế nhị của nhân vật trữ tình được Puskin diễn tả qua cụm từ “Tôi yêu em”, đây như một lời thổ lộ, bộc bạch trực tiếp, chân thành, không ồn ào mà trầm lắng giản dị. Trong bản nguyên tác của bài thơ là “tôi yêu em”, còn khi chuyển sang bản dịch là “tôi yêu em đến nay..”, điều này thể hiện được tình yêu của nhân vật tôi. Tôi đã yêu em, và bây giờ vẫn yêu em, trái tim yêu trong tôi vẫn đập những nhịp đập của tình yêu dành cho em.

“Tôi yêu em đến nay chừng có thể”, với giọng điệu dè dặt, ngập ngừng trong lời thổ lộ đã thể hiện được tâm trạng trăn trở, day dứt của nhân vật trữ tình. Cách dịch sáng tạo “ngọn lửa tình”, đã bộc lộ rất sát với tư tưởng tình cảm của tác giả, tình yêu trong “tôi” chưa tắt giống như ngọn lửa vẫn đang âm ỉ, thiêu đốt trái tim của chàng trai. Hai dòng thơ đầu chính là lời thổ lộ, dãi bày tình cảm của chàng trai- tình yêu chân thành, âm thầm của một trái tim thủy chung, chứ không phải là sự đam mê nhất thời.

 

Sau lời khẳng định tình yêu ở hai dòng thơ đầu, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình ở hai dòng thơ sau đã có sự thay đổi, có sự giằng co giữ lí trí và tình cảm:

“Nhưng không để em phải bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Từ “nhưng” đứng ở đầu vế câu thơ thể hiện sự kìm nén của lí trí, trước tình cảm chân thành, đằm thắm thể hiện ở hai câu thơ đầu. Tác giả sử dụng từ phủ định “không” để nhấn mạnh sự dứt khoát: cần chối bỏ tình yêu, cần dập tắt ngọn lửa tình yêu (dù âm thầm dai dẳng), không phải vì mệt mỏi, vì tuyệt vọng, mà vì sự thanh thản của “hồn em”. Giọng điệu của câu thơ lúc này có sự thay đổi từ châm dãi, thiết tha sang mạnh mẽ, dứt khoát.

Bên trong những lời nặng lí trí đó, là sự mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm. Đằng sau cách nói quả quyết là sự tự đấu tranh, dằn vặt nội tâm của nhân vật tôi: đó là nỗi buồn đau của trái tim yêu đơn phương; đó còn là sự tự ý thức sâu sắc về tình yêu: không được làm phiền lòng người con gái mình yêu. Người đọc có thể nhận thấy rõ, lí trí trong chàng trai đang trỗi dậy và lấn át đi tình cảm nồng nàn.

Bốn câu thơ đầu cho chúng ta thấy vẻ đẹp nhân cách của nhân vật trữ tình đang dần được hé lộ: chàng trai có tình yêu chân thành và biết vượt qua thói vị kỉ để dành sự thanh thản cho người con gái mình yêu-chính là em.

 

Hai câu thơ 3 và 4 khép lại bằng sự mạnh mẽ của lí trí, nhưng nhân vật tôi không thể hoàn toàn lí trí được:

“Tôi yêu em âm thầm không hy vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”

Cảm xúc của hai câu này bắt đầu có sự thay đổi. Nhịp điệu nhanh, dồn dập, nhiều ngắt cách với những trạng từ chỉ thời “khi”, “lúc”, để diễn tả thành công bi kịch giữa lí trí và tình cảm: giữa cái có (tình yêu của mình) với cái không có (tình yêu của em dành cho tôi), giữa cái mơ ước (được em yêu) với thực tế (em không hề yêu tôi). Chàng trai với nhiều cung bậc cảm xúc đa dạng, những trạng thái khác nhau như:  “âm thầm”, “không hi vọng”, “rụt rè”, “hậm hực”. Qua việc diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình như vậy, chúng ta có thể hiểu nhân vật trữ tình là một chàng trai có tình yêu cháy bỏng, sôi nổi, rạo rực, đắm say. Cảm xúc dồn nén, gấp gáp phù hợp với những đợt sóng tình cảm của con người tha thiết yêu thương mà không được cảm thông, có nỗi khổ đau của sự tuyệt vọng, sự e ngại, rụt rè, sự ghen tuông giày vò. Ghen tuông là gia vị của tình yêu, nhưng ghen tuông quá lại là mặt trái của tình yêu, là biểu hiện của lòng ích kỉ, muốn độc chiếm, sở hữu.

Điệp từ “Tôi yêu em” được lặp lại ba lần để tiếp tục khẳng định bản chất tình yêu mà tôi dành cho em “chân thành, đằm thắm”. Chàng trai đã vượt lên trên nỗi ghen tuông, ích kỉ nỗi buồn u ám để khẳng định tình yêu:

“Tôi yêu em chân thành đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

Dòng cuối cùng là sự thăng hoa của tình yêu “chân thành, đằm thắm” bằng lời chúc phúc cho em được người khác yêu em như tình yêu mà tôi đã dành cho em. Đằng sau lời chúc ấy là sự khẳng định tình yêu bất diệt, vĩnh cửu. Và cả một bi kịch, bi kịch của một tình yêu chân thành đằm thắm nhưng lại không được đáp lại, từng giấu kín nay được bật mở.

 

Tình yêu cao thượng lên ngôi, chiến thắng sự vị kỉ, dù  không có được người mình yêu, nhưng nhân vật tôi vẫn lựa chọn cách cư xử có văn hóa trong tình yêu. Bài thơ dường như là một lời giã từ của một tình yêu không thành, nhưng đặc biệt là ở chỗ lời từ giã cuối cùng lại là lời giãi bày, bộc bạch, là sự khẳng định một tình yêu chân thành, sôi nổi, nồng nàn.

Bài thơ đã ca ngời được vẻ đẹp của tình yêu chân thành đằm thắm, đức hi sinh cao thượng quên mình vì hạnh phúc của người mình yêu thương, trân trọng. Qua đó chúng ta rút được bài học cho mình đó là: tình yêu là sự tự nguyện từ hai phía, tình yêu phải được xuất phát từ sự chân thành và vị tha, và mỗi người khi yêu cần cư xử có văn hóa.