Phân tích bài thơ Thương vợ của Tú Xương
Bài làm
Trần Tế Xương hay còn có tên gọi khác là Tú Xương. Ông là người giỏi về thơ Nôm. Tú Xương là một nhà thơ rơi vào bi kịch thi rớt và nghèo khổ. Nhà thơ đã có rất nhiều bài thơ hay. Thơ xưa viết về người vợ đã ít, viết về người vợ khi còn sống lại càng hiếm hoi hơn. Vậy mà tác giả Tú Xương đã viết dành tặng vợ mình, ngay từ khi bà Tú còn sống.
Hình tượng bà Tú thuộc về kiểu gia đình nhà nho theo ảnh hưởng Nho giáo. Không coi trọng sản nghiệp, mà chỉ coi trọng danh vị. Ở những gia đình như thế, người chồng thì miệt mài đèn sách, người vợ tần tảo nuôi sống gia đình với hi vọng một ngày chồng đỗ đạt. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội nhốn nháo thì cuộc mưu sinh của bà Tú không phải là bươn chải nhất thời để chờ chồng thành danh mà đó là cuộc bươn chải không có hồi kết thúc. Chỉ với hai câu đề, hình ảnh bà Tú đã hiện lên như chân dung của một cuộc đời, một duyên phận.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Câu thơ đầu tiên đã miêu tả khái quát đầy đủ cuộc sống vất vả của bà Tú, được thể hiện qua từ “quanh năm”, cụm từ này xuất phát từ câu thành ngữ “Quanh năm suốt tháng”. Hai chữ “quanh năm” không chỉ là độ dài thời lượng mà gợi ra cái vòng vô kì hạn của thời gian. Thời gian lao động hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác trong sự nhọc nhằn, vất vả, bươn chải,..Công việc của bà Tú là buôn bán, đây là một công việc khá phức tạp. Tại địa điểm buôn bán chính là mom sông, mom sông chính là một địa điểm đầy chênh vênh, cheo leo, rất dễ sụt và dễ té. Chỉ với hai chữ “mom sông”, chỉ một địa điểm cụ thể mà như có sóng cồn gió nổi, không ổn không yên trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày của bà Tú. Câu thơ đầu tiên hiện lên hình ảnh một người phụ nữ tần tảo, lam lũ. Câu thơ thứ hai, vừa phơi bày cái gánh nặng cơm áo vừa như giải thích cái lí do khiến người vợ hiền thảo phải chường mặt ra với đời. Hai từ “nuôi đủ”, chữ “đủ” ở đây sóng sánh nhiều lớp nghĩa, đầy đủ, đủ thứ, đủ cả. Với nụ cười hóm hỉnh pha chút giễu cợt ngậm ngùi, bộc lộ tấm lòng tri ân sâu của Tú Xương. Nhà thơ không gộp chung chồng và con lại trong câu “Nuôi đủ năm con với một chồng”, mà tách bạch, rạch ròi tính công vợ nuôi con riêng và nuôi chồng riêng, Tú Xương tự coi mình là một thứ con đặc biệt để vợ phải nuôi riêng.
Nhà thơ từng khinh đời, cười ngạo nghễ trước sự đảo điên không ngần ngại coi mình cũng là một nhân tố bé nhỏ được bà Tú chăm nuôi. Tú Xương đã nhận ra mình là một gánh nặng trên đôi vai tần tảo khuya sớm của vợ.
Lòng thương xót khôn nguôi khiến Tú Xương cứ triền miên trong những cảm nhận buốt nhói về thân phận của bà Tú
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Hình ảnh ẩn dụ “con cò” trong ca dao đã trở thành “thân cò” trong thơ của Tú Xương. Đó là sự sáng tạo từ ngữ gợi lên những thân phận, những cuộc đời đau khổ tội nghiệp của người phụ nữ. Chính từ “thân cò” trong thơ Tú Xương lại có sức khái quát cao hơn hình ảnh “con cò” trong ca dao. Cụm từ “lặn lội” đứng ở đầu câu kết hợp với cảm giác heo hút, rợn ngợp gợi lên từ hai câu “quãng vắng”. Người đọc có thể cảm nhận thấy ý thơ xoáy sâu vào cực khổ, đơn chiếc của bà Tú trên con đường mưu sinh, không sự gánh vác, sẻ chia từ chồng mình. Trong câu thơ có sử dụng từ “eo sèo”, có tính chất vất vả, phức tạp của công việc buôn bán. Hình ảnh buổi đò đông mà tác giả đã sử dụng trong hai câu thơ trên nhằm toát lên sự vất vả, sự liều lĩnh, bất chấp tính mạng của bà Tú vì chồng, vì con. Trong ca dao đã có câu:
“Con ơi nhớ lấy câu này
Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua”
Nhờ những phương tiện tiêu biểu của văn học dân giân nên ở một phương diện nào đó hình ảnh bà Tú trong hai câu thực tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tần tảo, đảm đang. Trong những câu thơ ấy, ta như thấy cả tiếng uất nghẹn của một người chồng nhìn thấy nỗi cơ cực của vợ mà không thể chia sẻ đỡ đần.
Nếu ở hai câu đề và hai câu thực, Tú Xương đã nói lên một cách đầy xót thương và ân tình đối với nỗi nhọc nhằn của vợ thì ở hai câu luận, Tú Xương đã nhập thân vào nhân vật bà Tú, nói hộ bà những suy nghĩ độc thoại để làm nổi bật phẩm chất đáng quý của người phụ nữ này:
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa há quản công”
Câu thơ “Một duyên hai nợ” tác giả đã tách duyên và nợ ra, duyên ít mà nợ thì nhiều. Ở hai câu thực mới chỉ nói là “thân” thì đến đây nhà thơ gọi thẳng ra là “phận”, nỗi vất vả không chỉ là thân xác mà là nỗi vất vả của cả một số phận, một kiếp người nên vì thế nặng nề hơn, cay cực hơn. Tuy vất vả nhưng bà Tú không hề than thân, trách phận, không phiền lòng phẫn chí, mà lặng lẽ an phận, ráng sức lo toan. Tác giả đã sử dụng thành ngữ “Năm nắng mười mưa” khiến câu thơ như một tiếng thở dài, nhưng là tiếng thở dài lạ lùng của sự mãn nguyện, sẵn sàng vì chồng vì con mà nhận nỗi vất vả về mình, đó là bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Hiện lên trong hai câu thơ là hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam truyền thống: âm thầm, nhẫn nại, xem việc “thờ chồng nuôi con” là một bổn phận.
Hai câu kết là tiếng nói bi phẫn không kiềm chế được của tấm lòng một người chồng, càng thương vợ bao nhiêu càng giận đời bấy nhiêu:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Nhà thơ tự chửi chính mình: tội làm chồng mà ăn ở bạc, hờ hững trước gánh nặng mưu sinh của vợ. Tác giả nhận ra mình là một gánh nặng đè lên số phận nhọc nhằn của bà Tú. Một nhà nho xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, mang nặng tư tưởng phong kiến lại biết tự sỉ vả, tự lên án mình trước một người vợ xem việc thờ chồng, nuôi con là một bổn phận. Đó là một thái độ đẹp, có nhân cách của người chồng hay chính là Tú Xương. Tiếng chửi của tác giả chính là một biểu hiện của một tấm lòng thương vợ sâu thẳm, mênh mông của Tú Xương. Tú Xương chửi thói đời đen bạc, bất công khiến bà Tú dẫu tần tảo, đảm đang mà vẫn nghèo khó quanh năm, suốt tháng. Tác giả còn chửi vào chế độ phong kiến khắt khe, lạc hậu khiến một ông Tú như ông không thể hạ mình xắn tay lặn lội cơm áo với vợ.
Hai câu thơ kết nhà thơ đã mở rộng tình thương vợ, thái độ đối với vợ sang thái độ đối với xã hội phong kiến, đó là ý nghĩa xã hội sâu sắc của tác phẩm. Đằng sau tiếng chửi rủa mình, chửi đời, chửi xã hội ấy là những giọt nước mắt của nỗi đau, của tâm trạng phẫn uất, của bị kịch Tú Xương bật ra câu chữ. Đó còn là bi kịch của cả một thế hệ trí thức chứng kiến cảnh xã hội đảo điên biến mình thành kẻ vô tích sự.
Bài thơ để lại trong lòng người đọc niềm cảm động và kính phục trước hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam tần tảo, đảm đang, giàu đức hi sinh. Đồng thời thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với tâm tình của một nhà nho tài hoa nhưng lỡ vận, giàu ân tình.