Tìm Kiếm

Phân Tích Bài Thơ Quê Hương Lớp 8 Của Tế Hanh

Đề bài: Phân Tích Bài Thơ Quê Hương Lớp 8 Của Tế Hanh

Bài làm

“Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều”

Hình ảnh quê hương luôn là một nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca Việt Nam, biết bao sáng tác rất đặc sắc đã ra đời để nói về chủ đề này. Trong những tác phẩm đặc sắc ấy, người đọc không thể không nhắc tới tác phẩm Quê hương của nhà thơ Tế Hanh.

Hình ảnh quê hương đất nước trong thơ của Tế Hanh hiện lên là một hình ảnh cuộc sống chân thực tại một làng chài:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”.

Ngay khi mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu về nơi chôn rau cắt rốn của mình và nhà thơ đã nhắc đến nó bằng một giọng điệu hết sức tự hào, hạnh phúc khi làng tôi ở cách biển cả nửa ngày sông, và nghề nghiệp chính của người dân nơi đây là làm nghề chài lưới. Làng chài của tác giả không được nhắc đến tên trong tác phẩm, chính vì vậy nó khiến người đọc liên tưởng đến biết bao làng chài khác trên dải đất hình chữ S này. Ở khắp mọi vùng quê ấy, có những làng chài mà cứ ngày ngày những chàng thanh niên trai tráng lại ra khơi đi đánh cá. Hình tượng các chàng trai bơi thuyền đi đánh cá làm người đọc liên tưởng đến hình tượng những con người đang lên đường ra chiến trận, xông pha vào trong khói lửa xa trường. Nhưng ở đây, những người ngư dân lương thiện này lên đường là để kiếm miếng cơm manh áo, dáng điệu họ bơi thuyền hiện ra đầy khỏe mạnh, quật cường và hùng dũng trước thiên nhiên biển cả.

 

“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”

Sau khi giới thiệu về làng chài của mình, tác giả Tế Hanh quay sang tập trung miêu tả vào một chuyến đi biển của người dân. Trong chuyến đi ấy, những con thuyền giống như những con chiến mã, mái chèo như những vũ khí lợi hại còn cánh buồm như lá cờ tượng trưng cho linh hồn của người dân. Bút pháp so sánh được tận dụng triệt để giữa hai vế. Một vế là những hình ảnh, vật dụng đơn sơ, giản dị những công cụ lao động của người ngư dân còn một vế lại là những hình ảnh biểu tượng đầy uy lực, sức sống và mang tầm vóc vĩ mô. Trong những câu thơ vừa có hình ảnh, vừa ngập tràn cảm xúc. Tất cả những vật dụng gắn bó với lao động của người dân dường như đều có linh hồn, có biểu cảm, chúng hiện lên một cách hiên ngang, oai phong lẫm liệt như chính bản thân chúng cũng muốn được thả mình, được thâu góp gió vào đất trời. Cũng có thể, cánh buồm đó là đại diện cho tình yêu và những khát khao hoài bão của chàng trai muốn được hòa mình vào với biển trời, muốn được thể hiện, được đóng góp trong những chuyến đi.

“Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

 

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về năm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”.

Bài thơ được diễn tả theo một trình tự về một chuyến đi biển của những người ngư dân vì vậy sau khi họ đi biển, thành quả khi trở về của họ là những con cá tươi ngon đầy ghe. Mỗi một chuyến đi biển trở về dân làng lại cùng nhau tấp nập ồn ào ra đón ghe, đón những người ngư dân trở về đất liền. Đó là một chuyến đi biển bội thu, và tất cả họ đều hiểu rằng có được điều đó là nhờ mẹ thiên nhiên ban tặng, họ biết ơn trời đã cho những chuyến đi biển được trở về trong an toàn với những thành quả đầy ăm ắp.

Chuyến đi kết thúc và những con người trở về ai ai cũng mang đậm trên người cái phong vị của biển cả, đến con thuyền cũng cảm thấy mệt mỏi sau một hành trình dài. Hình ảnh và hương vị của biển đã thấm sâu và lan rộng trong từng con người, từng cảnh vật và vật dụng nơi đây. Biển và làng chài, người dân dường như đã hòa hợp vào nhau đã trộn lẫn trong cả tâm hồn và xác thịt.

“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc thuyền vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”.

Sau khi hồi tưởng về cả một hành trình đánh bắt, một quy trình quen thuộc của quê hương nhà thơ mới quay về bày tỏ nỗi lòng của mình (đến đây thì tác giả mới nhắc đến mình). Đó là nỗi lòng của một con người xa quê đang hướng về làng chài với một niềm nhớ thương tha thiết. Sự nhớ nhung của chàng trai được diễn tả qua cả các màu sắc (nước xanh, cá bạc), qua hình ảnh biểu tượng (chiếc thuyền vôi), qua hương vị (mùi mặn nồng) và qua cả hành động (rẽ sóng chạy ra khơi). Như vậy sự nhớ nhung phải vô cùng cồn cào, vô cùng sâu nặng thì tác giả mới gợi lại tỉ mỉ từng chi tiết và thuật lại nó bằng những ngôn từ tráng lệ, bằng giọng điệu tự hào mà chứa chan tình cảm. Nỗi nhớ ấy của nhà thơ khiến ông phải thốt lên nhớ quá, và nhớ là nhớ cả cái hương vị của biển bởi nó đã bao hàm tất cả.

 

Đúng là trong thơ ca Việt Nam, thơ về quê hương đất nước là bất tận. Những bài thơ của Giang Nam, Đỗ Trung Quân, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Lê Anh Xuân mỗi cái tên đều đã có những tác phẩm không thể thay thế trong chủ đề thơ này. Và bài thơ Quê hương, với bút pháp miêu tả tường thuật đậm nét về hình ảnh làng chài miền biển Việt Nam cũng chính là một mảnh ghép đầy sắc màu đã đóng góp vào những trang thơ ấy.