Nghị luận xã hội: Tiếng hót của chim Chàng Làng
Hướng dẫn
Đề Nghị luận xã hội hay: Câu chuyện tiếng hót của chim Chàng Làng
Trình bày suy nghĩ của anh ( chị) về câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
“Chàng Làng vẫn thường hãnh diện và kiêu ngạo về tiếng hót của mình hơn hẳn đồng loại. Nó có thể hót tiếng của nhiều loài chim.
Một hôm, nhân có mặt đông đủ bạn bè họ nhà chim, chú đậu tót lên cành cây cao rồi ưỡn ngực, vươn cổ cất tiếng hót. Chú hót say sưa, khi thì giống giọng của sáo đen, khi là giọng của chích chòe, hoạ mi Ai cũng khen chú bắt chước giống và tài tình quá. Cuối buổi biểu diễn, một chú chim sâu đề nghị: Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho
bọn em nghe nào! Chàng Làng đứng mãi mà không hót được giọng của riêng mình, Chàng Làng xấu hổ cất cánh bay thẳng. Bởi vì từ xưa đến nay, Chàng Làng chỉ quen nhại theo giọng hót của các loài chim khác chứ đâu chịu luyện một giọng hót riêng cho chính mình.
Hướng dẫn cách làm:
Đây là dạng đề Nghị luận xã hội về câu chuyện, nếu các em chưa nắm vững lí thuyết thì đọc bài viết hướng dẫn cụ thể ở link này nhé:Nghị luận xã hội về câu chuyện
Dàn ý cho đề bài trên như sau:
Mở bài: Giới thiệu câu chuyện và vấn đề nghị luận. Ở đây các em không cần chép hết câu chuyện vào bài thi, chỉ cần nhắc tới tên truyện và nội dung chính, đồng thời nêu được vấn đề cần bàn luận.
Thân bài:
1. Tóm lược nội dung câu chuyện để rút ra vấn đề:
– Câu chuyện kể về loài chim Chàng Làng( còn có tên khác là chim Bách Thanh), loài chim này có khả năng tuyệt vời là bắt chước giọng của những loài chim khác.
– Bản thân chú chim này rất tự hào về khả năng của mình và khi có mặt đông đủ bạn bè, họ hàng nhà chim chú lại trình diễn năng khiếu ấy cho mọi người thưởng thức.
– Tuy nhiên khi được đề nghị hót bằng giọng của mình thì chú xấu hổ bay đi mất vì xưa nay chú chỉ bắt chước, nhại theo chứ đâu có luyện cho mình một giọng hót riêng.
=> Câu chuyện phê phán thói bắt chước, nhại lại mà không chịu suy nghĩ, không chịu sáng tạo để làm nên phong cách riêng ở một số người.
2. Suy nghĩ của bản thân từ câu chuyện:
– Bắt chước là một thói quen được hình thành từ thuở ấu thơ, nó giúp con người học hỏi được mọi thứ từ thế giới xung quanh để thích nghi với cuộc sống.
– Bắt chước là giai đoạn đầu tiên của tư duy mà bất cứ ai cũng phải trải qua bởi khó có thể phát minh, sáng tạo ra cái mới nếu không dựa vào những ý tưởng cũ. Bắt chước trong một hoàn cảnh nào đó cũng được coi là tài năng nếu sự bắt trước y như thật.
– Tuy nhiên cuộc sống không ngừng đòi hỏi sự sáng tạo. Thành công của ngày hôm nay không thể giống với ngày hôm qua, ngày mai không thể giống ngày hôm nay vì thế con người không thể rập khuôn, bắt chước những cái đã có.
– Câu chuyện đã phản ánh một thực trạng trong xã hội: nói theo, viết theo, nghĩ theo, hành động theo…nhất là đối với học sinh hiện nay. Việc bắt chước một cách máy móc đã làm các em mất đi phong cách riêng của mình, thui chột khả năng sáng tạo, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trong tương lai.
->> Phê phán những người tự cao tự đại, kiêu ngạo về bản thân.
->> Cần phê phán những người rập khuôn, máy móc, không biết sáng tạo, chỉ quen đi theo những lối mòn của người đi trước
Dẫn chứng: Có thể lấy dẫn chứng về tấm gương sáng tạo ở Việt Nam
3. Bài học nhận thức và hành động:
– Trong cuộc sống không tự biến mình thành những con chim Chàng Làng chỉ biết làm theo người khác một cách máy móc
– Không ngừng học hỏi, không ngừng tư duy, sáng tạo để khẳng định mình và đi tới thành công.
Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của câu chuyện, Liên hệ bản thân.
Xem thêm: Bộ đề nghị luận xã hội