Nghị luận xã hội: suy nghĩ về câu chuyện ” Bài thuyết giảng”
Hướng dẫn
Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề đặt ra trong câu chuyện dưới đây:
Bài thuyết giảng
Tại ngôi làng nhỏ, vào ngày chủ nhật, có vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống. Hôm nay ông đến thăm nhà của cậu bé vốn không hề muốn chơi hay kết bạn với ai.
Cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm.
Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa. Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt nó sang bên cạnh lò sưởi.
Rồi ông lại ngồi xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc.
Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần rồi tắt hẳn.
Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đi thăm nhà khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh đặt vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó.
Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông nói:
– Cảm ơn bài thuyết giảng của bác!
(Phỏng theo Vặt vãnh và hoàn hảo, NXB Văn hóa Thông tin)
Hướng dẫn
Giới thiệu câu chuyện và vấn đề đặt ra trong câu chuyện.
Vấn đề đặt ra trong câu chuyện
– Cậu bé (người nghe thuyết giảng) không hề muốn chơi hay kết bạn với ai: lối sống khép kín, cá nhân, cô độc.
– Bài thuyết giảngcủa vị giáo sư:
+ Nhặt mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt nó sang bên cạnh lò sưởi: tách cá nhân ra khỏi môi trường tập thể, cộng đồng, thế giới mà nó cần thuộc về.
+ Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần rồi tắt hẳn: sống cá nhân, cô độc là tự diệt.
+ Nhặt cục than lạnh đặt vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó: cá nhân khi được tiếp sức bởi tập thể, cộng đồng lại có thể tỏa sáng; khi góp ánh sáng và hơi ấm của mình cùng với những cá nhân khác mới có thể tạo ra thứ ánh sáng rực rỡ và bền vững hơn.
– Thông điệp từ câu chuyện: Khi sống đơn độc, lẻ loi, tách khỏi tập thể, cộng đồng, cá nhân sẽ đẩy mình đến chỗ tự diệt. Chỉ khi hòa mình vào với mọi người để cùng nhau sống, cùng nhau nỗ lực, cá nhân mới tìm thấy niềm vui, phát huy được năng lực, sở trường, sức mạnh của chính mình, mới thực sự sống và sống một cách có ý nghĩa.
Phân tích ý nghĩa của vấn đề
– Sống đơn độc, lẻ loi, cá nhân sẽ đẩy mình đến chỗ tự diệt:
+ Mỗi cá nhân sinh ra và lớn lên đều có mối quan hệ không thể tách rời gia đình và cộng đồng nhưng mỗi người chỉ có một giới hạn nhất định về khả năng nên không thể tự mình đáp ứng hết được mọi yêu cầu của cuộc sống, cũng không thể tự mình tạo cho mình một cuộc sống trọn vẹn.
+ Cuộc sống vốn phức tạp lại luôn biến động, đổi thay với những bất ngờ, những điều xảy ra ngoài dự liệu của con người. Nếu chỉ có một mình, cá nhân sẽ khó hoặc không thể ứng phó hết được.
+ Trong cuộc sống, có những điều xảy ra nằm ngoài khả năng giải quyết của một cá nhân (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh,…). Nếu không hợp sức, một cá nhân nhỏ nhoi hoàn toàn có thể bị nhấn chìm, đè bẹp.
– Khi hòa mình với mọi người, cùng nhau sống, cùng nhau nỗ lực, cá nhân mới thực sự sống và sống một cách có ý nghĩa:
+ Hòa mình với mọi người, cá nhân sẽ có được niềm vui (giao lưu, chia sẻ, đồng cảm, tri kỉ,…).
+ Gắn bó với mọi người, cá nhân có thể giúp mọi người và cũng nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Sự gắn bó khiến sức mạnh cá nhân có thể được nhân lên bởi sức mạnh chung của tập thể, cộng đồng.
+ Sống giữa mọi người, thế mạnh của mỗi cá nhân được phát huy, điểm yếu được bù đắp; những đóng góp của cá nhân được thừa nhận, trân trọng, tôn vinh, lưu giữ,…
+ Sống cùng mọi người, cá nhân sẽ bắt kịp nhịp vận hành của đời sống để không tụt hậu, lệch nhịp, lạc điệu,…
(Học sinh cần có dẫn chứng xác thực, cụ thể trong đời sống để làm rõ luận điểm )
Bàn luận, mở rộng
– Cần phân biệt giữa lối sống hòa đồng với lối sống a dua theo đám đông. Sự hòa đồng cho ta niềm vui và sức mạnh, thói a dua chỉ khiến ta đánh mất chính bản thân mình.
– Cần có ý thức hòa mình vào cộng đồng, trân trọng sức mạnh của cộng đồng song cần nhận thức đầy đủ về công việc và cuộc sống của bản thân để có sự lựa chọn đúng đắn: khi nào cần hòa mình với mọi người, khi nào cần tư duy độc lập, việc gì cần phối hợp sức mạnh chung của tập thể, việc gì cá nhân phải tự giải quyết bằng năng lực, nội lực của chính mình…
Khẳng định ý nghĩa câu chuyện và liên hệ bản thân
- Bộ đề thi học sinh giỏi môn Văn
- Bộ đề Nghị luận xã hội