Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm
Bài làm
Tấm Cám là một câu truyện cổ tích hay nhất và có tính phổ biến trên toàn thế giới. Câu chuyện như một bài học làm người dành cho mỗi con người mà tác giả dân gian muốn gửi gắm. Có một chi tiết trong chuyện, nó vừa là chi tiết kết thúc lại tác phẩm, kết thúc lại chuỗi ân oán giữa Tấm và mẹ con nhà Cám, nhưng lại vừa là chi tiết gây rất nhiều tranh cãi, đó là chi tiết: Tấm trả thù mẹ con Cám, giết Cám ở cuối truyện.
Truyện “Tấm Cám” là một câu chuyện dân gian. Vì đặc trưng của văn học dân gian là có tính dị bản, nên truyện Tấm Cám cũng không nằm ngoài đặc trưng ấy. Có rất nhiều dị bản về truyện Tấm Cám, nhưng chúng ta có thể khái quát chung về câu chuyện như sau. Nhân vật chính trong chuyện chính là cô Tấm, Tấm là một đứa trẻ mồ côi, phải sống cùng dì ghẻ và một đứa em gái cùng cha chính là Cám. Cuộc sống mẹ kế con chồng luôn là vấn đề muôn thuở, Tấm bị mẹ con Cám ngược đãi dã man, bắt Tấm phải làm việc quần quật cả ngày, còn Cám thì được ăn sung mặc sướng, không phải làm gì. Tấm đã bị Cám lừa lấy hết giỏ tép khi dì ghẻ bảo ai bắt được nhiều tép hơn sẽ được nhận một cái yếm đỏ, thế là Cám đã lấy đi thành quả mà Tấm vất vả có được để đi nhận thưởng. Mẹ con Cám đã giết đi Bống, người bầu bạn của Tấm. Đến ngày đi hôi, Tấm cũng muốn đi hội như bao người, nhưng lại bị dì ghẻ trộn lẫn gạo và thóc bắt Tấm ở nhà nhặt cho bằng xong thóc ra thóc mà gạo ra gạo thì mới được đi hội. Sau những lần bị mẹ con Cám ức hiếp, ngược đãi thì Tấm cũng chỉ biết cam chịu, may thay những lần ấy, Tấm đều nhận được giúp đỡ của Bụt. Bụt giúp Tấm cả việc có quần áo đẹp đi hội. Và cũng chính từ buổi hội ấy, Tấm đã gặp được nhà vua và được trở thành hoàng hậu. Nhưng vì ghen ghét đố kỵ với Tấm, mẹ con Cám đã tìm cách giết Tấm hết lần này đến lần khác, mặc cho Tấm đã đưa ra lời cảnh báo, mẹ con Cám vẫn tiếp tục giết hại Tấm. Tấm bị giết hại bốn lần, và lần nào cũng được hồi sinh. Đó chính là chặng đường Tấm tự mình đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc vốn là của mình. Lần này, nhân vật Bụt không xuất hiện nữa, mà Tấm phải tự mình đấu tranh cho chính mình. Ở cuối chuyện, kết thúc bằng chi tiết Tấm được đầu thai về làm người, gặp được nhà vua và quay về cung. Mẹ con Cám lo sợ, nhưng lại vờ như không có chuyện gì. Cám đã hỏi Tấm một câu đó là làm cách nào mà Tấm có thể trắng như vậy, Tấm mới chỉ cách cho Cám là đào một cái hố rồi dội nước sôi vào như vậy sẽ trắng.
Có rất nhiều tranh luận về chi tiết kết thúc này. Nhiều người cho rằng đây là hành động ác của cô Tấm khi đã giết Cám. Có người lại cho rằng hành động của cô Tấm không sai, nó chỉ diễn ra theo đúng quy luật của cuộc sống. Trước khi khẳng định ý kiến nào đúng chúng ta cùng đi xem xét lại câu chuyện. Như chúng ta đã biết, ngay từ nhỏ Tấm sống với mẹ con Cám Tấm đã bị hành hạ, ngược đãi rồi, nhưng Tấm có thái độ như thế nào. Đó vẫn là thái độ cam chịu, cam chịu bị mẹ con Cám hành hạ, lừa gạt hết lần này đến lần khác, rồi cuối cùng cả hành vi giết Tấm của mẹ con Cám. Mẹ con Cám giết Tấm không chỉ một lần, mà là bốn lần. Trong lần thứ nhất, khi Tấm hóa thành chim vàng anh, Tấm đã đưa ra lời cảnh báo cho Cám, nhưng Cám không chịu thức tỉnh, mà lại tiếp tục giết chim vàng anh, tức là giết Tấm. Lần thứ hai, khi được hóa thân trong hình hài cái khung cửi, Tấm cũng lại một lần nữa đưa ra lời cảnh cáo nhưng mẹ con nhà Cám vẫn thực hiện hành vi xấu xa là đốt khung cửi. Và cả những lần gián tiếp giết Tấm nữa. Như vậy, cô Tấm trong chuyện không phải là chủ định giết Cám, mà là Tấm đã phải chịu nhịn nhục rất nhiều, rồi đã đưa ra lời thức tỉnh mẹ con Cám nhưng họ vẫn tiếp tục hại Tấm. Tấm đứng lên bùng lên đấu tranh cũng là một lẽ đương nhiên. Hơn nữa, chúng ta phải đặt truyện vào đúng hoàn cảnh của nó, để thấy cô Tấm đã phải chịu những gì và đẩy vào hoàn cảnh cùng đường ra sao. Còn về phía mẹ con Cám, hết lần này đến lần khác làm tội ác.
Tác giả dân gian khi sáng tác câu chuyện này, là muốn gửi đến người đọc, chính là ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Tấm hiền lành, thật thà, chịu nhiều bất hạnh nên từ đầu đã được nhận sự giúp đỡ của Bụt, sau này khi nhân vật Bụt không xuất hiện, Tấm vẫn đầu thai và gặp được bà lão bán nước. Tác giả dân gian muốn cho chúng ta thấy cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, dù như thế nào thì cuối cùng kết quả vẫn sẽ là như vậy.
Truyện Tấm Cám đã thể hiện được lòng căm thù cái xấu, cái ác của dân gian. Tấm chính là đại diện cho cái thiện đứng dậy đấu tranh tiêu diệt cái ác. Như vậy, đến đây chúng ta có thể khẳng định, hành động giết Cám của Tấm là hành động hoàn toàn đúng, một sự trừng trị thích đáng cho những kẻ xấu xa, ghen ăn tức ở, mưu mô hãm hại người khác.