Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Chuyên Văn
Hướng dẫn
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NAM ĐỊNH | ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN Năm học 2016 – 2017 Môn: NGỮ VĂN (chung) Thời gian làm bài: 120 phút. (Đề thi gồm: 01 trang) |
Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm).
Câu 1 (0,5 điểm).
Câu tục ngữ sau liên quan đến phương châm hội thoại nào?
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Câu 2 (1,5 điểm).
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“Huế đẹp với cảnh sắc sông núi. Sông Hương đẹp như một dải lụa xanh bay lượn trong tay nghệ sĩ múa. Núi Ngự Bình như cái yên ngựa nổi bật trên nền trời trong xanh của Huế. Chiều đến, những chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt trên dòng nước hiền dịu của sông Hương. Những mái chèo thong thả buông, những giọng hò Huế ngọt ngào bay lượn trên mặt sóng, trên những ngọn cây thanh trà, phượng vĩ.”
(Theo “Tiếng Việt thực hành“- SGK Ngữ văn 8. Tập I, NXB GD).
- Ghi lại câu chủ đề của đoạn văn trên.
- Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Sông Hương đẹp như một dải lụa xanh bay lượn trong tay nghệ sĩ múa”.
- Viết một câu văn với chủ đề tự chọn có sử dụng biện pháp tu từ đã được hỏi ở ý b.
Phần II: Đọc – hiểu văn bản (3,0 điểm).
Đọc đoạn thơ dưới đây và trả lời các câu hỏi:
“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”.
Câu 1 (0,5 điểm). Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ nào, của tác giả nào?
Câu 2(0,75 điểm). Nêu nội dung của đoạn thơ.
Câu 3(0,75 điểm). Chỉ ra nét đặc sắc trong cách dùng từ ngữ ở hệ thống từ ngữ gạch chân. Tác dụng của cách sử dụng ấy?
Câu 4 (1,0 điểm). Từ tinh thần cách mạng của người lính Trường Sơn năm xưa, em hãy viết một đoạn văn bàn về lòng yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay.
Phần III: Làm văn (5,0 điểm).
Cảm nhận hình tượng anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Từ đó, hãy rút ra ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.
———HẾT———
Họ và tên thí sinh:……………………………. Số báo danh:………………………………….. | Họ tên, chữ ký GT 1:…………………………… Họ tên, chữ ký GT 2:……………………………. | |||||
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NAM ĐỊNH | ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN Năm học: 2016 – 2017 Môn: NGỮ VĂN (chung) (Hướng dẫn chấm gồm: 03 trang) | |||||
Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm).
Câu 1 (0,5 điểm).
Học sinh nêu chính xác: Phương châm lịch sự (0,5 điểm).
Câu 2 (1,5 điểm).
- Ghi lại cụ thể câu chủ đề: Huế đẹp với cảnh sắc sông núi. (0,25 điểm).
- Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu:
“Sông Hương đẹp như một dải lụa xanh bay lượn trong tay nghệ sĩ múa” (1,0 điểm). *Yêu cầu:
– Gọi tên biện pháp tu từ: So sánh (0,25 điểm)
– Chỉ ra được biểu hiện cụ thể: So sánh vẻ đẹp của sông Hương như dải lụa….
(0,25 điểm).
– Tác dụng (0,5 điểm)
+ Làm cho câu văn tăng tính gợi hình, gợi cảm (câu văn giàu hình ảnh).
+ Làm nổi bật vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại của sông Hương.
+ Bộc lộ được tình cảm, cảm xúc của người viết: yêu mến, say sưa ca ngợi vẻ đẹp sông Hương.
(Hs nêu được 1 ý: 0,25 điểm; 2-3 ý: 0,5 điểm)
- Viết một câu văn với chủ đề tự chọn.
(Học sinh viết được câu văn có sử dụng biện pháp so sánh: 0,25 điểm).
Phần II: Đọc – hiểu văn bản (3,0 điểm).
Câu 1 (0,5 điểm).
Học sinh trả lời chính xác 2 ý:
+ Bài thơ: Bài thơ về tiểu đội xe không kính. (0,25 điểm)
+ Tác giả: Phạm Tiến Duật. (0,25 điểm)
Câu 2 (0,75 điểm).
– Đoạn thơ viết về hình tượng người lính lái xe Trường Sơn trong những năm kháng khiến chống Mĩ: Họ phải trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn mang trong mình một niềm vui, một tinh thần lạc quan, một ý chí kiên cường…(0,5 điểm)
– Đoạn thơ còn thể hiện thái độ đồng cảm, trân trọng, ngợi ca của nhà thơ (0,25điểm.
Câu 3 (0,75 điểm).
– Học sinh chỉ ra được một trong số những đặc điểm sau: Ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ vừa gần gũi, giản dị, chân thực vừa vui tươi, hóm hỉnh (0,25 điểm).
– Tác dụng.
+ Diễn tả được vẻ hồn nhiên, yêu đời, tinh thần lạc quan của người lính (0,25 điểm).
+ Giúp cho đoạn thơ thêm tự nhiên, gần gũi, giọng điệu hóm hỉnh làm tăng sức hấp dẫn đến người đọc. (0,25 điểm).
Câu 4 (1,0 điểm).
* Lưu ý: Học sinh biết dẫn vấn đề từ đoạn thơ để xác định vấn đề bàn luận. Chấp nhận những cách sắp xếp ý khác nhau của học sinh nhưng cần sát nội dung, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục. Bài viết không hạn định số dòng nhưng học sinh biết dựa vào số điểm để viết đoạn văn với dung lượng phù hợp. Có thể triển khai các ý sau:
– Thế hệ cha anh đi trước đã luôn sẵn sàng chiến đấu, hi sinh mang lại bình yên cho đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay vẫn tiếp tục truyền thống yêu nước của cha anh nhưng được thể hiện phong phú qua rất nhiều hành động cụ thể: Tình yêu thiên nhiên, ý thức trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc, ý thức học tập vì ngày mai lập nghiệp góp phần phát triển đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo…
– Suy nghĩ về ý nghĩa của những việc làm đó: Giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ được lãnh thổ chủ quyền, góp phần xây dựng phát triển đất nước đi lên.
– Phê phán một số bạn trẻ chưa có những biểu hiện tích cực, còn thờ ơ với những công việc chung thậm chí còn có những suy nghĩ lệch lạc trước những vấn đề quan trọng của đất nước.
– Liên hệ đến trách nhiệm của bản thân.
* Cách cho điểm:
– Từ 0,75- 1,0 điểm: Nêu được những suy nghĩ của bản thân về vấn đề một cách sâu
sắc, có lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể.
– Từ 0,25– 0,5 điểm: Nêu được suy nghĩ của bản thân nhưng nội dung còn sơ sài, cách
diễn đạt còn lúng túng, vụng về.
– 0 điểm: Không làm hoặc lạc nội dung.
* Không đảm bảo đoạn văn trừ 0,25 điểm.
Phần III: Làm văn (5,0 điểm).
* Yêu cầu về hình thức (0,5 điểm).
– Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận 3 phần (mở bài, thân bài, kết luận). Trong phần thân bài biết tổ chức thành các đoạn văn rõ ràng, mạch lạc, liên kết chặt chẽ, lôgic (0,25 điểm).
– Bài viết không mắc quá 3 lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm).
* Yêu cầu về nội dung (4,5 điểm).
Học sinh xác định được vấn đề nghị luận. Có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
- Dẫn dắt để giới thiệu hình tượng anh thanh niên trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa”- Nguyễn Thành Long. (0,5 điểm)
Mức 0,5 điểm: Học sinh có cách dẫn dắt rõ ràng, sát vấn đề.
Mức 0,25 điểm: Học sinh dẫn dắt còn đơn giản, vụng về.
- Cảm nhận về hình tượng anh thanh niên trong tác phẩm. (3,0 điểm)
– Cảm nhận về hoàn cảnh sống khó khăn của nhân vật. (0,5 điểm).
+ Anh phải sống và làm việc trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cây cỏ và mây núi Sa Pa. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuât, phục vụ chiến đấu”. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.
+ Anh còn phải vượt qua sự cô đơn vắng vẻ, một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.
– Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên. (2,5 điểm).
+ Anh luôn ý thức về công việc với lòng yêu nghề, chăm chỉ cần mẫn trong công việc. (Qua việc anh thanh niên kể lại cho bác họa sĩ và cô gái nghe về rất nhiều công việc của mình với một thái độ say sưa).
+ Trong công việc người thanh niên luôn nhận ra sự đóng góp của mình. Công việc của anh đã mang lại lợi ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh tự hào mình đã phát hiện ra một đám mây khô giúp “quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng”.
+ Anh cũng rất vui vẻ, lạc quan trong công việc: Dù một mình nhưng anh không hề thấy cô đơn mà luôn cảm nhận “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi“. Niềm vui của anh còn là đọc sách để như lúc nào cũng có thêm những người bạn. Anh sắp xếp cuộc sống của mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp, chủ động.
+ Nét đẹp tâm hồn của người thanh niên ấy còn là sự cởi mở, chân thành, rất quý trọng tình cảm, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người (tình thân của anh với bác lái xe, thái độ ân cần, chu đáo, sự cảm động, vui mừng khi có khách đến…)
+ Anh cũng luôn khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc và sự đóng góp của mình còn nhỏ bé so với rất nhiều người. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung, anh nhiệt thành giới thiệu với ông những người khách đáng cảm phục hơn nhiều (ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét).
* Mức điểm:
Từ 2,5 đến 3,0 điểm: Học sinh nêu rõ được luận điểm, cảm nhận sâu sắc vấn đề, diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, có dẫn chứng cụ thể, chính xác, ít mắc lỗi về dừng từ, đặt câu.
Từ 1,75 đến 2,25 điểm: Học sinh nêu được luận điểm, cảm nhận được những nội dung cơ bản, có dẫn chứng cụ thể, chính xác.
Từ 1,0 đến 1,5 điểm: Học sinh chưa biết cách cảm nhận về nhân vật văn học, chưa biết khái quát thành luận điểm, chỉ theo lối chỉ kể lại câu chuyện, thiếu dẫn chứng cụ thể.
Từ 0,25 đến 0,75 điểm: Cảm nhận quá sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
- Đánh giá về nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật. (0,5 điểm).
+ Xây dựng nhân vật với những nét tính cách nổi bật.
+ Đặt nhân vật vào hoàn cảnh, tình huống đặc biệt.
+ Ngôn ngữ linh hoạt, hấp dẫn, giàu cảm xúc, giàu chất thơ.
(Học sinh có nêu nhưng còn sơ sài: 0,25 điểm)
Rút ra ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm (0,5 điểm).
(Đây là phần yêu cầu học sinh nhận xét đánh giá khái quát ý nghĩa của tác phẩm, có kiến thức mở rộng. Giáo viên linh hoạt cho điểm để khuyến khích tư duy sáng tạo của học sinh). Học sinh có thể triển khai theo các hướng sau:
– Truyện đã ca ngợi vẻ đẹp của những con người lao động dù phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt vẫn bền bỉ, miệt mài, kiên trì (Không chỉ ở nhân vật anh thanh niên mà còn ở các nhân vật khác trong tác phẩm).
– Truyện còn ca ngợi ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Từ nhân vật anh thanh niên có thể mở rộng liên hệ đến những con người thầm lặng cống hiến trong cuộc sống ngày hôm nay.
– Từ hình tượng anh thanh niên và các nhân vật khác trong tác phẩm còn giúp cho mỗi người về cách sống của bản thân (Sống có niềm đam mê, có trách nhiệm, biết cống hiến, biết hi sinh….).
Theo Sachvanmau.com