Tìm Kiếm

Bài văn của học sinh giỏi Phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo- Nam Cao

Bài văn của học sinh giỏi Phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo- Nam Cao

Hướng dẫn

Mục Lục

  • 1 Mở bài cho tác phẩm Chí Phèo
  • 2 Thân bài
    • 2.1 Khái quát Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học
    • 2.2 Phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo- Nam Cao
  • 3 Kết bài Chí Phèo

Đề bài: Phân tích Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.

Bài văn mẫu phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo

Mở bài cho tác phẩm Chí Phèo

Nam Cao là một trong số những nhà văn lớn của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam nói chung và văn học hiện thực phê phán nói riêng. Theo ông, một tác phẩm thực sự có giá trị phải là tác phẩm thấm nhuần giá trị nhân đạo, “ làm cho con người gần người hơn”. Vì vậy trong mỗi trang văn của Nam Cao đều bộc lộ tấm lòng của một con người đau đời và thương đời da diết. Tác phẩm “ Chí Phèo” của Nam Cao viết năm 1941 là một thí dụ điển hình.

Thân bài

Khái quát Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học Phong Lê viết: “Bút danh Nam cao trước hết gắn với nhân vật Chí Phèo.Nam Cao như người khai sinh danh dự của một nhân vật bất tử. Sự hứng thú của tất cả các tầng lớp bạn đọc đối với “ Chí Phèo” trong suốt hơn năm mươi năm qua (…) phải chăng là do cái cá biệt: và cái phổ biến của hình tượng Chí Phèo đạt đến trình độ tuyệt vời viên mãn, do cái nhìn sâu và dọi xa của một nhà văn hiện thực lớn, do một cảm quan nhân đạo độc đáo trong một nghịch lí của nhận thức và tình cảm”.

Nhân đạo là yêu thương và trân trọng con người, phản ánh nỗi thống khổ bất hạnh của con người với niềm cảm thông vô hạn. Niềm cảm thông ấy thường gắn liền với việc phát hiện, thể hiện những phẩm chất của nhân vật mà mình muốn ngợi ca, mà mình yêu thương. Mặt khác, yêu thương luôn đi liền với căm thù, yêu thương đúng đắn thì căm thù cũng đúng đắn. Do vậy các nhà văn nhân đạo bao giờ cũng lên án tố cáo các thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống của con người. Vì vậy giá trị nhân đạo của một tác phẩm văn học là sự kết tinh, sự hội tụ lòng yêu thương con người, tinh thần thái độ phê phán các thế lực đen tối chèn ép con người. Khả năng giáo dục thuyết phục hướng thiện nâng đỡ và phát triển chất người trong con người mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Mặt khác, giá trị nhân đạo trong tác phẩm còn thể hiện ở việc nhà văn phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp của con người, trân trọng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, khẳng định và đề cao những giá trị đạo đức tốt đẹp giữa người với người, mở ra con đường giải thoát cho con người.

 

Văn học Việt Nam từ xưa tới nay thấm nhuần tinh thần nhân đạo và thể hiện trong suốt các giai đoạn lịch sử. Văn học hiện thực phê phán 1930-1945 đạt được những thành tựu đáng kể song hầu hết các nhà văn trong giai đoạn này( kể cả anh Pha trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, chị Dậu trong tác phẩm của Ngô Tất Tố) là những con người thuần nhất, những thử thách của cảnh ngộ chỉ mài sáng thêm viên ngọc phẩm chất. Họ nghiêng về nhân vật” bảo tồn nhân tính” chưa thoát khỏi mô típ con người trong văn học trung đại bao năm qua. Họ thăng trầm về số phận nhưng lại khá tĩnh tại về tính cách và phẩm chất. Đến “ Chí Phèo”, Nam Cao đã đập vỡ con người nguyên phiến đó để tạo ra một cái nhìn phong phú phức tạp hơn mà cũng vì thế mà sâu sắc hơn về con người. Bởi thế nhà văn đã trình làng một nhân vật mới: Chí Phèo- một tính cách mới trong hoàn cảnh con người vừa đánh mất, vừa đi tìm lại nhân tính. Do đó Nam Cao là văn có nhãn quan nhân đạo mới mẻ, sâu sắc và độc đáo. Ông đã tiếp thu tư tưởng nhân đạo truyền thống và có sự kế thừa nâng cao “vượt gộp”. Nam Cao là người đến sau nhưng không muộn vì đối với nhà văn thực sự có tài thì văn học là sự sáng tạo không ngừng.

Phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo- Nam Cao

Nam Cao là nhà văn của những người nghèo khổ bất hạnh, là nhà văn của những người khốn khổ, tủi nhục nhất trong xã hội phong kiến thực dân. Vì vậy trong những trang viết về người nông dân ngòi bút của ông chan chứa một tình yêu, một sự cảm thông sâu sắc. Ông như một luật sư của người nông dân đã dùng ngòi bút của mình để bảo vệ bênh vực minh oan cho những người nông dân thấp cổ bé họng bị chế độ xua đuổi hắt hủi, khinh bỉ bất công.

Trong tác phẩm, khi xây dựng hình tượng Chí Phèo, Nam Cao đã dựa trên sự rút tỉa chất liệu hiện thực. Ở làng Đại Hoàng có người nông dân hiền lành lương thiện, chuyên làm thuê cuốc mướn người ta gọi anh là cu Chí, khi xây dựng tác phẩm, Nam Cao đã đổi tên thành Chí Phèo. Trên thực tế do sự gợi ý của bà ba vợ Lí Kiến ( một người có thật ở làng Đại Hoàng-vào tác phẩm nhà văn đổi tên thành Bá Kiến), cu Chí đã có quan hệ bất chính với bà ba. Nhưng Nam Cao không nô lệ vào hiện thực để cho Chí Phèo cự tuyệt hành vi chào mời có tính chất dâm đãng của bà ba. Rõ ràng Nam Cao yêu mến người nông dân nên ông đã phản ánh hiện thực ở góc độ khác. Trong những nhận xét và đánh giá, Nam Cao đã xuất phát từ lợi ích nhu cầu tình cảm của người cùng khổ không có quyền, bị xã hội thuộc địa phong kiến áp bức chà đạp đến tận bùn đen. Quan tâm đến người lao động và khách quan hóa hành vi của người lao động, không để cho hiện tượng đánh lừa bản chất. Nam Cao không chỉ bị dày vò về trí tuệ mà còn bị dày vò về tâm hồn, dày vò về ngôn ngữ. Như vậy ông đã dùng văn học để bênh vực người nông dân lao động nghèo khổ.

 

Tác phẩm phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc sống bi thảm của người nông dân lao động trong xã hội thuộc địa phong kiến. Tác giả đã đi sâu phân tích khám phá phát hiện ra thứ ánh sáng khát khao làm người, khát khao lương thiện, khát khao hạnh phúc. Thứ ánh sáng đó thoát ra từ tận đáy sâu tâm hồn đen tối của những kẻ đã bị cuộc đời và xã hội thực dân phong kiến phá hủy cả nhân hình lẫn nhân tính. Về phương diện này: “ Chí Phèo”đã đạt được chiều sâu nghệ thuật rất đáng khích lệ. Khát vọng sống, khát vọng yêu thương tiềm tàng, ẩn kín trong Chí Phèo và Thị Nở.

Cuộc sống bi thảm của người nông dân lao động trong xã hội thuộc địa phong kiến được Nam Cao trực tiếp đề cập trong một hệ thống nhân vật: Năm Thọ, Binh Chức, đã bị bọn cường hào ác bá dùng quyền lực và đồng tiền, mưu kế xảo quyệt để áp bức đẩy và cuộc sống bi thảm. Năm Thọ phải vào tù vô cớ và bị đẩy đi biệt xứ. Binh Chức bị Bá Kiến phá vỡ hạnh phúc gia đình, biến thành công cụ tay sai cho hắn rồi ốm mà chết. Nam Cao đã dành nhiều trang viết cho những số phận dưới đáy xã hội mà đáng chú ý hơn cả là Chí Phèo và Thị Nở. Chí Phèo từ một người nông dân lương thiện đã bị bọn cường hào ác bá ở nông thôn dẩy vào con đường tha hóa biến chất rồi bị cự tuyệt quyền làm người.

Chí Phèo bị đẩy vào tù oan uổng 7-8 năm, nhà tù thực dân đã biến anh từ một người lương thiện hóa thú. Ra tù hắn bị Bá Kiến dùng tiền bạc mưu kế xảo quyệt đẩy sâu vào con đường tội lỗi.Nam Cao đau đớn miêu tả quá trình vật hóa ở Chí Phèo. Khi cái ác chiếm lĩnh cả hình hài lẫn tâm tính: “ cái mặt hắn không trẻ cũng không già, nó không còn là mặt người, nó là cái mặt của một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi”.

 

Kết thúc tác phẩm, lưỡi dao của Chí Phèo vung lên cùng với câu nói “ Ai cho tao lương thiện?”. Bá Kiến chết và Chí Phèo kết liễu đời mình có sức ám ảnh lớn đối với người đọc. Chi tiết đó kết tinh giá trị nhân đạo sâu sắc mới mẻ của thiên truyện. Cái chết bất ngờ của Chí đánh dấu sự thức tỉnh và thể hiện sự bế tắc trên hành trình trở về với cuộc sống lương thiện của hắn. Ta nghe như tiếng thủ thỉ của Nam Cao: Muốn cho con người lương thiện, muốn cho con người gần người hơn phải phá hủy cải tạo xã hội cũ như Chí Phèo đâm chết Bá Kiến.Dẫu rằng trong tác phẩm ý tưởng phá hủy trật tự xã hội cũ mở đường cho sự tồn tại và phát triển về nhân cách mới chỉ là hành động tự phát riêng lẻ chứ không phải là hành động phổ biến. Song đó vẫn là hạt nhân hợp lí trong chủ nghĩa nhân đạo Nam Cao: Không chỉ dừng lại ở yêu thương trân trọng con người, phê phán các thế lực bất công chà đạp quyền sống của con người mà tác giả còn vạch ra một nét son, một tia sáng mở đường cho sự tồn tại và phát triển tính cách con người. Ngòi bút của Nam Cao quả là không mệt mỏi, bút lực của Nam Cao quả là không vơi cạn trong trận tuyến đấu tranh vì nhân cách con người. Ta như thấy ánh lên trong từng trang văn của Nam Cao một tình yêu thương vô hạn.

Kết bài Chí Phèo

“Chí Phèo” của Nam Cao kết tinh nhiều giá trị: Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, giá trị nghệ thuật. Nhưng có lẽ giá trị nhân đạo là cái gốc, cái nền tảng để tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Với truyện ngắn này, Nam Cao xứng đáng là một nhà văn có tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945.

Theo Sachvanmau.com