Tìm Kiếm

Đề thi HSG về thơ mới : Thơ chẳng ai giống ai, chẳng ai mong muốn giống ai, và không có lối đi nào chung cho hai nhà thơ cả

Đề thi HSG về thơ mới: Thơ chẳng ai giống ai, chẳng ai mong muốn giống ai, và không có lối đi nào chung cho hai nhà thơ cả

Hướng dẫn

SỞ GD&ĐT NINH BÌNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LƯƠNG VĂN TỤY

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

Lần thứ XI – Năm học 2017- 2018

MÔN THI: NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể giao đề)

(Đề thi gồm 02 câu trong 01 trang)

Câu 1(8,0 điểm)

Hai thế hệ người lớn tuổi và người trẻ tuổi luôn luôn có một khoảng cách nào đó nhất định. Ngày nay, chính khoảng cách này đã gây ra không ít xung đột trong gia đình giữa con cái và cha mẹ, tạo nên sự hiểu lầm giữa người lớn tuổi và giới trẻ, ngày càng làm hai thế hệ xa dần nhau (…) Rất nhiều bậc phụ huynh không thể hiểu nổi tại sao đứa con của mình hay bướng bỉnh, cãi lời, khác với hồi xưa khi con cái răm rắp tuân theo cha mẹ mình. Và ngược lại những 8x, 9x thì lại không thể hiểu nổi rằng tại sao cha mẹ mình lại cổ hủ, cứng nhắc và áp đặt như vậy.

(Dẫn theo http://nld.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/khoang-cach-giua-hai-the-he.)

Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề được nêu trong đoạn văn trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Nhà thơ Thanh Thảo từng viết:

Thơ chẳng ai giống ai, chẳng ai mong muốn giống ai, và không có lối đi nào chung cho hai nhà thơ cả.” ( Mười năm cõng thơ leo núi).

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết về Thơ mới Việt Nam (1932-1945) hãy làm sáng tỏ điều đó.

…………………………………………….. HẾT…………………………………………………..

Giám thị không giải thích gì thêm

Họ và tên thí sinh: …………………………………………………..Số báo danh:…………………….

Họ và tên giám thị 1:………………………………………………..Chữ ký:……………………………

Họ và tên giám thị 2:…………………………………………………Chữ ký:…………………………..

SỞ GD&ĐT NINH BÌNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LƯƠNG VĂN TỤY

ĐÁP ÁN ĐỀ XUẤT

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

Lần thứ XI – Năm học 2017- 2018

MÔN THI: NGỮ VĂN 11

(Đáp án gồm 05 trang)

Câu 1 (8,0 điểm)

Yêu cầu chung

Về hình thức:

– Biết cách làm một bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống theo yêu cầu của đề bài.

– Bài viết có bố cục rõ ràng mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, không sai các loại lỗi.

Về nội dung:

Bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận: Khoảng cách giữa thế hệ người lớn tuổi và người trẻ tuổi đang ngày càng nới rộng là một thực tế rất đáng quan tâm trong xã hội hiện nay.

* Giải thích khái niệm:

– Khoảng cách thế hệ (Generation Gap): là sự khác biệt về suy nghĩ, nhận thức và quan niệm giữa những người thuộc hai thế hệ khác nhau.

* Biểu hiện của sự cách biệt thế hệ:

– Những biểu hiện của khoảng cách thế hệ rất đa dạng nhưng cơ bản là sự khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn về quan niệm sống, thái độ sống và mục tiêu sống, cách sống… chi phối cách ứng xử của con người. Chẳng hạn:

+ Cha mẹ thường áp đặt, kiểm soát, can thiệp quá mức vào đời sống riêng tư của con cái, bao bọc con thái quá; sống hoài niệm, hoài cổ, có xu hướng hướng nội, coi trọng truyền thống, khó thích ứng với cái mới…

 

+ Con cái thường thích thể hiện khẳng định mình, muốn tự lập, thích thể nghiệm, khám phá cái mới, có xu hướng hướng ngoại, hoà nhập mạnh mẽ… nên luôn tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát và áp đặt của cha mẹ; cho rằng cha mẹ cứng nhắc, bảo thủ, lạc hậu…

* Hậu quả:

– Sự khác biệt, không thấu hiểu nhau dẫn tới những bất đồng, mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ, ảnh hưởng tới đời sống tinh thần, tạo thêm áp lực tâm lí cho con người.

– Khoảng cách ngày càng rộng ra sẽ dẫn tới những rạn nứt, đổ vỡ trong các mối quan hệ truyền thống, thậm chí tạo ra những phản ứng tiêu cực của cả cha mẹ và con cái gây nên những hậu quả đau lòng…

* Nguyên nhân của sự cách biệt thế hệ:

– Mỗi thế hệ thường cách nhau khoảng 20-30 năm. Do sự khác biệt về tuổi tác, tâm sinh lí, sự trải nghiệm các yếu tố không gian sống, môi trường văn hoá, môi trường giáo dục trong các thời gian khác nhau với những điều kiện, hoàn cảnh xã hội khác nhau…dẫn tới sự khác nhau trong nhận thức, quan niệm, cách ứng xử, hành động của mỗi lứa tuổi.

– Thế hệ lớn tuổi nhiều kinh nghiệm sống, thấm nhuần tinh thần gắn bó gia đình nên luôn có xu hướng muốn tiếp tục kiểm soát, bao bọc thái quá như khi con cháu còn thơ ấu; do tâm lí kế tục truyền thống gia đình nên luôn coi trọng nghĩa vụ giáo huấn, muốn dạy dỗ con cháu theo quan niệm của mình…

– Thế hệ trẻ đang trong độ tuổi và tư thế sung sức, hăng hái dấn thân, dám nghĩ dám làm, nhiều ước mơ hoài bão, không thỏa mãn với những gì đã đạt được, hướng nhiều về tương lai hơn là quá khứ…Tuy nhiên, vì chưa đủ thời gian thử thách thực tế nên thiếu kinh nghiệm, nhiều khi nông cạn về lẽ sống, nhẹ tình cảm gia đình, quê hương, cội nguồn dân tộc…

– Nhịp sống hiện đại bận rộn khiến con người ít dần thời gian dành cho nhau, thiếu sự quan tâm, sẻ chia, thấu hiểu cũng góp phần tạo nên khoảng cách…

* Giải pháp để rút ngắn khoảng cách thế hệ:

– Nên coi sự khác biệt thế hệ là quy luật của đời sống, cần thích nghi và chấp nhận để có thể tận dụng ưu thế vốn có của mỗi thế hệ, trân trọng những thay đổi và sẵn sàng đón nhận cái mới; biết dung hòa các mối quan hệ, dành nhiều thời gian để nói chuyện, sẻ chia và tìm tiếng nói chung với các thành viên khác trong gia đình.

– Thế hệ trẻ cần tôn trọng truyền thống gia đình, thấu hiểu và biết ơn cội nguồn sinh dưỡng. Thế hệ lớn tuổi cần cảm thông, hỗ trợ, nâng đỡ lớp trẻ trong tinh thần trách nhiệm cùng tình cảm ruột thịt.

– Cải hoán cách biệt thế hệ thành kết nối thế hệ, gắn kết già với trẻ, truyền thống với hiện đại sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh của mỗi con người cũng như của cả cộng đồng. Hiểu biết, chấp nhận sự khác biệt và đa dạng sẽ giúp con người chung sống với cả nhân loại.

Cho điểm:

Điểm 7-8: Hiểu sâu sắc vấn đề, đáp ứng tốt những yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội, có ý kiến sắc sảo, sáng tạo, có kiến thức phong phú.

 

Điểm 5-6: Hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi diễn đạt.

Điểm 3-4: Hiểu đề nhưng lập luận chưa chặt chẽ, ý văn chưa sáng, còn vài lỗi về diễn đạt.

Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết lan man, chưa chú ý trình bày suy nghĩ về vấn đề đặt ra. Diễn đạt còn nhiều lỗi.

Điểm 0: Sai lạc hoàn toàn về nội dung và phương pháp.

Câu 2 ( 12,0 điểm)

Yêu cầu

Về kỹ năng:

– Biết vận dụng kiến thức lí luận và kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm kiểu bài nghị luận văn học theo yêu cầu của đề.

– Bài viết có lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát có cảm xúc, có chất văn, ngôn ngữ chọn lọc, không mắc các loại lỗi.

Về kiến thức:

Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:

1. Giải thích:

Thơ chẳng ai giống ai, chẳng ai mong muốn giống ai, và không có lối đi chung nào cho hai nhà thơ cả: Thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung là lĩnh vực của sự sáng tạo độc đáo, không thể trộn lẫn, không thể sao chép, không lặp lại ai và lặp lại chính mình.

– Thanh Thảo khẳng định sáng tạo thơ ca là hành trình tìm tòi để xác lập lối đi riêng, khẳng định cá tính, phong cách nghệ thuật riêng độc đáo của người nghệ sỹ. Đó là bản chất của sáng tạo nghệ thuật gắn với ý thức và nỗ lực lao động nghệ thuật nghiêm túc của người nghệ sỹ chân chính.

Chứng minh: (Bằng cơ sở lí luận và thực tiễn văn học)

– Khẳng định quan niệm của Thanh Thảo đúng đắn, bởi vì:

+ Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo mang tính cá thể hoá cao độ. Nghệ thuật luôn đòi hỏi nghệ sĩ phải mở được lối đi riêng, có tư tưởng nghệ thuật sâu sắc, có cá tính và cách nhìn mang tính phát hiện trước những vấn đề của đời sống để sáng tạo ra những tác phẩm mới mẻ, là những khám phá, phát minh cả về nội dung lẫn hình thức, tạo nên sự độc đáo riêng biệt không thể trộn lẫn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học.

+ Mỗi nhà thơ là một cá thể xã hội, một thực thể mang đầy cá tính. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là tình cảm mãnh liệt đã được ý thức, được lắng lọc qua xúc cảm thẩm mĩ, gắn với sự tự ý thức của mỗi nhà thơ về chính mình và cuộc đời. Qua từng trang thơ, dòng thơ, người đọc được tiếp xúc trực tiếp với một cá tính, một cuộc đời, một tâm hồn… Thơ là gương mặt tâm hồn độc đáo, riêng biệt của từng nhà thơ.

+ Mở một lối đi riêng không giống ai mang tính khám phá, mới mẻ cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật là thách thức của thơ mà cũng là sức hấp dẫn của thơ.

– Trong phần chứng minh bằng kiến thức về tác giả và tác phẩm cụ thể, thí sinh cần đảm bảo những yêu cầu sau:

+ Chọn được những tác giả Thơ mới có phong cách nghệ thuật độc đáo, có những sáng tạo riêng giàu giá trị.

+ Phân tích để làm sáng tỏ lối đi riêng của các nhà thơ thể hiện ở: quan niệm riêng về cuộc sống và con người (cái nhìn, cảm hứng chủ đạo, cách lí giải những vấn đề về đời sống…mang tính khám phá phát hiện); phương thức biểu hiện riêng (thể hiện ở việc lựa chọn các thủ pháp nghệ thuật, tổ chức kết cấu, sử dụng ngôn ngữ…đầy sáng tạo). Có thể làm rõ nét riêng, nét mới trong sự đối sánh với các nhà thơ khác. Từ đó, khẳng định tài năng, tầm vóc và đóng góp của nhà thơ cho văn học.

 

Bàn luận:

– Đối với người nghệ sĩ, nỗ lực sáng tạo không ngừng là một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và “khổ hạnh” để hình thành và hoàn thiện phong cách riêng; là cách duy nhất để nghệ sỹ khẳng định sự tồn tại của mình trong nghệ thuật. Tạo được lối đi riêng không chỉ xác lập tầm vóc của nhà thơ, tạo nên sức sống của tác phẩm mà còn góp phần làm phong phú thêm cho thơ ca nhân loại. Vì vậy, sáng tạo bằng tài năng và tâm huyết vừa là thiên chức vừa là trách nhiệm của nhà thơ.

– Nhà thơ muốn có lối đi riêng phải có tư tưởng nghệ thuật riêng, có cách cảm nhận riêng độc đáo về con người và thế giới, đồng thời phải có hệ thống bút pháp, giọng điệu, ngôn ngữ độc đáo riêng giàu sức khu biệt với các hiện tượng văn học khác. Đó là kết quả của một quá trình sáng tạo, tìm tòi khám phá không ngừng trong hành trình lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Biểu điểm:

– Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục…

– Điểm 7-9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

– Điểm 4-6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc phân tích tác phẩm đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

– Điểm 1-3: Bài viết quá sơ sài, có quá nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.

– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.

Lưu ý:

– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kĩ về yêu cầu nội dung và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh.

Giám khảo linh hoạt khi chấm bài. Cần khuyến khích, trân trọng những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.

– Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25.

Người ra đề: Tạ Anh Ngọc

Theo Sachvanmau.com