Tìm Kiếm

Đề thi học sinh giỏi ngữ văn 11 nâng cao : Chứng minh nhận định về thơ

Đề thi học sinh giỏi ngữ văn 11 nâng cao: Chứng minh nhận định về thơ

Hướng dẫn

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI

(ĐỀ ĐỀ XUẤT)

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPTCHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XI, NĂM 2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN LỚP 11

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề thi gồm 02 câu, 01 trang)

Câu 1 (8,0 điểm)

Stephen Hawking (8/1/1942 – 14/3/2018) là một nhà vật lý thiên tài được toàn thế giới biết tới bởi những công trình nghiên cứu nổi tiếng và nghị lực sống phi thường. Những câu nói của ông có sức lan truyền cảm hứng vô cùng mạnh mẽ. Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan điểm sau của Hawking:

Thứ nhất, hãy nhìn lên bầu trời chứ đừng nhìn xuống nơi bạn đang đứng. Thứ hai, đừng bao giờ từ bỏ công việc. Công việc cho bạn ý nghĩa và mục đích sống, và cuộc đời sẽ trống vắng nếu thiếu chúng. Và thứ ba, nếu bạn đủ may mắn để tìm được tình yêu, hãy luôn ghi nhớ sự hiện diện của tình yêu đó và đừng vứt bỏ chúng.”

Câu 2 (12,0 điểm)

Lưu Quang Vũ từng viết:

Mỗi bài thơ của chúng ta

Phải như một ô cửa

Mở tới tình yêu.

( Trích “ Liên tưởng tháng Hai”)

Chế Lan Viên cho rằng: “ Thơ đòi cô đúc để rồi trong một phút nổ ra như tiếng sét. Thơ không có trí tưởng tượng như bể cạn hết nước’’.

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Chứng minh qua một số bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn 11 Nâng cao.

—————– Hết —————–

Người ra đề

Nguyễn Thị Hạnh

(ĐỀ GIỚI THIỆU)

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DH VÀ ĐBBB – LẦN THỨ XI, NĂM 2018

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN LỚP 11

(Hướng dẫn chấm gồm 06 trang)

Câu 1.(8 điểm)

Yêu cầu về kỹ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở hiểu ý nghĩa nhận định, bài làm của thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:

Giải thích (1,0 điểm)

Thứ nhất, hãy nhìn lên bầu trời chứ đừng nhìn xuống nơi bạn đang đứng. Nghĩa làchúng ta không được chìm đắm trong thành công của thực tại mà phải luôn phấn đấu hướng tới phía trước, có niềm tin, lạc quan hướng đến tương lai.

Thứ hai, đừng bao giờ từ bỏ công việc. Công việc cho bạn ý nghĩa và mục đích sống, và cuộc đời sẽ trống vắng nếu thiếu chúng. Phải biết trân trọng công việc, không được từ bỏ nó một cách dễ dàng. Công việc sẽ đem lại những mục tiêu sống và ý nghĩa tích cực cho cuộc đời.

Và thứ ba, nếu bạn đủ may mắn để tìm được tình yêu, hãy luôn ghi nhớ sự hiện diện của tình yêu đó và đừng vứt bỏ chúng.”Tình yêu là tình cảm yêu thương, gắn bó, hi sinh,…Nói cách khác nó là lòng tốt của con người gắn với hành động nhân văn, nhân đạo.Hãy biết cách nâng niu, trân trọng tình yêu và đừng bao giờ lãng quên hay vứt bỏ nó.

óCâu nói trên đã định hướng cho con người những mục tiêu cần phải đạt được để sống tốt, sống có ý nghĩa: phải biết lạc quan và nỗ lực vươn xa; đừng bao giờ từ bỏ công việc và cuối cùng phải biết trân trọng tình yêu nếu bạn đủ may mắn để có được nó.

Bình (5,0 điểm)

Thứ nhất hãy nhìn lên bầu trời chứ đừng nhìn xuống nơi bạn đang đứng.

*Vì sao phải nhìn lên trời cao chứ đừng nhìn xuống nơi bạn đang đứng?

– Cuộc sống luôn không ngừng thay đổi và phát triển theo guồng quay của nó. Nếu con người chỉ biết nhìn vào thực tại thì sẽ mãi dậm chân tại chỗ, mãi ngủ quên trong chiến thắng và không thể vượt lên những giới hạn của bản thân.

– Chỉ có sự cố gắng, nỗ lực không ngừng về phía trước mới đem lại cho ta mục tiêu sống. Biết nhìn về tương lai, ta sẽ định hướng được những bước đi tiếp theo, lập ra những kế hoạch cụ thể, khai thác hết những năng lực của bản thân, dám vượt ra ngoài vùng an toàn để thử thách bản thân.

-Câu nói còn đưa ra một chân lí sống hãy luôn lạc quan, có niềm tin về tương lai thì dù hoàn cảnh thực tại có tăm tối, khó khăn tới đâu ta cũng sẽ tìm ra được hướng giải quyết. Lạc quan chính là phẩm chất quan trọng để con người sống tận hưởng và tận hiến, có sức mạnh vượt qua khó khăn.

 

– Nhiều khi nhìn lên trời cao còn là nhìn lên những người hơn mình để học hỏi những điều có ích, để tự nhìn lại mình mà không ngừng cố gắng, nỗ lực.

* Mở rộng, nâng cao

-Nhưng đôi khi ta cũng phải biết nhìn vào thực tại, vào quá khứ để biết mình đang ở đâu mà đưa ra những định hướng chính xác nhất để bước tiếp. Những thành quả đạt được ở quá khứ và hiện tại chính là động lực tiếp thêm sức mạnh, tự tin tiến về phía trước.

-Không phải lúc nào ta cũng nhìn lên bầu trời cao rộng với những ước mơ xa vời, vượt khỏi khả năng và tầm kiểm soát của bản thân. Và thậm chí là trở thành kẻ tham vọng, chà đạp lên tất cả để thực hiện được mục tiêu của mình. Đôi khi tương lai cũng được hình thành từ những điều rất nhỏ của hiện tại, cái quan trọng là ta biết nắm bắt và sử dụng chúng ra sao.

b. Thứ 2, đừng bao giờ từ bỏ công việc. Công việc cho bạn ý nghĩa và mục đích sống và cuộc đời sẽ trống vắng nếu thiếu chúng.

* Vì sao?

-Công việc trước hết mang lợi ích thỏa mãn nhu cầu về vật chất cho con người

-Đồng thời nó cũng đem lại những ý nghĩa tinh thần lớn lớn lao.

+Công việc giúp ta có mục tiêu sống đúng đắn, có định hướng rõ ràng để thành công.

+ Công việc giúp ta độc lập, tự chủ về mọi mặt cuộc sống. Đó là yếu tố kiên quyết để con người có thể trưởng thành, học cách đối nhân xử thể, trau dồi tri thức kinh nghiệm, có thêm nhiều mối quan hệ xã hội, phát huy những tiềm năng, sức sáng tạo của bản thân để sống có ích cho xã hội, nhân loại.

+ Đồng thời phải biết lựa chọn công việc phù hợp nhất với mình để khơi nguồn sáng tạo, niềm đam mê. Bởi lẽ niềm đam mê với công việc đôi khi giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách.

*Mở rộng:Cố gắng, nỗ lực để công việc đạt đến thành công nhưng không phải lúc nào cũng chỉ biết đến công việc, cũng đắm chìm trong công việc mà quên đi những niềm vui trong cuộc sống. Chúng ta cần phải hài hòa giữa công việc với đời sống tình cảm để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Thứ 3,nếu bạn đủ may mắn để tìm được tình yêu, hãy luôn ghi nhớ sự hiện diện của tình yêu và đừng vứt bỏ chúng.

* Vì sao?

-Có được tình yêu là một sự may mắn. Bởi vậy khi đã tìm được tình yêu,ta phải biết trân trọng, nâng niu nó.

– Tình yêu là chất xúc tác quan trọng giúp con người vượt qua được những khó khăn, nó là yếu tố lớn nhất để tạo nên niềm tin và sự lạc quan. Những người luôn ở bên và ủng hộ bạn chính là động lực để bạn sống tiếp và sống tốt vì họ.

-Tình yêu đem lại cho con người hạnh phúc. Khiến cho đời sống tinh thần trở nên phong phú với những cảm xúc đa dạng và phức tạp. Nó giúp bạn xua tan đi những căng thẳng lo âu để tận hưởng cuộc sống.

– Nếu như bạn lãng quên hay vứt bỏtình yêu bạn sẽ sống trong sự cô đơn, mệt mỏi mà không ai chia sẻ và chính ta đã tước bỏ đi niềm hạnh phúc của mình.

*Mở rộng: Không phải lúc nào cũng chỉ biết thụ động đón nhận tình yêu mà chính ta cũng phải trao đi yêu thương.

Bàn luận, mở rộng vấn đề (1,0 điểm)

-Câu nói củaStephen Hawking bàn về niềm lạc quan, luôn hướng về tương lai phía trước, sau đó là công việc và cuối cùng mới là tình yêu. Đây cũng chính là bức thông điệp nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm: Tự ta phải có niềm tin và niềm say mê với công việc thì tình yêu mới trở thành nguồn động lực lớn lao.

– Có thể thấy đây là 3 yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Vì vậy, để cuộc sống trở nên trọn vẹn không phải lúc nào cũng phải sắp xếp chúng theo trật tự như trên mà phải biết hòa hợp chúng. Tùy vào từng trường hợp mà lựa chọn ưu tiên yếu tố nào hơn.

Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)

Biểu điểm

– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 3- 4:Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

 

– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả.

Câu 2.(12 điểm)

Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.

– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học để bàn luận, chứng minh vấn đề một cách hợp lí, thuyết phục.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Yêu cầu về kiến thức Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

Giải thích (1,0 điểm)

* Ý kiến của Lưu Quang Vũ:

Ô cửa – là nơi ngăn cách hai thế giới bên trong và bên ngoài -> So sánh mỗi bài thơ như một ô cửa, nhà thơ muốn nói đến chức năng của thơ ca, là phương tiện giúp nhà thơ gửi gắm tâm tư, tình cảm sâu kín của cá nhân mình đến mọi người.

Mở tới tình yêu – Đằng sau cánh cửa thơ ca chính là tình yêu- tình cảm của nhà thơ với con người, cuộc đời; tình yêu – còn là tình cảm của con người với con người dành cho nhau.

-> Ý kiến của Lưu Quang Vũ bàn về giá trị của thơ ca: Thơ ca là phương tiện để nhà thơ mở cánh cửa lòng mình đến với mọi người, và hơn thế thơ ca còn là cầu nối tâm hồn của mọi người tìm đến với nhau.

* Ý kiến của Chế Lan Viên:

Thơ đòi cô đúc để rồi trong một phút nổ ra nhưtiếng sét: Thơ là nghệ thuật ngôn từ, ngôn ngữ thơ phải hàm súc, cô đọng. Hình thức thơ thể hiện những cung bậc cảm xúc đa dạng phong phú, tấc lòng, tư tưởng tình cảm của thi sĩ kí thác, gửi gắm đến người đọc. Bằng hình ảnh giàu sức liên tưởng này, Chế Lan Viên thực chất muốn đề cập tới đặc trưng “ý tại ngôn ngoại” của ngôn ngữ thi ca.

Thơ không có trí tưởng tượng như bể cạn hết nước: Ý kiến nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng của nhà thơ làm nên sựsống động, gợi cảm của hình tượng thơ và sau đó là trí tưởng tượng của độc giả làm hiện hình, sống dậy những liên tưởng được mã hóa trong kí hiệu ngôn từ.

=> Ý kiến của Chế Lan Viên đã bàn về đặc trưng hình thức, nội dung của thi ca,vừa nhấn mạnh chức năng của thơ trong việc tác động những tình cảm thẩm mĩ tới tâm hồn bạn đọc.

ó Hai ý kiến trên không đối lập mà luôn bổ sung cho nhau. Từ đó, nêu lên những vấn đề về đặc trưng, chức năng của thơ ca, đồng thời là yêu cầu đặt ra cho cả người nghê sĩ và bạn đọc trong hai quá trình sáng tác- tiếp nhận.

Bình (3,0 điểm)

a.Mỗi bài thơ phải như một ô cửa mở tới tình yêu

– Thơ cũng như bất cứ một loại hình nghệ thuật nào khác là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống, qua đó thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả. Các nhà thơ làm thơ khi tình cảm dâng trào mãnh liệt trong trái tim, họ có nhu cầu muốn được sẻ chia, tìm được sự đồng điệu từ phía người đọc. Mỗi bài thơ được tạo ra như một cánh cửa mở tâm hồn là bởi thế!

– Thơ là tiếng nói của tình cảm mãnh liệt đã được ý thức. Nhà thơ không chỉ muốn chia sẻ, bộc lộ tình cảm của cá nhân mình, mà muốn lan truyền những xúc cảm ấy tới trái tim người đọc, đem đến cho họ những xúc cảm mới. Từ đó, thơ kết nối những tâm hồn người đọc đến với nhau, cùng hướng đến những giá trị tốt đẹp. Bởi thế mà mỗi bài thơ phải mở tới tình yêu, đưa con người đến với nhau.

Thơ đòi cô đúc để rồi trong một phút nổ ra như tiếng sét. Thơ không có trí tưởng tượng như bể cạn hết nước.

*Ngôn ngữ thơ phải cô đúc

-Thơ là thể loại thiên về gợi nên nó phải gắn với sự cô đúc, trong một diện tích ngôn từ ít mà mở ra nhiều cảm xúc rộng lớn. Những điều nhà thơ muốn bộc lộ, kí thác được co nén lại trong ngôn từ giàu sức gợi, hình ảnh giàu biểu tượng. Chính độc giả trong quá trình khám phá tác phẩm thơ sẽ khôi phục lại những khoảng trống, những chỗ bị “co” lại ấy.

nổ ra như tiếng sét” là những khoảng trống, sự đa nghĩa tạo nên từ tính cô đúc của thơ cho phép thơ nói những ý ở ngoài lời. Tình cảm, cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ được dồn nén trong một dung lượng nhỏ về ngôn từ nhưng lại có sức gợi mở rộng lớn. Điều kì diệu là mỗi tiếng, mỗi chữ bỗng tự nó phá tung ý nghĩa thông thường, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc thẩm mĩ, những hình ảnh không ngờ. Tiếng sét của thơ ca chỉ thực sự xảy ra trong quá trình tiếp nhận và độc giả là yếu tố làm nên giá trị, sức sống cho tác phẩm thơ. Cảm xúc khi được dồn nén sẽ vỡ òa trong tâm trí người đọc, tác động những tình cảm thẩm mĩ cao đẹp.

 

* Thơ phải có trí tưởng tượng

– Nhà thơ trong quá trình sáng tác phải có trí tưởng tượng phong phú để không chỉ phản ánh hiện thực có sẵn mà còn nói lên những điều cần có, chưa có trong cuộc đời, để thể hiện ước mơ, hy vọng… Thơ còn là sự thể hiện của trái tim và thế giới tâm hồn, tình cảm phức tạp của con người và nhà thơ buộc phải liên tưởng, vận dụng triệt để trí tưởng tượng để làm hiện hình, hữu hình hóa những logic tình cảm ấy bằng hình ảnh, hình tượng trong trang viết.

-Độc giả trong quá trình tiếp nhận cũng cần liên tưởng, tưởng tượng để đạt hiệu quả khám khá cao nhất. Trí tưởng tượng là chìa khóa giúp người đọc khai mở những ý đồ tư tưởng, nghệ thuật trong tác phẩm. Trí tưởng tượng cho phép độc giả phá bỏ những giới hạn đời sống thông thường để thâm nhập vào thế giới tâm linh, tâm hồn đa chiều của con người, sống sâu hơn vào tác phẩm và hiểu hơn chính bản thân mình.

Phân tích, chứng minh (7,0 điểm): Thí sinh được tự do chọn dẫn chứng, miễn là chọn được bài thơ hay trong chương trình Ngữ văn 11 Nâng cao để phân tích một cách thuyết phục, làm sáng tỏ vấn đề.

4.Bàn luận, đánh giá ý nghĩa của vấn đề (1,0 điểm)

– Sở dĩ ý kiến của Lưu Quang Vũ và Chế Lan Viên nêu lên được những quan điểm đúng đắn, sâu sắc và toàn diện về thể loại thơ cũng bởi họ đã thực sự dày dặn trải nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

– Yêu cầu đối với nhà thơ và người tiếp nhận:

+ Người nghệ sĩ phải sống sâu sắc, gắn bó hết mình với cuộc đời chung để những tình yêu mở ra trong ô cửa thơ ca là những tình cảm mang ý nghĩa nhân văn. Đồng thời, anh cũng phải có thực tài, thực tâm, không ngừng trau dồi năng lực nghệ thuật, phẩm chất thẩm mĩ của mình để mỗi bài thơ không chỉ dạt dào, lắng đọng triết lí, tình cảm mà còn đạt đến độ cô đúc, độc đáo của ngôn từ.

+ Người đọc phải thực sự sống cùng tác phẩm, mở rộng tâm hồn để trái tim cùng giao thoa nhịp đập với trái tim thi sĩ. Bên cạnh đó, phẩm chất nghệ thuật, sự nhạy bén với cái đẹp và tinh thần sáng tạo không chỉ đòi hỏi ở nhà thơ mà chính bạn đọc trong quá trình khám phá tác phẩm cũng cần đến để cảm thụ vẻ đẹp nghệ thuật một cách hiệu quả nhất, góp phần hoàn thiện đời sống của thi phẩm.

Biểu điểm

– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dung từ.

– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 7 – 8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

(Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, thậm chí trái chiều. Tuy nhiên cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần xây dựng, lập luận thuyết phục).

Người ra đề

Nguyễn Thị Hạnh

Theo Sachvanmau.com