Đề thi HSG chứng minh nhận định Cái quý của nhà văn là sáng tạo cái mới chứ không phải viết được nhiều”
Hướng dẫn
TRƯỜNG THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG ——– ĐỀ THI ĐỀ XUẤT Đề thi có 01 trang | KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NĂM 2018 Môn: NGỮ VĂN- LỚP 11 (Thời gian: 180 phút – không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (8 điểm):
“Những gì bạn nhận được khi hoàn thành mục tiêu không quan trọng bằng bạn trở nên như thế nào sau khi đạt được mục tiêu” (Henry David Thoreau)
Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Câu 2 (12 điểm):
Trần Đình Sử từng nhận định: “Cái quý của nhà văn là sáng tạo cái mới chứ không phải viết được nhiều”
Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ ý kiến qua một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 11.
– Hết –
Người ra đề: Nguyễn Thị Thu Huyền-
HƯỚNG DẪN CHẤM THI
MÔN: NGỮ VĂN –LỚP 11
1/ CÂU HỎI 1
1/ Yêu cầu về kĩ năng
– Nắm bắt và vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không mắc các lỗi chính tả và diễn đạt.
– Trình bày bài sạch, đẹp, khoa học.
2/ Yêu cầu về kiến thức
a/ Giải thích: khẳng định điều quan trọng đối với con người không phải là họ đã nhận được lợi ích gì sau mỗi thành công mà vấn đề là tầm vóc tư tưởng, ý chí, tính cách của họ sẽ như thế nào sau những chiến thắng mà họ đạt được
b/ Bàn luận
– Cuộc sống là một hành trình không ngừng nghỉ để lần lượt đạt được các mục tiêu
– Thực tế khi chiến thắng, nhiều lúc chúng ta quên hẳn mình là ai, chúng ta trở nên kiêu ngạo, xa rời những người xung quanh, không còn chịu khó học hỏi và tiếp tục phấn đấu…Chúng ta sẽ bị chệch hướng trên con đường vươn tới lí tưởng và hậu quả là ta sẽ thất bại, gục ngã.
– Ngược lại khi ta có thái độ đúng đắn trước những thành công: khiêm tốn, biết đúc kết kinh nghiệm, chan hòa với mọi người, tiếp tục rèn luyện phấn đấu vươn lên…thì ta sẽ gặt hái được những thành công lớn hơn nữa.
– Ý nghĩa sâu sắc của vấn đề: khi chiến thắng không nên tự cao, tự đại, thỏa mãn với những gì đã đạt được mà cần phải luôn có thái độ sống đúng mực và tích cực cho những mục tiêu tiếp theo.
c/ Bình luận, đánh giá
– Con đường đi đến thành công ngắn nhất là phải tự tạo động lực cho chính mình. Đừng trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào những yếu tố bên ngoài.
– Nếu không có động lực chân chính, con người không thể đạt được thành công trong cuộc sống.
– Phê phán những người chỉ biết chờ đợi vào người khác, thụ động thay vì tự thân vận động.
3/ Biểu điểm
– Điểm 7 – 8: Đáp ứng tốt những yêu cầu nêu trên. Bài viết giàu sức thuyết phục bởi bố cục hợp lí, nội dung phong phú, lập luận chặt chẽ, sắc sảo, dẫn chứng sinh động, tiêu biểu. Có nhiều ý sáng tạo. Diễn đạt trong sáng, trôi chảy, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ
– Điểm 5 – 6: Đáp ứng được đa số các yêu cầu của đề bài. Bố cục nội dung tương đối hợp lí. Lập luận có sức thuyết phục, dẫn chứng đa dạng, chọn lọc. Diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc một vài lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 3 – 4: Hiểu đúng ý nghĩa câu nói nhưng còn lúng túng trong bàn luận, diễn đạt chưa chặt chẽ, thuyết phục
– Điểm 1 – 2: Hiểu nội dung ý kiến nhưng còn nông, bài viết sơ sài, lan man, lập luận lộn xộn, dẫn chứng nghèo nàn, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc về nội dung, phương pháp hoặc bỏ giấy trắng
2/ CÂU HỎI 2
1/ Yêu cầu về kĩ năng
– Cần xác định đây là kiểu bài nghị luận văn học có nhiệm vụ làm sáng tỏ vấn đề lí luận văn học qua phâm tích một số tác phẩm văn học cụ thể
– Vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác nghị luận.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không mắc các lỗi chính tả và diễn đạt.
– Trình bày bài sạch, đẹp, khoa học.
2/ Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo một số nội dung sau:
a/ Giải thích:
– Nhà văn: người sáng tạo nên những tác phẩm văn chương
– “sáng tạo cái mới”: tài năng, nét riêng độc đáo trong tác phẩm văn chương thường được nhà văn thể hiện ở hai phương diện:
+ Nội dung: tác phẩm phải chứa đựng cái nhìn giàu tính khám phá, phát hiện về con người và đời sống với những rung động mãnh liệt của người nghệ sĩ trước niềm vui. Nỗi đau của con người, hướng con người tới gần hơn những giá trị Chân-Thiện-Mĩ…
+ Nghệ thuật: tác phẩm độc đáo trong ngôn từ, cách thức xây dựng hình tượng nghệ thuật, giọng điệu, điểm nhìn….
-> ý kiến khẳng định, đề cao tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ.
b/ Lí giải, chứng minh:
* Tại sao văn học lại quý trọng “sáng tạo cái mới”?
– Dòng chảy đời sống không lặp lại bao giờ. Là tấm gương phản ánh đời sống, văn học không thể không phản chiếu, lí giải, đánh giá, dự báo về những yếu tố mới mẻ không ngừng ấy.
– Văn học là lĩnh vực của cái độc đáo. Chỉ những tác phẩm có sự sáng tạo mới lạ, giàu giá trị thẩm mĩ mới có sức hấp dẫn lớn, có thể vượt qua quy luật băng hoại khắc nghiệt của thời gian.
– Những sáng tạo mới mẻ, giàu tính thẩm mĩ, xuất hiện một cách có hệ thống trong các sáng tác của nhà văn tạo nên phong cách nghệ thuật – dấu hiệu trưởng thành về bản lĩnh nghệ thuật của người nghệ sĩ.
* Chứng minh qua việc lựa chọn và phân tích để chỉ ra sự sáng tạo cái mới trong một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 11
c/ Bài học
– Đối với nhà văn: cần sống sâu với đời, mở lòng đón nhận mọi âm vang của cuộc sống để từ đó phát hiện ra những cái mới mẻ xuất hiện trong dòng chảy của hiện thực cuộc sống. Đồng thời phải có ý thức trau dồi, rèn luyện tài năng để có thể có những cách biểu hiện mới lạ, hấp dẫn….
– Đối với độc giả: cần chủ động, tích cực trong tìm hiểu tác phẩm để từ đó nhận ra những sáng tạo mới mẻ, những cái hay, cái đẹp của tác phẩm cùng tấm lòng và tài năng của nhà văn biểu hiện trong đó….
3/ Biểu điểm
– Điểm 11 – 12: Đáp ứng tốt những yêu cầu nêu trên. Bài viết giàu sức thuyết phục bởi bố cục hợp lí, nội dung chính xác, phong phú, lập luận chặt chẽ, khúc chiết, phân tích sắc sảo. Có nhiều ý sáng tạo. Diễn đạt trong sáng, trôi chảy, giàu chất văn, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ
– Điểm 9 – 10: Đáp ứng được đa số các yêu cầu của đề bài. Bố cục nội dung tương đối hợp lí. Lập luận có sức thuyết phục, phân tích khá sắc sảo. Diễn đạt tương đối tốt, có thể mắc một vài lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 7 – 8: Hiểu đề, lập luận khá chặt chẽ nhưng cảm nhận và phân tích chưa sâu sắc, một số câu văn diễn đạt chưa rõ ý, phần mở rộng, nâng cao thực hiện chưa thật tốt
– Điểm 5 – 6: Hiểu đề song phân tích còn nông, bài viết sơ sài
– Điểm 3 – 4: Hiểu chưa đúng trọng tâm đề, bài viết lan man, lập luận lộn xộn,
– Điểm 1 – 2: Chưa hiểu chính xác đề, phân tích thô vụng, dẫn chứng nghèo nàn, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc về nội dung, phương pháp hoặc bỏ giấy trắng.
———–
Theo Sachvanmau.com