Tìm Kiếm

Đề đọc hiểu và Nghị luận xã hội về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

Đề đọc hiểu và Nghị luận xã hội về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

Hướng dẫn

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Phát biểu tại Hội thảo Khoa học quốc gia về việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Tiếng Việt rất giàu, rất đẹp. Những tác phẩm văn học, thơ ca lớn, những tuyên bố, báo cáo trong lĩnh vực khoa học, văn bản có tính pháp lý của Nhà nước thể hiện trình độ phát triển cao của tiếng Việt. Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Bác Hồ đã có những lời dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Bác Hồ cũng đã dạy tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về trong và sáng của tiếng Việt.

Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình hội nhập phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều. Đáng báo động là không có nhiều, không có đủ sự phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó.

(www.baoyenbai.com.vn, ngày 6/11/2016)

Câu 1. Xác định nội dung chính của đoạn trích trên.

Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào: “làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan”.

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao “Bác Hồ cũng đã dạy tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn”?

Câu 4. Từ đoạn trích trên, anh/chị rút ra thông điệp gì?

LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều”.

Đáp án

ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Nội dung chính của đoạn trích: Bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Câu 2. Việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là điều cần thiết.

Câu 3. Bác Hồ cho rằng: “tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn”, vì:

– Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, tiếng chính thống của dân tộc.

– Tiếng Việt là kho tàng ngôn ngữ vô tận, quý giá được kết tinh tự ngàn đời của dân tộc.

– Tiếng Việt góp phần thể hiện ý thức về chủ quyền dân tộc.

Câu 4.Từ đoạn trích, thí sinh có thể đưa ra thông điệp: biết tự hào, trân trọng tiếng mẹ đẻ; ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát triển tiếng Việt.

LÀM VĂN

Phần Nghị luận xã hội:

Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều”.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: đoạn có câu chủ đề, các câu tiếp theo triển khai được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các câu phù hợp: câu mở đoạn nêu vấn đề, các câu tiếp theo triển khai câu chủ đề, câu kết cần rút ra bài học nhận thức và hành động.

Đoạn văn có thể có những ý sau:

– Việc gìn giữ và làm giàu vốn từ ngữ tiếng Việt là rất cần thiết nhưng hiện nay nhiều người đang lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài và sử dụng nó một cách tuỳ tiện.

– Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật nhất là xu hướng xính ngoại, thích “hiện đại”, thích được thể hiện cá tính của giới trẻ.

– Việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài làm ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng; làm giảm sút lòng tự tôn dân tộc và dần mất đi bản sắc văn hóa của người Việt Nam.

– Rút ra bài học nhận thức và hành động.

d. Sáng tạo: diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
đề đọc hiểu, Nghị luận xã hội