Đề Đọc hiểu và Nghị luận xã hội 200 chữ về sự vô cảm của con người
Hướng dẫn
Dạng đề đọc hiểu tích hợp Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng thờ ơ, vô cảm của những người tham gia giao thông.
ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA THPT NĂM 2017.
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Vụ tai nạn tại Gia Lâm (Hà Nội) ngày 29/2/2016 chắc vẫn ám ảnh lâu dài với nhiều người, bởi sự xót xa đau đớn tận cùng về cái chết oan uổng của 3 sinh linh vô tội. Nhưng, một nỗi xót xa khác cũng đang khiến nhiều người trăn trở, đó là sự vô cảm đến tàn nhẫn của con người.
Nỗi đau sau vụ tai nạn thảm khốc, kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng xảy ra ở Gia Lâm ngày hôm qua vẫn cứa vào tâm can gia đình nạn nhân và những người ở lại.
Người ta thấy sự bàng hoàng, thất thần hoảng loạn chưa dứt trong đôi mắt, trên gương mặt của người mẹ mất con, người con mất cha, người chồng mất vợ. Cái chết của những người thân yêu đến trong một tích tắc, đầy oan uổng và đau đớn.
Nhưng còn một nỗi đau, dai dẳng và ám ảnh không kém sự ám ảnh về những cái chết vô tội kia, đó là sự vô cảm tàn nhẫn của con người.
Cháu bé không còn nguyên vẹn hình hài, thoi thóp thở những giây cuối cùng của cuộc sống trên đôi tay cô giáo. Và cô giáo ấy, trong nỗ lực bằng mọi giá cứu học trò nhỏ bé bỏng, đã phải bất lực nhìn những chiếc xe cố chen khỏi đám đông, thậm chí cả khi cửa xe mở rồi, cô bé được bế lên, tài xế vẫn nhấn ga, cuống cuồng bỏ đi, bỏ lại cô bé bơ vơ giữa lòng đường.(…)
(Nguồnhttp://vtc.vn/thay-nguoi-thoi-thop-ben-duong-nhan-ga-chay-nhanh-sao-tan-ac-vay-dong-loai-oi.457.597201.htm)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữcủa văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Đặt nhan đề cho văn bản. (0,5 điểm)
Câu 3. Văn bản sử dụng phép lặp cú pháp. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của phép lặp đó. (1,0 điểm)
Câu 4. Các từ ngữ cố chen khỏi đám đông; vẫn nhấn ga; cuống cuồng bỏ đi…đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc thể hiện thái độ của những tài xế trước tai nạn? (1,0điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh(chị) về câu nói: “Nhưng còn một nỗi đau, dai dẳng và ám ảnh không kém sự ám ảnh về những cái chết vô tội kia, đó là sự vô cảm tàn nhẫn của con người”.
Đáp án
ĐỌC HIỂU
Trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4
Câu 1.Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí hoặc chính luận
– Điểm 0,5: nêu đúng tên phong cách của văn bản
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2. Có thể đặt tên cho văn bản: Vô cảm, bệnh vô cảm, Thói thờ ơ…
– Điểm 0,5: nêu đúng tên các nhan đề trên hoặc nhan đề khác nhưng phải phù hợp
– Điểm 0: Đặt sai nhan đề hoặc không trả lời
Câu 3. Văn bản sử dụng phép lặp cú pháp. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của phép lặp đó.
– Điểm 1,0: mỗi ý 0,5 điểm
+ Phép điệp cú pháp:đó là sự vô cảm đến tàn nhẫn của con người (2 lần).
+ Hiệu quả nghệ thuật: nhấn mạnh và tỏ thái độ lên án mạnh mẽ sự vô cảm của con người trước tai nạn giao thông thảm khốc.
– Điểm 0,5: HS chỉ nêu được 1 trong 2 ý trên
– Điểm 0,25: Không chỉ ra được phép điệp nhưng trình bày còn chung chung hiệu quả của nghệ thuật
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 4:
+ Các từ ngữ cố chen khỏi đám đông; vẫn nhấn ga; cuống cuồng bỏ đi…đạt hiệu quả nghệ thuật trong việc thể hiện thái độ của những tài xế trước tai nạn
+ Dùng hàng loạt động từ mạnh như cố chen,nhấn, cuống cuồng, ta thấy thái độ thờ ơ, lạnh lùng của những người tài xế khi họ có đủ điều kiện giúp đỡ người bị nạn mà vẫn không thực hiện.
– Điểm 0,5: Trả lời 1 trong 2 ý trên
– Điểm 0,25: Trả lời còn chung chung
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
LÀM VĂN
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng tốt trong cuộc sống hôm nay.
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra biện pháp khắc phục hiện tượng.
– Giải thích:Vô cảm là không có cảm xúc, tàn nhẫn là bất nhẫn và tàn tệ, không có lòng thương con người
– Phân tích hậu quả, nguyên nhân:
+ Người vô cảm đến tàn nhẫn sẽ biến mình thành kẻ sống ích kỉ, sống chỉ biết mình mà không biết người.
+ Sống vô cảm sẽ tác động rất lớn đến gia đình, xã hội. Xét trên hai góc độ pháp luật và đạo đức, họ là những kẻ đáng lên án…( lấy dẫn chứng)
+ Con người chạy theo đồng tiền, chạy theo vật chất mà quên đi giá trị của đời sống tinh thần. Coi đồng tiền cao hơn giá trị con người.
+ Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.
– Bình luận, mở rộng vấn đề:
+ Thờ ơ, vô cảm là thái độ sống lệch chuẩn mực đạo đức
+ Lối sống bao dung, biết quan tâm,giúp đỡ người khác …
– Bài học nhận thức và hành động.
+ Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực đáng phê phán vì nó trái ngược với truyền thống đạo đức nhân ái, vị tha đã có từ bao đời của dân tộc ta. Bởi vậy chúng ta cần học tập lối sống lành mạnh, biết yêu thương sẻ chia đồng cảm với những người xung quanh.
+Tham gia các hoạt động xã hội có tính nhân văn cao như phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào thanh niên lập nghiệp…
+ Xã hội cần lên án mạnh mẽ bệnh vô cảm, coi đó như là một cuộc chiến đấu để loại bỏ căn bệnh này ra khỏi xã hội ta.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
.
Bộ đề đọc hiểu và Nghị luận xã hội