Tìm Kiếm

Chứng minh nhận định về sức sống tiềm tàng bên trong con người Mị

Chứng minh nhận định về sức sống tiềm tàng bên trong con người Mị

Hướng dẫn

Đề bài: Bàn về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, có ý kiến cho rằng: “Khi Mị nghĩ đến cái chết là lúc khát vọng sống của Mị trỗi dậy mãnh liệt nhất”. Anh chị hãy chứng minh nhận định trên thông qua đoạn văn miêu tả Mị trong đêm tình mùa xuân.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Tô Hoài viết về con người và văn hóa vùng núi Tây Bắc.

2. Thân bài

– Mị vốn là cô gái xinh đẹp, giàu sức sống thanh xuân thế nhưng từ khi trở thành con dâu gạt nợ cho gia đình Thống lí đã dần trở thành người đàn bà cam chịu, sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

– Mị đã từng quỳ xuống cầu xin cha cho mình làm nương, trồng ngô để trả nợ chứ quyết không chịu trở thành món hàng để gạt nợ.

– Vì thương cha, vì chữ hiếu đè nặng trên vai Mị đã từ bỏ ý định tử tự, chấp nhận cuộc sống đau khổ như địa ngục trần gian.

– Sống mãi trong sự đọa đầy cả về thể xác và tinh thần, Mị đã dần trở nên chai lì, tê liệt mất khả năng phản ứng trước hoàn cảnh mà theo như lời kể của nhà văn Tô Hoài “sống lâu trong cái khổ Mị quen rồi”.

– Khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình, sức sống trong Mị được thức tỉnh, Mị ý thức bản thân “ Mị còn trẻ”, cảm nhận được những mong muốn thành thực của bản thân “Mị muốn đi chơi”.

– Đắm chìm trong bi kịch của bản thân, Mị trở lại với suy nghĩ muốn tự tử “Nếu có nắm lá ngón ở đây Mị sẽ ăn ngay”.

+ Nghĩ về cái chết là khi Mị quay trở lại đối diện với phần khát vọng sống lâu nay bị đè nén.

+ Muốn chết là khi Mị ý thức được về khát vọng và nhu cầu của bản thân

 

+ Muốn chấm dứt sự sống, bi kịch của hiện tại là thái độ phản kháng quyết liệt với hoàn cảnh éo le, bạo tàn thực tại.

3. Kết bài

Qua nhân vật Mị, tác giả Tô Hoài đã thể hiện thái độ đồng cảm, trân trọng đối với những giá trị sống tốt đẹp, đó là khát khao sống, khát khao tự do chính đáng của con người.

II. Bài tham khảo

“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Tô Hoài viết về con người và văn hóa vùng núi Tây Bắc. Thông qua câu chuyện xoay quanh cuộc sống và số phận của đôi vợ chồng nghèo người H’Mông nhà văn Tô Hoài không chỉ tái hiện chân thực cuộc sống tăm tối, bị tước đoạt quyền sống của con người dưới chế độ phong kiến miền núi bạo tàn mà còn thể hiện thái độ trân trọng đối với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt bên trong những con người khốn khổ ấy. Sức sống tiềm tàng được thể hiện trực tiếp thông qua nhân vật Mị, và đặc biệt nhất khát vọng sống không chỉ thể hiện qua nhu cầu được sống, khát vọng vượt thoát khỏi nghịch cảnh mà còn thể hiện đầy thành công qua suy nghĩ của Mị về cái chết.

Bàn về những biểu hiện khát vọng sống bên trong nhân vật Mị, có ý kiến cho rằng: “ Khi Mị nghĩ đến cái chết là lúc khát vọng sống của Mị trỗi dậy mãnh liệt nhất”. Thật lạ lùng làm sao, khi khát vọng sống trỗi dậy, con người sẽ thiết tha được sống, được tồn tại, thế nhưng khi Mị nghĩ về cái chết lại là khi sức sống trong Mị bùng cháy dữ dội nhất. Đánh giá có phần lạ lùng thế nhưng nếu đặt trong tương quan với nội dung của truyện ngắn, ta lại thấy đây là một trong những đánh giá phản ánh chân thực nhất về quá trình hồi sinh, đánh thức khát vọng sống bên trong Mị.

Mị vốn là cô gái xinh đẹp, giàu sức sống thanh xuân thế nhưng từ khi trở thành con dâu gạt nợ cho gia đình Thống lí đã dần trở thành người đàn bà cam chịu, sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, bị tê liệt khả năng phản kháng dẫu phải sống cuộc sống đau khổ của “con trâu, con ngựa”.

 

Không phải Mị chưa từng phản kháng, chưa từng cố gắng thoát khỏi sự sắp đặt nghiệt ngã của số phận mà mọi cố gắng ban đầu đều trở nên vô vọng vì sự éo le của hoàn cảnh và sợi dây trách nghiệm trói buộc. Mị đã từng quỳ xuống cầu xin cha cho mình làm nương, trồng ngô để trả nợ chứ quyết không chịu trở thành món hàng để gạt nợ. Trong những ngày đầu tiên làm dâu nhà thống lí, Mị đã đau khổ đến mức muốn tự tử, Mị muốn ăn lá ngón để chết ngay, thế nhưng vì thương cha, vì chữ hiếu đè nặng trên vai Mị đã từ bỏ ý định tử tự, chấp nhận cuộc sống đau khổ như địa ngục trần gian.

Sống mãi trong sự đọa đầy cả về thể xác và tinh thần, Mị đã dần trở nên chai lì, tê liệt mất khả năng phản ứng trước hoàn cảnh mà theo như lời kể của nhà văn Tô Hoài “sống lâu trong cái khổ Mị quen rồi”. Mị sống cam chịu, lầm lũi như cái xác không hồn, không cảm xúc mặc những tác động bạo tàn từ A Sử và gia đình thống lí. Tuy nhiên, sức sống trong Mị không bị giết chết mà chỉ bị tê liệt trước hoàn cảnh, vì vậy khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình, sức sống trong Mị được thức tỉnh, Mị ý thức bản thân “ Mị còn trẻ”, cảm nhận được những mong muốn thành thực của bản thân “Mị muốn đi chơi”. Thế nhưng khi sức sống thức tỉnh cũng là khi Mị ý thức sâu sắc nhất về nỗi đau khổ của bản thân.

Đắm chìm trong bi kịch của bản thân, Mị trở lại với suy nghĩ muốn tự tử “Nếu có nắm lá ngón ở đây Mị sẽ ăn ngay”. Đây là lần thứ hai Mị có ý định tự tử, nếu như lần đầu tiên Mị muốn tự tử để chấm dứt bi kịch của bản thân thì lần thứ hai có ý định này là khi khát vọng sống của Mị bùng cháy dữ dội nhất.Nghĩ về cái chết là khi Mị quay trở lại đối diện với phần khát vọng sống lâu nay bị đè nén. Muốn chết là khi Mị ý thức được về khát vọng và nhu cầu của bản thân, nếu như trước đó Mị sống nhưng lầm lũi như cái xác không hồn, sự sống vô nghĩa chỉ gói gọn trong căn phòng nhỏ tối tăm thì khi sức sống được thức tỉnh, Mị đã trở lại là chính mình, một cô gái yêu đời, khát khao tự do. Muốn chấm dứt sự sống, bi kịch của hiện tại là thái độ phản kháng quyết liệt với hoàn cảnh éo le, bạo tàn thực tại. Vì vậy có thể nói, khi Mị muốn chết chính là khi khát vọng sống của Mị trỗi dậy mãnh liệt nhất.

 

Qua nhân vật Mị, tác giả Tô Hoài đã thể hiện thái độ đồng cảm, trân trọng đối với những giá trị sống tốt đẹp, đó là khát khao sống, khát khao tự do chính đáng của con người.

Theo Vanmau.top