Tìm Kiếm

Chứng minh và giải thích câu tục ngữ: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Chứng minh và giải thích câu tục ngữ: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Hướng dẫn

Đề bài: em hãy viết bài văn chứng minh và giải thích câu tục ngữ: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Mở bài Chứng minh và giải thích câu tục ngữ: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Trong cuộc sống, hầu hết ai cũng yêu cái đẹp, nhìn vào cái đẹp để hoàn thiện bản thân mình hơn, tục ngữ đó là lời khuyên, kinh nghiệm quý báu mà ông cha ta để truyền lại cho con cháu. Một trong những kinh nghiệm bổ ích đó là mối quan hệ giữa phẩm chất đạo đức con người với hình thức bề ngoài. Điều đó được thể hiện qua câu tục ngữ:“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Trước tiên, ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ. Câu tục ngữ đã đưa ra hai hình ảnh cụ thể “gỗ và nước sơn”. Gỗ là vật liệu để làm nên đồ vật. Gỗ tốt sẽ làm nên những vật dụng tốt. Gỗ xấu sẽ làm nên những vật dụng nhanh hư hỏng, bục nát. Nước sơn là vật liệu mà người ta dùng để quét lên đồ vật làm cho đồ vật thêm đẹp, thêm bền hơn. Câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” muốn khẳng định: khi đánh giá về độ bền của một vật dụng nào đó, chúng ta cần phải chú ý đến chất lượng gỗ để tạo nên đồ vật ấy, chứ không nên chỉ đánh giá bề ngoài của lớp sơn đó. Từ ý nghĩa của câu tục ngữ trong cuộc sống, tác giả dân gian đã đề cao phẩm chất đạo đức của con người là quan trọng hơn tất cả vẻ đẹp của hình thức bên ngoài.

 

Tại sao ông cha ta lại nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn:”? Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã đề cao lối sống đạo đức, nhân cách của con người. Một con người có phẩm chất đạo đức tốt thì trong bất kì hoàn cảnh nào, trong bất kì công việc nào họ cũng hoàn thành một cách tốt đẹp. Trái lại, một con người chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài mà quên đi nhân cách, đạo đức và lối sống thì con người đó sẽ bị mọi người xa lánh. Vì vậy, một người có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt bao giờ cũng được mọi người quý trọng tin yêu. Ông cha ta đã từng nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, quả không sai. Và nếu, một người nào đó vừa có phẩm chất đạo đức tốt lại có hình thức bề ngoài lịch sự, nhã nhặn thì con người đó càng được tôn trọng hơn.. Nội dung quyết định hình thức, và hình thức góp phần nâng cao giá trị của nội dung.

Ví dụ như để đánh giá về một cô gái tốt, cô gái đó không nhất thiết là phải cực kỳ xinh đẹp, đôi mắt to tròn, thân hình thon gọn mà điều quan trọng để đánh giá người con gái đó là tư chất tao nhã, đẹp nhưng không dung tục. Còn một người đàn ông tốt không nhất thiết là phải nhiều tiền, cũng chẳng cần quá đẹp trai, nhìn cái là yêu rồi mà quan trọng của người đàn ông đó là lòng khoan dung, độ lượng, dám gánh vác trách nhiệm, quan tâm gia đình một cách chân thành. Người con gái đẹp đến mấy cũng không được ngốc nghếch, một người đàn ông giàu đến cỡ nào cũng không nên khiếm nhã, ưu tú không phải là điều kiện bên ngoài mà là sự trong sáng trong tâm hồn.

 

Câu tục ngữ khẳng định đẹp thì càng tốt nhưng cái người ta đánh giá về mình đó là nhân phẩm, tư cách chuẩn mực, ăn nói nhẹ nhàng, gãy gọn, có đầu có đuôi, kính trên nhường dưới, biết hy sinh và chăm lo cho gia đình, đẹp về mặt tâm hồn chứ không phải là hình thức, theo thời gian, cái vẻ bề ngoài đó dần dần mất đi và không còn giá trị, nhưng bản chất bên trong của con người thì càng lâu thì càng càng được tôi luyện và đúc kết lại thành phẩm chất cao quý.

Giống như đồ vật cũng vây, có những thứ nhìn bề ngoài có thể sần sùi, xấu xí nhưng khi dùng thì cực kỳ chắc chắn và bền, nhưng có loại nhìn bề ngoài có vẻ đẹp và sang trọng nhưng dùng được vài hôm là đã thấy bong tróc, hư hỏng hết.

Hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ, học sinh chúng ta phải làm gì để có được phẩm chất đạo đức tốt? Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức sao cho tốt. Phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để hoàn thiện nhân cách của người học trò ….Và trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng có thể rèn luyện để làm cho phẩm chất của mình ngày càng tốt hơn góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn.

 

Kết luận bài văn: Chứng minh và giải thích câu tục ngữ: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Câu tục ngữ thực sự là một bài học quý giá để mỗi học sinh chúng ta nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nếp sống văn minh. Đừng vì lóa mắt bởi ánh sáng hào quang tạm thời mà quên mất đi mục tiêu của mình, đó mới là gốc, là cốt lõi mà chúng ta cần đạt tới.

Theo Vanmau.top