Tìm Kiếm

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP (PHẦN I)

I. TIỂU SỬ HỒ CHÍ MINH
SGK
II. QUAN ĐIỂM SÁNG TÁC VĂN HỌC
- Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng: Văn chương trong thời đại cách mạng phải có chất thép “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người lại một lần nữa nhấn mạnh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
- Người luôn yêu cầu tính chân thực và tính dân tộc: Người khuyên các nghệ sĩ phải bớt đi chất mơ mộng, tăng thêm chất hiện thực. Phải miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn. Phải diễn đạt giản dị, dễ hiểu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
- Người luôn quan tâm tới Đối tượng thưởng thức: đó chính là quần chúng. Trước khi viết, Người luôn đặt ra và trả lời các câu hỏi: Viết cho ai (Đối tượng thưởng thức), Viết cái gì (Nội dung), Viết để làm gì (Mục đích viết), Viết như thế nào (Cách viết).
III. SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
1. Văn chính luận:
Nội dung: Cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc.
Tác phẩm tiêu biểu:
- Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) Tác phẩm có giá trị hiện thực sắc sảo là bản án tố cáo tội ác tày trời của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa..
- Tuyên ngôn độc lập (1945): Văn kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại: khai sinh ra nước VN dân chủ cộng hòa; là áng văn chính luận mẫu mực.
- Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quí hơn độc lập tự do (1966). Đó là lời hịch truyền đi vang vọng khắp non sông làm rung động trái tim người Việt Nam yêu nước.
2. Truyện kí:
Nội dung: Vạch trần bộ mặt gian xảo, tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, kêu gọi tinh thần đấu tranh của nhân dân.
Tác phẩm:
- Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922)
- Vi hành (1923)
- Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu.
3. Thơ ca:
- Nhật kí trong tù : phản ánh bức tranh đen tối của xã hội Trung quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Tấm lòng nhân đạo bao la “sống cho tất cả chỉ quên mình”. Đặc biệt là bức chân dung tự hoạ về mặt tinh thần của người tù vĩ đại. Các bài tiêu biểu: Chiều tối, Lai Tân, Người bạn tù thổi sáo…
- Thơ Hồ Chí Minh và Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh: cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng và thể hiện tinh thần lạc quan, yêu nước của Hồ Chí Minh.
IV. PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
Nhìn chung, mỗi thể loại văn học, từ văn chính luận, truyện kí, đến thơ ca, Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng độc đáo và hấp dẫn.
Văn chính luận: thường ngắn gọn, tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng đầy thuyết phục, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp.
Truyện kí: Nghệ thuật trào phúng sắc bén. Kết hợp được chất thâm thúy của phương Đông và nét hài hước, hóm hỉnh của phương Tây. Tình huống truyện độc đáo. Truyện kí có chất hiện đại, tính chiến đấu mạnh mẽ,
Thơ ca: thể hiện sâu sắc nhất phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh .
- Thơ tuyên truyền cách mạng: đơn giản, dễ thuộc, hướng về đại chúng rất thiết thực, gần gũi đời sống cách mạng.
- Thơ nghệ thuật: cổ thi hàm súc: có sự kết hợp giữa chất cổ điển và nét đẹp hiện đại, giữa chất trữ tình và chất thép.
GV PHAN DANH HIẾU