Tìm Kiếm

KÝ TÚC XÁ CÓ MA - Truyện ngắn của Phan Danh Hiếu

Tân sinh viên nên đọc
KÝ TÚC XÁ CÓ MA
Hồi mới ra trường, tôi xin được vào dạy hợp đồng tại một trường huyện. Đó là một ngôi trường cũ kỹ và nghèo nàn xa thành phố tới gần bảy mươi cây. Tôi ở ký túc xá của trường. Dãy ký túc xá có tất cả mười phòng với mười lăm nhân khẩu. Có hai hộ gia đình. Tám thầy cô trẻ. Người dạy được năm, sáu năm. Kẻ mới vào nghề. Có người thì ở đây ngót nghét trên hai mươi năm. Các giáo viên khác thì nhà trong thôn. Buổi đi dạy, buổi ở nhà tăng gia sản xuất. Ký túc xá của chúng tôi vui nhất là những buổi sáng vì có học sinh học. Buổi chiều thì im ắng và buồn nhất là vào lúc chạng vạng tối cho đến khi đi vào giấc ngủ. Nghe nói thời chiến tranh chống Mỹ có hai quả bom đã thả xuống nơi này.
Thầy Tài giáo viên bộ bôn Toán là người ở đây lâu nhất. Đó là từ năm 1986 khi ngôi trường được dựng lại trên nền hoang phế của chiến tranh. Thầy Tài chưa có gia đình. Dân Nam chính gốc. Thầy chinh phục lũ giáo viên trẻ chúng tôi bằng đờn ca tài tử. Đàn thì lửng tửng, giọng thì lè phè nhưng nghe man man cũng thấy hay hay. Thầy kể chuyện ma thì dù có anh bạn nào gan đến mấy cũng phải cửa đóng then cài trước khi đi ngủ. Ban đêm, sau khi cơm ai nấy dùng. Chúng tôi thường kéo nhau qua phòng thầy tụ họp. Cứ như là đi nghe ngàn lẻ một đêm. Những chuyện tâm linh thầy kể có khi đang nghe thì sợ, nghe xong lại thấy bật cười. Có chuyện nghe xong thì xin ngủ lại phòng thầy chứ không dám về.
===================================
Thầy kể, ngày làm lễ động thổ ngôi trường này. Mây gió vần vũ, trời u ám nhưng không một hạt mưa. Khi đào móng và san ủi đất để xây dựng người ta khai quật lên rất nhiều đoạn xương người, nhiều hài cốt còn nguyên vẹn, nhiều chiếc khăn quàng đỏ còn chưa kịp phân hủy. Nhang khói thắp cả ngày, đến đêm vẫn chưa cháy hết. Bàn tay thầy cải táng không biết bao nhiêu là hài cốt của rất nhiều những con người đã nằm xuống nơi đây. Trong đó có đồng nghiệp, có biết bao khuôn mặt học trò. Rồi từ đống hoang phế đổ nát đó. Một ngôi trường mọc lên. Rồi tiếng cười, tiếng nói lại rộn ràng. Sự hồi sinh trên nền đất cũ mang lại biết bao nhiêu sự sinh sôi.
Nhưng cũng tại mảnh đất này có bao nhiêu chuyện đau lòng đã xảy ra. Có người tin. Có người không tin. Có người nửa tin nửa ngờ. Nhưng những câu chuyện có thật thì vẫn mãi là sự thật. Thầy kể rằng: trong đợt di dời những hài cốt của những con người xấu số nằm lại trên mảnh đất này có gặp một chuyện lạ. Số là khi chiếc máy múc vừa múc xong công đoạn cuối của hố móng thì thấy có ba cái hũ sành mốc xỉn. Bê lên thấy rất nặng. Nhiều người dân hiếu kỳ đổ vào xem. Ai cũng thấy là lạ là vì chưa bao giờ người ta nhìn thấy những vật dụng như thế bao giờ. Có anh cán bộ xã làm bên ban văn hóa sau một hồi nghiên cứu đã kết luận “Hũ này có từ thời phong kiến, thường dùng để cải táng người chết. Chớ có đụng vào”. Mọi người về hết. Mấy anh thợ hồ lại nghĩ khác “Táng người chết thì chắc phải có vàng”. Thế là họ đập lần lượt ba cái hũ sành ấy. Chỉ thấy toàn đất đen. Rồi chẳng biết mấy ông bàn nhau cái gì mà lấy tấm nilon cũ buộc tất cả lại rồi chôn vơ vất ở đâu đó.
Vài ngày sau thì chuyện xảy ra. Mấy chiếc xe đang hoạt động bỗng nhiên chết máy. Sửa cả hai ngày trời mới được. Tay thợ hồ đập vỡ ba cái hũ tự dưng bị té gãy tay, mắt lồi ra, chết vài hôm sau đó. Cái lán dựng tạm cho công nhân ở, bốc cháy thiêu rụi hết đồ đạc. Nhà Ông chủ tịch xã chết một lúc hai con bò. Hai tháng sau, những viên gạch đầu tiên bắt đầu thi nhau cao lên thì tường sập. Công nhân bị thương. Rồi lại xây. Xây lại sập. Những chuyện trùng hợp ấy nếu sắp xếp lại cho khách quan thì thấy rằng sự lạ bắt đầu từ ba cái hũ sành. Nhưng mà trường thì vẫn phải xây. Cũng may có sư trụ trì một ngôi chùa nhỏ trong làng làm ba lá phép gì đó mà thi công từ đó được thuận lợi.
Sáu tháng sau thì trường dựng xong, lại đúng vào dịp khai giảng. Ngày khai giảng, có cả giám đốc Sở về dự, cắt băng khánh thành, cờ đỏ rực, loa đài sập sình. Lễ tắt. Thầy cô được bữa ăn trưa thịnh soạn nhất trong thời bao cấp. Ăn uống xong độ hơn một giờ chiều. Ai nấy đều về nhà. Hồi đó ký túc xá mới được năm thầy cô. Có bác bảo vệ là thương binh ¼ xin vào làm. Bác tên Thăng, người ở ngay trong làng. Khi mọi người về hết, rượu ngấm, bác đóng cửa kéo giấc dài. Nghe đâu đang ngủ thì chợt có tiếng gõ cửa dồn dập. Tưởng có ai đó bỏ quên đồ quay lại lấy. Bác ngồi dậy thì không nghe tiếng gõ cửa nữa. Mở cửa, không thấy ai cả ngoài một dãy hành lang dài và mấy cây bàng thưa thớt lá. Trời đứng gió. Bác lại đóng cửa ngủ. Vừa chợp mắt lại có tiếng người đẩy cửa bước vào. Tiếng chân người đi rất nhẹ. Bác hé mắt nhìn thì thấy một người đàn bà. Mái tóc lòa xòa che nửa khuôn mặt. Đôi chân đen đủi trong chiếc quần lụa rách tả tơi. Choàng tỉnh, bác quát hỏi “ Ai đó ?”. Bóng người vụt mất như có ai đó vừa đi qua một giấc mơ. Cánh cửa đóng sầm một cái. Ngồi dậy, hơi bàng hoàng nhưng bản lĩnh của một người lính Trường Sơn làm bác bình tâm nhanh chóng. Có tiếng người lào xào ngoài cửa sổ khép hờ. Bác nhẹ nhàng rời căn phòng. Bên ngoài trời đang nắng dữ. Đồng hồ mới chỉ hai giờ chiều. Nhìn sang dãy ký túc, ai cũng đang đóng cửa nghỉ trưa.
Lại nói dãy ký túc. Sau hơn mười ngày khai trường. Có đôi vợ chồng thầy cô mới chuyển về. Cô Lành đang mang bầu. Chồng cô là thầy Thiết là thương binh. Phòng đôi vợ chồng này ở cuối dãy, nơi có cây xà cừ cổ thụ với những rễ cây thòi lên mặt đất với những hình thù kỳ dị. Có rễ hình mặt người, có rễ hình em bé sơ sinh, có rễ như con trăn khổng lồ chạy lộ thiên khoảng hơn mười mét. Ở đó, chẳng hiểu sao người ta thắp nhang nhiều. Hôm đầu tiên về, ký túc xá có làm bữa cơm liên hoan đón khách quý. Mang tiếng là làm cơm đón người mới nhưng thầy Thiết là chủ chi. Mấy anh em chỉ mất công đi chợ, nấu nướng. Tối đó, anh em đánh chén li bì. Tội mấy chị chờ dọn dẹp, díu cả mắt rồi mà mấy ông vẫn chưa chịu tha. Hết đờn ca tài tử lại chuyển sang đọc thơ, hết đọc thơ lại kể chuyện chiến trường, nghe phát ớn. Bác Thăng chào mọi người để về phòng bảo vệ. Mọi nguời không chịu lại bắt uống thêm mấy ly. Chính xác là bảy ly vì có lệ là “Vào ba ra bảy”. Bác ra về, mọi người không tiễn. Chiếc đèn pin tù mù trong đêm như một đốm sáng nhỏ nhoi theo từng bước chân cao thấp của bác (Bác Thăng bị cụt mất một chân phải thay bằng chân giả). Mấy chị nhìn theo ái ngại, trách mấy ông chơi ác, ép người quá đáng. Đang vui, bỗng nghe tiếng chân người chạy rầm rập ngoài hành lang ký túc. Tiếng quát tháo ì xèo nghe như bên tai mà cũng như xa xôi lắm. Mấy anh em chạy ra xem nhưng hành lang dài tối thui, bấm đèn pin lên quét khắp lượt, cả sân trường nữa nhưng tịnh không một bóng người. Nhìn sang phía phòng bảo vệ phía xa xa. Chỉ thấy màn đêm đặc cóng. Không gian lặng ngắt như tờ. Phía trên những vòm cây tối sẫm, le lói vài ngôi sao nhấp nháy. Bấy giờ ai cũng nhìn đồng hồ. Lúc đó là hơn một giờ sáng. Thế là tan cuộc vui. Ai nấy đều trở về phòng mình. Cửa chốt then cài. Cả đêm không chợp mắt được dù rượu ngấm bừng bừng.
Sáng sớm ra. Ai nấy đều bán tín bán nghi những việc lạ hồi đêm. Người nói chắc là gió nổi. Người nói là chắc tại mấy đứa học trò lén lên đây trêu các thầy. Nhưng người ở làng này, ban đêm người lớn còn không dám ra khỏi nhà nói chi bọn trẻ. Nhưng thật kỳ lạ, dãy hành lang có rất nhiều dấu chân trẻ con dính đầy bùn đen. Dù đem nước dội nhiều lần cũng không hết những vết chân in lên nền gạch đỏ. Bác Thăng thì kể, hồi đêm bác nằm mơ thấy có ba người ăn vận kì lạ, một nam và hai nữ, mỗi người cầm một sợi dây thừng cứ đè bác ra mà trói nghiến. Sợ quá bác dãy giụa và vớ được con dao rồi vung tay chém. Một người bắt được tay bác và giằng được con dao. Nó chém mạnh xuống người bác nhưng bác tránh được còn con dao thì bổ trúng cạnh bàn. Ba người kia bỏ đi. Lúc bác tỉnh dậy, vặn to ngọn đèn lên thì thấy trên nền đất có nhiều sợi tóc dài ngắn rơi rụng. Con dao bổ củi cắm lên cạnh bàn. Sờ vào thấy còn nóng như có bàn tay ai đó vừa cầm vào. Cả đêm bác cũng không ngủ được. Nghe chuyện, thầy Tài rùng mình. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mới có cái cảm giác rờn rợn ấy (thầy Tài nói mà y như đang ở cái khoảnh khắc của mấy mươi năm về trước). Chúng tôi ngồi nín re.
===================
Hai tháng sau, hai cô giáo ở phòng cũng gặp chuyện lạ. Ban đêm đang ngủ cứ nghe tiếng ai rù rì to nhỏ ở góc phòng. Mới đầu tưởng gió. Lâu sau im lặng lắng nghe thì đúng là tiếng người. Các cô choàng dậy, châm đèn rọi khắp căn phòng mười hai mét vuông. Chẳng thấy có ma nào. Mà cứ hễ đặt lưng là lại nghe tiếng cười nói lao xao. Có đêm các cô đánh bạo cầm dao cứ nhằm vào chỗ góc tường có tiếng người phát ra mà phang vài nhát. Từ đó chẳng nghe những âm thanh đó nữa. Bẵng đi vài tháng sau, một đêm đang ngủ. Các cô thấy cánh cửa mở tung, thấy có một đứa học trò bận áo trắng đi vào. Trên tay cầm vật gì đó đen ngòm. Biết không phải là người, có cô hét toáng lên, cô kia thì xỉu tại trận. Ký túc đang đêm ồn ào. Ai cũng chạy bổ qua. Cô kia líu ríu chỉ tay về phía hàng rào. Nhưng chẳng ai nhìn thấy gì ngoài bóng trăng sáng lờ nhờ hư ảo. Sáng ra, cô kia ra bờ rào xem chỗ hồi đêm bóng người chạy qua, thì thấy có một miếng vải rách và chiếc khăn quảng đỏ nhàu bẩn vướng trên hàng rào. Và cuối cùng thì hai cô xin nghỉ việc, từ đó chẳng biết họ đi đâu, ở đâu nữa.
Câu chuyện của thầy Tài dừng lại giữa khuya bởi có tiếng gió đập vào cửa và vài hạt mưa rơi lộp bộp trên mái tôn. Tôi đi ra khép vội cánh cửa mà tim cứ đập liên hồi. “Thế từ ngày thầy về đây thầy có gặp ma không ?”. Tôi hỏi. Nhiều anh em cũng nhìn thầy Tài với ánh mắt dò hỏi. Chậm rãi đưa điếu thuốc lên môi. Thầy khẽ thở dài và bắt đầu kể.
Hồi đó, người tôi kính nhất là bác Thăng, không phải vì chúng tôi đều là lính mà vì bác Thăng là con người nhân hậu. Thiếu gạo ăn thì đến nhà bác lấy. Thiếu áo thì đến nhà bác mượn tạm. Thế mà chẳng hiểu vì sao trời không thương. Làm bảo vệ được hai năm thì bác bị tâm thần rồi nhảy giếng chết. Trước khi bị bệnh bác có gặp tôi nói chuyện. Bác nói, đất này có nhiều chuyện tâm linh, mọi người nên cẩn thận. Bác nói thấy có chuyện bất an. Mấy đêm nay ngủ cứ thấy có người đàn bà đến đòi quần áo, đòi một đốt ngón tay mà tôi nào biết tay chân gì ở đâu. Vừa nói chuyện buổi chiều thì đến đêm, lúc mọi người đang ngủ thì bỗng nghe có tiếng hú hét, tiếng đập bàn ghế ầm ầm từ phòng bảo vệ. Mọi người chạy ra thì thấy bác trần truồng cứ cầm cây đập đập lên bàn ghế. Đôi mắt thất thần nhìn mọi người. Rồi hai tháng sau bác qua đời. Đám tang của bác trôi đi trong u ám. Cả trường nghỉ học một ngày. Thầy Hiệu trưởng làm trưởng ban lễ tang mà cứ khóc mãi không thôi. Từ ngày bác mất, chẳng ai dám vào ngôi trường này làm bảo vệ. Căn phòng bác ở khóa trái cửa, chẳng ai dám mở một lần. Có bữa, tôi đi ăn cỗ về muộn. Ngang qua cánh đồng, chợt thấy có bóng người đi trước mặt quãng năm sáu mét. Trăng sáng lắm nên tôi nhìn thấy có hai người đang đi. Một đàn ông, một đàn bà. Bóng người đàn bà khó nhận ra lắm vì lúc mờ lúc tỏ. Nhưng cái dáng người đàn ông thì quen lắm. Người ấy đi chân cao chân thấp. Không thể lẫn vào đâu được. Đó là bóng bác Thăng. Tôi chạy theo nhưng bóng bác và người kia cứ từ tan ra, tan ra và mất hút giữa cánh đồng đầy gió chướng…
Đêm đã về khuya, câu chuyện thầy Tài cũng ngừng lại. Chúng tôi trở về phòng của mình. Sân trường nhạt nhòa bóng trăng đầu tháng. Trời đứng gió. Vài ba con đom đóm bay là là trên những cây bụi thấp. Tôi chìm vào giấc ngủ nhanh chóng. Ngoài kia, đêm của đất quê đầy tiếng côn trùng rả rích. Độ ba bốn giờ sáng tôi nổi cơn đau bụng dữ dội. Đường về phía nhà vệ sinh thì xa lắc lơ và đầy bóng tối. Tôi cầm chiếc đèn pin tù mù đi ra. Chiếc đèn khi sáng khi tối om mà bụng dạ tôi thì không ổn lắm. Đi được nửa đường bất thần tôi vấp phải một vật gì mềm mềm. Quá bất ngờ, tôi ngã xuống, chiếc đèn pin văng đi đâu mất. Trời đất, không đâu như lúc này, tim tôi đập loạn xạ. Những câu chuyện thầy Tài kể lại hiện về trong đầu tôi đầy đủ, không sót một chi tiết nào. Định thần, tôi quờ quạng xung quanh xem thử vật vừa dẫm lên là gì. Nhưng không thấy gì cả. Trăng đã lặn từ lâu. Chỉ tiếng côn trùng rỉ rả kêu sương nghe lành lạnh. Chợt một tia chớp rạch ngang trời. Ánh sáng đủ cho tôi nhìn thấy cách mình vài ba mét, có một người đàn bà tóc tai rũ rượi đang đứng quay mặt về phía tôi. Người đàn bà có cái miệng cười với hố đen rộng toác. Tôi muốn thét lên nhưng chỉ trong chốc lát khi tia chớp thứ hai rạch lên, đã không còn người đàn bà đứng đó nữa.
Tôi bị bệnh nằm liệt giường mất hai tháng. Tóc rụng từng mảng. Rồi sau đó tôi rời trường để chuyển về thành phố mang theo những câu chuyện thầy Tài kể và bóng người đàn bà trong cái đêm khuya tối trời tôi đau bụng. Nhiều năm qua tôi không bao giờ nguôi ám ảnh về nơi ấy. Có lần về thăm trường. Thấy chẳng khác xưa nhiều lắm. Phòng bác Thăng thì vẫn im ỉm đóng. Thầy Tài đã mất vì bệnh ung thư phổi. Những người ở ký túc xa năm ấy, người thì vẫn bám lại, người thì chuyển đi đâu không ai biết. Giờ đây mỗi lần nhớ lại mảnh đất ấy. Tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh.
Phan Danh Hiếu
(Trích tập truyện ngắn Chờ đợi những mùa thi - Phần II, Sắp XB)