Tìm Kiếm

Tả về cây bàng trên sân trường em

Đề bài: Tả về cây bàng trên sân trường em

Tả về cây bàng − Bài làm 1

Trường em là một ngôi trường xanh mát. Bởi vì sân trường trồng rất nhiều loại cây. Trong đó có cây bàng, một loài cây che bóng mát mà em rất thích.

Trên sân trường nào là cây xà cừ, cây phượng, cây dầu,… mỗi cây đều dang rộng tay che mát cho cả sân trường. Duy chỉ có cây bàng là loài cây em thấy nó không những che bóng mát mà nó còn rất đẹp nữa. Cây bàng là loài cây thân gỗ, vỏ của nó không được nhẵn nhụi như những loài cây khác mà lúc nào cũng sần sùi lên. Trên thân cây thỉnh thoảng cư nổi lên những cái u to như bàn tay. Những cái u này tự dưng mà có hay từ những lần bác bảo vệ chặt cành của cây đi, cái vết chặt đó như còn sót lại và cứ thế theo thời gian. Thân cây cao tầm hai mét, nhưng từ gốc cho đến ngọn cây chắc phải tới cỡ bốn đến năm mét. Từ xa nhìn lại, cây bàng giống như một chiếc khinh khí cầu màu xanh. Đến gần, cây bàng che mát cho cả một khoảng sân rộng. Tán cây bàng quây tròn và xếp thành tầng, tầng này xếp bên trên tầng kia, cứ như thế vươn tới ngọn. Các cành cây vươn rộng ra xa, các cành chen lấn nhau, đua nhau vươn ra nơi có ánh sáng. Nhìn rõ lá cấy bàng ta mới biết được nó to giống như chiếc quạt nan của bà hay quạt cho em ngủ. Lá bàng to, những lá già có màu xanh đậm, hơi cứng, còn lá non có màu xanh nhạt nhưng lại mềm hơn. Chúng em thường hái những chiếc lá già để làm quạt giữa cái nắng oi ả của trưa hè. Vào mùa bàng ra hoa, hoa bàng rất nhỏ và có màu trắng. Khi hoa rụng hết thì quả bàng con lộ ra xanh mướt mát khắp tán cây. Quả bànglớn to bằng đầu ngón tay người lớn, có quả lại to hơn. Khi chưa chín quả bàng màu xanh giống lá nhưng khi chín lại có màu vàng tươi rất đẹp. Hạt bàng ăn rất ngậy, lũ học sinh chúng em hay hái quả bàng xuống hay nhặt những quả bàng rụng rồi tìm cách lấy nhân bên trong ra ăn. Ai chưa ăn hạt bàng thì vẫn chưa cảm nhận hết được cái mùi vị của tuổi học trò.

 

Cây bàng cứ đứng trên sân trường che mát cho các bạn học sinh. Em mong cây bàng sống lâu để em được nhìn thấy hình ảnh cây bàng cùng em đi nốt quãng đời là học sinh.

Tả về cây bàng trên sân trường em

Tả về cây bàng − Bài làm 2

Cây bàng là loài cây trồng ở khắp mọi nơi. Nhưng em thấy cây bàng trồng ở sân trường em là đẹp nhất, nó gắn liền với em biết bao nhiêu kỉ niệm của tuổi học trò.

Cây bàng được trồng ngay trước cửa sân trường em. Ngày nào đi học, bước vào cổng trường hình ảnh đầu tiên em nhìn thấy là cây bàng đung đưa trước gió như vẫy chào chúng em vào lớp. Cây bàng sống từ khi em học lớp Một đến giờ. Bây giờ em đã học lên lớp 5, cây bàng đã cao lớn đến như vậy. Cây bàng cao tầm bốn mét. Thân cây to bằng bắp chân người lớn. Vỏ cây màu nâu xám, có chỗ nhẵn, có chỗ lại sần sùi lên. Rễ cây bàng cắm xuống đất, một vài cái rễ con nổi lên trên mặt đất trông như những con giun đang bò lổm ngổm. Tán bàng rộng, tỏa thành nhiều tầng, trông cây bàng từ xa như một chiếc ô xanh biết múa. Khi có gió thổi, cây bàng lay động, thi thoảng lại làm rơi một vài cái lá vàng xuống đất. Lá bàngto lắm nên chúng em hay lấy lá bàng làm quạt. Lá bàng màu xanh tươi nhìn rất mát. Nhưng khi lá bàng già nó dần chuyển sang vàng rồi sang đỏ. Gặp gió, nó sẽ rơi ngay xuống đất. Bàng là một loài cây bóng mát nhưng nó cũng vẫn ra quả, quả bàng cũng có thể ăn được nhưng ít người ăn. Qủa bàng to khoảng bằng ngón tay cái của người lớn. Bàng chín có màu vàng, lấy hạt ăn có vị ngậy ngậy trong miệng. Chẳng có đứa học trò nào mà lại chưa thưởng thức cái vị đặc biệt của hạt bàng. Vào những hôm trời nóng, chúng em hay ra gốc bàng ngồi hóng mát. Một số bạn thì hay chơi nhảy dây bên gốc bàng. Thỉnh thoảng lại lấy quả bàng ném chêu chọc nhau rồi cứ thế vô tư cười đến vỡ bụng. Gốc bàng đúng là nơi ghi dấu biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi học trò mà chẳng ai có thể quên ngay được.

 

Cây bàng chỉ là một loài cây mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nhưng cây bàng lại là loài cây chứa đựng biết bao hoài niệm của rất nhiều lứa học trò nơi mái trường này. Sau này không còn học ở nơi này nữa nhưng em sẽ nhớ về cây bàng thân quen cùng các bạn học sinh yêu dấu.

Vũ Thị Sinh