Soạn bài: “Thương vợ” (Tú Xương) – văn lớp 11
Bài làm
Câu 1: Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh bà Tú qua bốn câu thơ đầu ? Chú ý những từ ngữ có giá trị tạo hình, hình ảnh con cò trong ca dao được tác giả vận dụng một cách sáng tạo như thế nào ?
Gợi ý trả lời:
– Bà Tú ở đây là vợ của Tú Xương. Bốn câu thơ đầu là hình ảnh bà Tú qua nỗi lòng thương vợ của nhà thơ. Tình thương vợ sâu nặng của nhà thơ thể hiện qua những từ ngữ và hình ảnh có giá trị tạo hình biểu trưng, biểu cảm cao, bộc lộ sự thấu hiểu của tác giả về nỗi vất vả gian lao cũng như những đức tính cao đẹp của vợ mình.
– Câu thơ đầu mở ra một hoàn cảnh không có gì đặc biệt trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày là hoàn cảnh làm ăn buôn bán của bà Tú. Câu thơ là lời giới thiệu nhưng cũng đồng thời gợi ra hình ảnh lam lũ, tần tảo, tất bật ngược xuôi buôn bán quanh năm suốt tháng của bà Tú: “Quanh năm buôn bán ở mom sông”. Câu thơ có hai trạng từ, một chỉ thời gian và một chỉ địa điểm, là hai từ “quanh năm” và “mom sông”. Một từ chỉ thời gian, một từ chỉ không gian hoạt động của nhân vật. Từ cách thức miêu tả chân thực mà giản dị ấy, nhà thơ đã tái hiện lại, nêu bật toàn bộ hoàn cảnh cũng như công việc lam lũ của người vợ thảo hiền. Trong thời buổi khốn khó, bà Tú buôn gạo để nuôi chồng, nuôi con. Công việc ấy diễn ra “quanh năm” nghĩa là không trừ một ngày nào dù ngày mưa hay ngày nắng. “Quanh năm” còn là từ năm này tiếp qua năm khác đến rã rời, đến chóng mặt chẳng có chút nghỉ ngơi. Thời gian đằng đẵng kết hợp với cái nơi làm việc là một doi đất nhô ra ngoài sông ấy, hình ảnh mom sông đủ gợi ra cái gian nan, chênh vênh, chơi vơi của công việc và của cả số phận người phụ nữ nữa.
– Hai câu thơ tiếp theo gợi tả cụ thể hơn cuộc sống tảo tần gắn với việc buôn bán ngược xuôi của bà Tú. Câu thơ cho thấy nhãn quan sắc sảo, tinh tế và khả năng vận dụng ca dao một cách sáng tạo của Tú Xương. Thấm thìa nỗi vất vả, gian lao cùa vợ, nhà thơ đã mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà Tú: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng, / Eo sèo mặt nước buổi đò đông”. Hai câu thơ gợi lại hình ảnh trong câu ca dao về cánh cò gánh gạo đưa chồng trong kho tàng văn học dân gian xưa:
“Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.”
Tuy nhiên, hình ảnh con cò trong ca dao chỉ xuất hiện giữa cái rợn ngợp của không gian còn hình ảnh con cò trong thơ của Tú Xương còn lặn lội trong cả cái đằng đẵng của thời gian. Cụm từ “khi quãng vắng” đã nói lên được cả cái rợn ngợp của thời gian và không gian. Khung cảnh hiện lên càng trở nên heo hút, vắng lặng và chứa đầy những lo âu, nguy hiểm. Nhà thơ lại dùng phép đảo ngữ đưa từ “lặn lội” lên đầu câu và dùng từ “thân cò” thay cho từ “con cò” càng làm tăng thêm cảm nhận về nỗi vất vả gian truân của bà Tú. Không những thế, từ “thân cò” còn gợi nỗi ngậm ngùi về thân phận người phụ nữ cũng là sự trân trọng cho thân phận con người khác với hình ảnh con cò là loài vật tượng trưng trong ca dao. Lời thơ, vì thế, mà cũng sâu sắc hơn, thấm thìa hơn.
– Nếu câu thơ thứ hai và câu thơ ba gợi nỗi vất vả, đơn chiếc của người vợ thì câu thứ tư lại làm rõ sự vất vả khi phải vật lộn với cuộc sống đầy gian nan, vừa nuôi chồng vừa nuôi con của bà Tú: “Eo sèo mặt nước buổi đò đông”. Ngay đầu câu thơ là một tính từ và cũng là từ láy tượng thanh “eo sèo”. Câu thơ gợi tả cảnh chen chúc, bươn bả trên sông nước của những người làm nghề buôn bán nhỏ. Sự cạnh tranh tạo nên những âm thanh đậm chất chợ búa. Câu thơ gợi lên sinh động đầy đủ một buổi họp chợ có đủ những lời phàn nàn, cáu gắt, có cả những sự chcn lấn, xô đẩy hàm chứa đầy bất trắc, hiểm nguy. Hơn thế nữa, “buổi đò đông” còn hàm chứa nỗi lo âu về một buổi chiều buôn bán tấp nập nhưng không biết kết quả lại lắm tranh đua. Hai câu thơ cuối còn tạo thành cặp câu đối nhau, nhất là ở hai cụm từ “khi quãng vắng” với “buổi đò đông” khiến cho sự miêu tả nỗi vất vả của bà Tú càng thêm nổi bật. Bốn câu thơ đầu thực tả cảnh công việc và thân phận của bà Tú cũng đồng thời cho ta thấy tấm lòng xót thương da diết của Tú Xương đối với người vợ đầu gối tay ấp của mình.
Câu 2: Phân tích những câu thơ nói lên đức tính cao đẹp của bà Tú.
Gợi ý trả lời:
– Nối tiếp sau những câu thơ miêu tả cuộc sống gian truân là những câu thơ ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất, vẻ đẹp đạo đức của bà Tú. Vẻ đẹp ấy trước hết được cảm nhận ở sự đảm đang, tháo vát, chu toàn với chồng con: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Trước tiên, ta có thể thấy bà là người phụ nữ đã thực hiện đúng bổn phận của mình là sinh con cho chồng, hơn nữa lại nuôi chồng chăm con rất chu đáo. Câu thơ đọc lên đã thấy cái gánh nặng gia đình cứ như đang đè xuống đôi vai của người đang đóng thế vai của người “chủ gia đình”. Mỗi chữ trong câu thơ chất chứa bao tình ý. Từ “đủ” trong “nuôi đủ” vừa nói số lượng, vừa nói chất lượng. Trong câu thơ chia làm hai vế thì vế bên này là “một chồng” lại cân xứng với tất cả gánh nặng với vế bên kia “năm con”. Câu thơ là một sự thật, bởi nuôi ông Tú đâu chỉ cơm hai bữa mà còn tiền chè, tiền rượu,… Tú Xương ý thức rõ lắm nỗi lo của vợ và cả sự khiếm khuyết của mình nữa. Câu thơ nén lại một nỗi xót xa, cay đắng và cảm thông đối với người phụ nữ đã vất vả chốn thương trường lại thêm cực nhọc trong gia đình.
– Ở bà Tú, sự đảm đang tháo vát đi liền với đức hi sinh. Như đã phân tích ở trên, cái đức hi sinh vì chồng vì con của bà Tú trước hết thể hiện ở việc bất chấp gian khó, chạy vạy bán buôn để nuôi đủ gia đình. Nếu chỉ có thế thôi thì cũng đủ để nhà thơ cảm thương và trân trọng lắm rồi. Song dường như những lời thơ miêu tả còn chưa đủ, Tú Xương còn bình luận tiếp: “Năm nắng mười mưa dám quản công”. Thành ngữ “năm nắng mười mưa” vốn đã hàm nghĩa chỉ sự gian lao, vất vả nay được dùng trong trường hợp của bà Tú nó còn thể hiện được nổi bật đức tính chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú nữa.
Câu 3: Lời “chửi” trong hai câu thơ cuối là lời của ai và nó có ý nghĩa gì ?
Gợi ý trả lời:
Câu thơ cuối bài là lời của Tú Xương như muốn thay vợ chửi rủa ông chồng bội bạc nhưng cũng là lời tự phán xét, tự lên án bản thân nhà thơ:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.”
Hai câu kết chỉ ra hai nguyên nhân gây nên nỗi khổ của vợ ông chính là bản thân ông và cuộc đời. Đời đen bạc, chồng hờ hững. Hận đời, giận mình chính là đính điểm của tình thương, là cao trào của cay đắng khổ tâm. Câu thơ thực sự là tiếng chửi đời. Đời bạc bẽo đối với bà Tú mới đẩy bà tới nỗi khổ hôm nay nhưng kẻ đáng trách nhất là người chồng cũng bạc bẽo với vợ, để vợ khổ cực nhiều quá. Tú Xương trách đời bạc đã đày ải người vợ hiền và đời bạc đã biến mình thành ông chồng vô tích sự, ông chồng bạc. Câu thơ là tiếng chửi đời căm phẫn, gay gắt nhưng sắc thái xỉ vả bản thân còn thậm tệ hơn nữa. Lời chửi ẩn sâu từ trong tâm khảm sự thương yêu và có cả những ngậm ngùi, chua xót cho số phận của người vợ hiền thảo không được hưởng cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Câu 4: Nỗi lòng thương vợ của nhà thơ được thể hiện như thế nào ? Qua bài thơ, anh (chị) có nhận xét gì về tâm sự và vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương ?
Gợi ý trả lời:
– Nỗi lòng thương vợ của nhà thơ được thể hiện qua việc nhà thơ đã dựng lên hai bức chân dung: bức chân dung hiện thực của bà Tú và bức chân dung tinh thần của Tú Xương. Trong những bài thơ viết về vợ của Tú Xương, dường như bao giờ người ta cũng gặp hai hình ảnh song hành: bà Tú hiện lên phía trước và ông Tú khuất lấp ở phía sau. Ở bài thơ “Thương vợ” cũng vậy, ông Tú không xuất hiện trực tiếp nhưng vẫn hiển hiện trong từng câu thơ. Đằng sau cốt cách khôi hài, trào phúng là cả một tấm lòng, không chỉ là thương mà còn là biết ơn đối với người vợ nữa. Yêu thương, quý trọng, tri ân với vợ, đó là những điều làm nên nhân cách của Tú Xương. Ông Tú không dựa vào duyên số để trút bỏ trách nhiệmỀ Bà Tú lấy ông Tú là do “duyên” nhưng “duyên” một mà “nợ” hai. Tú Xương tự coi mình là cái nợ đời mà bà Tú phải gánh chịu. Vậy là thiệt thòi cho bà Tú. Duyên ít mà nợ nhiều. Có lẽ cũng chính bởi điều đó mà ở trong câu thơ cuối, Tú Xương đã tự rủa mát mình: “Có chồng hờ hững cũng như không”.
– Dù mang xuất thân là một nhà Nho nhưng Tú Xương không nhìn nhận theo những quan điểm của nhà nho: đó là quan điểm “trọng nam khinh nữ”, “xuất giá tòng phu” (lấy chồng theo chồng), “phu xướng, phụ tuỳ” (chồng nói vợ theo) mà lại rất công bằng khi nhìn nhận về cách đối xử với vợ của mình. Tú Xương dám nhìn trực diện vào bản thân, đối diện với cuộc đời, dám nhìn nhận ra những khuyết thiếu của minh để mà day dứt, chua xót cho vợ và căm phẫn chính mình. Một con người như thế là một người có nhân cách cao đẹp, giàu tình thương.