Đề bài: Soạn Bài Đi Đường (Tẩu Lộ) Lớp 8 Của Hồ Chí Minh
Bài làm
Câu 1: Học sinh đọc hiểu phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ
Câu 2: Bài thơ Đi đường được Bác viết dựa vào mô hình của một bài thơ tứ tuyệt Đường luật, gồm 4 phần:
– Câu 1: Khai (Mở đầu, khai triển ý): Nỗi gian khổ của người đi đường
– Câu 2: Thừa (Phát triển, nâng cao ý của câu khai): Nói rõ đi đường khó như thế nào.
– Câu 3: Chuyển (Chuyển ý): Mọi gian lao đều kết thúc, người đi đường lên tới đỉnh cao chót vót.
– Câu 4: Hợp (quy tụ cảm hứng chủ đạo của toàn bài): Niềm vui sướng của con người khi vượt qua được mọi gian khó, lên đến đỉnh núi cao.
Câu 2: Bài thơ sử dụng rất nhiều điệp ngữ (“Tẩu lộ”, “trùng san“) tạo cho bài thơ có sự nhịp nhàng, uyển chuyển, vẽ ra sự gian nan, trập trùng của đường đi. Hết lớp núi này chồng chất lên lớp núi khác, trùng trùng điệp điệp như không thể đi hết được, đi qua được. Những lớp núi chồng chất đó cũng chính là những khó khăn, gian khổ mà con người phải vượt qua trong cuộc đời.
Câu 3:
– Câu thơ thứ hai: “Trùng san chi ngoại hựu trùng san” sử dụng biện pháp điệp ngữ trùng san (lớp núi) và chữ hựu (lại) như mở ra trước mắt chúng ta cả một con đường gập ghềnh những núi, hết lớp núi này đến lớp núi khác. Nhấn mạnh sự trải dài như vô tận, không dứt hết dãy này đến dãy khác. Con đường đó như đối lập với sức người, vắt cạn sức lực của con người.
– Đi đường gian nan là vậy, thế nên khi vượt qua được hàng hàng, lớp lớp trùng san ấy, để được đứng trên cao ngắm cảnh, thì niềm vui sướng quả thật vô cùng lớn lao: “Vạn lí dư đồ cố miện gian”. Câu thơ diễn tả niềm vui sướng đặc biệt, bất ngờ. Được đứng trên đỉnh núi cao chót vót, dường như “muôn trùng nước non” đều thu vào tầm mắt của người đi đường, đây là phần thưởng quý giá đối với con người đã vượt qua bao dãy núi vô vàn gian lao. Nhân vật trữ tình dường như đang say sưa tận hưởng, say sưa ngắm nhìn phong cảnh hữu tình. Đó không phải là niềm vui khi được ngắm cảnh, mà còn là niềm hạnh phúc, niềm tự hào khi vượt qua được bao núi cao vất vả mà không hề nản chí.
Câu thơ thứ hai và câu thơ thứ 4 ngoài ngụ ý miêu tả đi đường gặp bao nhiêu núi cao và vượt qua được các dãy núi cao đó con người có thể lên tới đỉnh chót vót để ngắm nhìn trời đất thì còn có ngụ ý nói về con đường cách mạng. Con đường này gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn như hàng lớp lớp núi, nhưng khi kiên trì vượt qua được những gian khó này, thì sẽ đạt đến niềm hạnh phúc vô bờ bến của chiến thắng, của tự do, độc lập.
Câu 5: Đi đường là một bài thơ miêu tả, kế chuyện cảnh đi đường. Nhưng bài thơ đã mở rộng nội dung ý nghĩa ra ngoài phạm vi câu chữ: đường đời còn có nhiều gian khổ và con người vượt qua được sẽ giành chiến thắng. Ý thơ lay tỉnh người đọc nhớ đến lời người xưa “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Vượt qua sự e ngại đó sẽ đạt được đích thắng lợi.