Tìm Kiếm

Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo qua hình tượng Chí Phèo của Nam Cao

Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo qua hình tượng Chí Phèo của Nam Cao

Bài làm

Nam Cao là một nhà văn lớn trong thi đàn văn học Việt Nam. Ông chủ yếu viết về mảng đề tài người nông dân Việt Nam trước cách mạng. Nhà văn Nam Cao đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị xuất sắc.  Các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị hiện thực mà còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Truyện Chí Phèo của Nam Cao cũng là một tác phẩm viết về đề tài sự tha hóa của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, tiêu biểu là hình tượng Chí Phèo. Hình tượng nhân vật Chí Phèo mang cả giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

Chí Phèo là một người nông dân hiền lành chất phác. Cuộc đời của Chí gặp nhiều bất hạnh. Từ nhỏ, Chí đã bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ, được một người đi thả ống lươn nhặt được, sau đó được chuyền tay cho người trong làng nuôi. Lớn lên, Chí đi làm canh điền cho nhà Lí Kiến, là người hiền lành, chăm chỉ nên Chí được mọi người yêu quý. Chí cũng có ước mơ, ước mơ một cuộc sống bình dị, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ con lợn để nuôi, khá giả hơn thì mua dăm ba sào ruộng cấy. Ước mơ nhỏ bé ấy, cho chúng ta thấy Chí là một anh canh điền hiền hậu, chất phác. Chí cũng có lòng tự trọng của mình, khi bị bà ba vợ bé của ông Bá Kiến bắt vào bóp chân cho mình, Chí phèo cảm thấy nhục nhã và sợ hãi. Chí nhận thức được đâu mới là tình yêu chân chính, đâu là thói dâm ô và Chí lúc này chỉ cảm thấy nhục nhã chứ đâu hề yêu đương gì. Qua đó, ta thấy được ban đầu Chí Phèo là một người đôn hậu, giàu lòng tự trọng, nhưng xã hội ấy lại không để cho Chí được yên ổn.

 

Sau khi bị Bá Kiến bắt bỏ tù vì tưởng Chí có gian tình với bà ba. Chí Phèo đã bị nhà tù phong kiến biến thành một con người khác hẳn. Từ một anh canh điền, hiền lành, đôn hậu, sau khi ra tù Chí đã bị mất hết cả nhân hình lẫn nhân tính. Trở thành côn quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí về làng trong bộ dạng gớm chết. Trông đặc như thằng săn đá. Cái đầu cạo trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng. Chí mặc một chiếc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Nhà văn Nam Cao đã dùng ngòi bút của mình làm nổi bật sự thay đổi về ngoại hình, diện mạo của Chí sau khi ra tù. Không chỉ nhân hình thay đổi, nhân tính của Chí Phèo cũng đổi thay kể từ khi ra tù, từ một anh canh điền hiền lành chất phác, giờ Chí thành tay sai cho Bá Kiến, chuyên làm nghề rạch mặt ăn vạ. Nam Cao đã cho chúng ta thấy sự tàn phá ghê gớm của nhà tù phong kiến đã hủy hoại những con người lương thiện thành những con quỷ dữ.

Chí Phèo trở về, hắn trong bộ dạng say sỉn vừa đi vừa chửi, hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, hắn lại cha đứa nào không chửi nhau với hắn, nhưng cũng không ai thèm bận tâm đến tiếng chửi của Chí vì họ nghĩ “chắc nó trừ mình ra”, sau đó hắn lại chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra hắn để cho hắn khổ như vậy. Thông qua tiếng chửi, chúng ta có thể thấy ẩn sâu trong đó là sự khao khát được giao tiếp với mọi người của Chí, Chí muốn làm hòa với mọi người nhưng không được xã hội đón nhận. Chí Phèo chính là một sản phẩm của xã hội phong kiến, một con người bị chèn ép bị đẩy đến bước đường cùng không lối thoát.

 

Bi kịch cuộc đời Chí được đẩy lên cao trào khi Chí bị xã hội chối bỏ quyền làm người. Sau một đêm say sỉn, Chí và Thị nở đã bên nhau ở ngoài bụi chuối. Buổi sáng hôm sau, khi nói chuyện với Thị nở, nhận bát cháo hành mà thị mang cho Chí, phần lương thiện còn xót lại trong Chí được trỗi dậy. Chí khao khát được quay trở lại làm người lương thiện, Chí muốn sống cuộc sống bình dị như trước kia Chí mong ước, không muốn mãi làm con quỷ dữ của làng Vũ Đại nữa. Thế nhưng, cuộc tình giữa Chí Phèo và Thị nở đã bị bà cô Thị nở cấm đoán. Bà cô Thị nở như đại diện cho cái xã hội ấy chối bỏ quyền làm người của Chí. Chính vì vậy, Chí vô cùng đau khổ và rơi vào tuyệt vọng.

Chí nhận ra người thực sự đẩy hắn đến ngày hôm nay, chính là Bá Kiến, Chí đã xách dao đến nhà Bá Kiến đâm chết Bá kiến sau đó cũng tự kết liễu luôn đời mình.

Nhà văn Nam Cao đã cho chúng ta thấy rõ được cái hiện thực của con người nông dân trước cách mạng, họ bị tha hóa, bị chèn ép không lối thoát, sự tàn nhẫn độc ác của chế độ phong kiến. Đoạn cuối tác phẩm là hình ảnh Chí giết Bá Kiến, cũng chính là sự vùng lên đấu tranh của người nông dân khi bị đẩy vào bước đường cùng. Giá trị nhân đạo qua hình tượng Chí Phèo cũng được thể hiện một cách thành công, Chí đại diện cho những người đi tìm lương thiện Nam Cao đã dùng ngòi bút của mình để khắc họa chân dung Chí dù bị tha hóa như vậy, nhưng bên trong Chí vẫn còn chút lương thiện còn sót lại.

 

Hình tượng Chí Phèo trong tác phẩm đã được nhà văn thể hiện một cách rất thành công. Qua hình tượng nhân vật này mà giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong tác phẩm cũng được thể hiện một cách rõ nét.