Đề thi HSG: Bàn về trách nhiệm của người viết và đặc điểm của ngôn từ
Hướng dẫn
Mục Lục
- 1 Bàn về ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, nhà thơ Nga, Maiacốpxki có viết:
- 2 Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ
- 3 Mới thu về một chữ mà thôi
- 4 Nhưng chữ ấy làm cho rung động
- 5 Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.
- 6 Anh/chị hiểu gì về ý kiến trên? Hãy phân tích một vài dẫn chứng để làm sáng tỏ nhận định trên.
Bàn về ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, nhà thơ Nga, Maiacốpxki có viết:
Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Nhưng chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.
Anh/chị hiểu gì về ý kiến trên? Hãy phân tích một vài dẫn chứng để làm sáng tỏ nhận định trên.
BÀI LÀM THAM KHẢO
Có người nhận định: “Thơ bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ”. Thơ ca nói riêng cũng như văn chương nói chung đều bắt nguồn từ cuộc đời và được xây dựng bằng vật liệu ngôn từ. Người nghệ sĩ phải dùng bàn tay tài hoa và lăng kính nghệ thuật để biến ngôn ngữ đời sống thành ngôn ngữ văn học. Bàn về trách nhiệm của người viết và đặc điểm của ngôn từ, Maiacôpxki đã cho rằng:
Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Nhưng chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.
“Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ” (M. Gorki). Công cụ chủ yếu đó cùng với các hiện tượng, các sự kiện cuộc sống, là chất liệu của văn học. Nếu ngôn ngữ của đời sống được xem là nguyên liệu để sáng tác thì ngôn ngữ của văn học lại là sản phẩm hoàn chỉnh, được sáng tạo qua bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ tài hoa. Đó là một quá trình lao động đầy nghệ thuật, đầy sáng tạo, nhưng cũng rất vất vả:
Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi.
Ở hai câu đầu tiên, Maiacôpxki muốn hướng đến trách nhiệm, nghĩa vụ nặng nề của người cầm bút. Viết sao cho hay, cho đúng, cho trúng luôn là phương châm sáng tạo của người viết. Trách nhiệm của các văn nghệ sĩ trước thời đại và cuộc sống là phải thấu hiểu con người. Khi xưa, đại thi hào Nguyễn Du viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nhà thơ Xuân Diệu lại viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”, và trong những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm văn học nghệ thuật đã chứng tỏ rõ vai trò và sức mạnh của mình, khi:
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền.
(Là thi sĩ – Sóng Hồng)
Ngòi bút bấy giờ đã tạo bước ngoặt lịch sử, góp phần đem lại tự do cho dân tộc. Để làm được điều đó, nhà văn phải sống sâu, sống lâu, trở thành những người thợ lặn trong bể cuộc sống, tìm kiếm những gì còn bị che giấu, bị khuất lấp của con người, đem ra phơi bày trước ánh sáng. Phải có sự rung động mãnh liệt, phải có nỗi đau đời, đau người, đau trước sự đổi thay của thời thế, người ta mới có thể viết nên những vần thơ, những câu văn khiến hàng triệu trái tim xúc động.
Có ai đó đã nói rằng: “Văn chương trước hết phải là văn chương”. Nếu chỉ sống sâu, sống tốt thì nhà văn sẽ không được gọi là nhà văn, tác phẩm sẽ không được coi là tác phẩm văn học. Bên cạnh việc hòa mình vào thời đại và bắt kịp nhịp thở của cuộc sống, văn học đòi hỏi người viết phải có tài năng nghệ thuật. Nhà văn không thể bê nguyên si cuộc đời vào trong trang viết mà phải biến trang viết thành cuộc đời bằng chính khả năng và sự trải nghiệm của mình. Bởi vậy, ngôn ngữ văn học không thể là kết quả của quá trình sáng tác hời hợt, nông cạn mà phải là kết tinh của sự sáng tạo, chắt lọc, trau chuốt, tỉ mỉ. Nói như Nguyễn Tuân: “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo. Không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì vãn sẽ hay… Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy, nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng thì chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp”. Trong lao động nghệ thuật, việc lựa chọn từ ngữ đòi hỏi người nghệ sĩ tốn rất nhiều công sức để tìm cho ra được những từ ngữ có khả năng biểu đạt cao nhất ý muốn diễn tả. Ngôn ngữ văn học phải chính xác và tinh luyện, tạo nên hình tượng trong tác phẩm. Chính vì thế, nó không trừu tượng mà có tính chất cảm tính cụ thể, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc thông qua việc biểu đạt suy nghĩ tính cách nhân vật hay thái độ và quan niệm của tác giả.
Thơ văn là toàn bộ nghệ thuật, bao gồm cả nghệ thuật kiến trúc. Nói tới kiến trúc là nói tới tính lập thể, sự cân đối, hài hòa. Nghệ thuật kiến trúc có một ảnh hưởng quan trọng tới văn chương. Mỗi một tác phẩm văn chương đều có một kiến trúc riêng của nó. Nó giống như một ngôi nhà mà người nghệ sĩ phải là một kiến trúc sư có tài để thiết kế nên kiến trúc của ngôi nhà. Đó chính là bố cục, kết cấu của tác phẩm. Mỗi tác phẩm phải là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất toàn vẹn, với bố cục kết cấu rành mạch, với hệ thống ý tứ, ngôn từ có tổ chức cao, giữa các phần luôn phải có sự liên kết chặt chẽ, thể hiện được sự hài hòa, cân đối. Tùy theo các thể loại văn học, nghệ thuật kiến trúc có ảnh hưởng khác nhau. Đối với thơ ca, người ta chú ý nhiều đến mối liên hệ giữa các đoạn, các khổ thể hiện những cung bậc trạng thái cảm xúc khác nhau. Với truyện ngắn, cái quan trọng là giữa các đoạn các phần, các mốc trong cuộc đời nhân vật phải có sự nhất quán cao độ. Với tác phẩm kịch, người ta tổ chức nó theo các màn, các lớp… Chính hệ thống ý và ngôn ngữ, có tính hệ thống cao đã tạo ra một kết cấu hoàn chỉnh và cân đối, đem lại khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Như vậy không thể phủ nhận tác dụng to lớn của nghệ thật kiến trúc đối với văn chương.
“Trong văn chương, chữ phải đứng trên trang giấy chứ không được nằm đơ trên trang giấy” (Nguyễn Tuân). Ngôn từ không phải chỉ để diễn đạt một hành động, sự việc đang được nói đến, mà còn nói thêm nhiều điều sắp xảy ra. Có khi, ngôn từ là một lá thư, một lời nhắn nhủ, một lời tâm sự của tác giả về đời, về người, về thời đại. Mặt khác, ngôn từ còn thể hiện phong cách hành văn, phong cách nghệ thuật của người viết, hay còn thể hiện khả năng sáng tạo của người cầm bút. Đến với đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, người đọc không chỉ thấy được bản chất của một tên vô học, một kẻ buôn người mà còn thấy được cách sử dụng ngôn từ tài tình của bậc thầy về ngôn từ:
Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh
Hỏi tên rằng: “Mã Giám Sinh’*
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nhiều người cho rằng, Nguyễn Du sử dụng từ ngữ rất đắt. Đắt vì nhiều khi chỉ một chữ thôi đã có thể lột tả được bản chất bên trong của con người. Đó là trường hợp câu thơ: “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” mà nhà thơ dùng để khắc họa nhân vật Mã Giám Sinh lúc đến hỏi Kiều về làm vợ. Một kẻ đã ngoài tứ tuần mà “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” thì thật nực cười và kì cục đến không thể chấp nhận được. Bởi “nhẵn nhụi” là từ ngữ người ta thường dùng để chỉ độ trơn, bóng, láng của đồ vật, chứ không phải dùng để chỉ tính chất trang nhã, lịch sự của con người. Còn từ “bảnh bao” thường dùng để khen trẻ em có quần áo đẹp lại dùng cho Mã Giám Sinh thì lại có ý chế giễu, mỉa mai. Một kẻ đã nhiều tuổi nhưng lại cố ý tô vẽ, tỉa tót thì lại trở nên kệch cỡm, giả tạo và có phần trai lơ, đàng điếm.
Đặc sắc nhất vẫn là cách dùng từ trong câu: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” – một cử chỉ vội vàng, khiếm nhã khiến Nguyễn Du phải hạ ngay một từ “sỗ sàng”. Cử chỉ ấy không phù hợp với một người đi hỏi vợ và lại càng không đúng với phẩm cách văn hoá của một Giám Sinh. Nó quá bất ngờ so với sự chờ đợi của người đọc, quá phi lí so với vai trò của một sinh viên trường Quốc Tử Giám. Cử chỉ này là tín hiệu đầu tiên để bước đầu khẳng định bản chất của Mã Giám Sinh. Tự định vị một cách vô lễ, trịch thượng, chướng mắt trên chiếc ghế của người bề trên (những bậc cao niên); từ “tót” đã bộc lộ rõ bản chất của gã là một tên lừa bịp, một kẻ vô học, một tên buôn thịt bán người, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc. Chỉ một từ ấy thôi, Nguyễn Du đã khiến người đọc nhớ mãi tên Mã Giám Sinh, tuy không “làm cho rung động”, nhưng cũng làm cho “triệu trái tim” châm biếm, mỉa mai “trong hàng triệu năm dài”.
“Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng“ (Charles Dubos). Ánh sáng là những gì tốt đẹp nhất, soi rọi tâm hồn con người và thay đổi nó. Với Tố Hữu, ánh sáng chính là lí tưởng cách mạng – ánh sáng đã giúp ông tìm ra lối đi cho mình:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
(Từ ấy)
Khổ đầu tiên ca ngợi lí tưởng và nói lên tình yêu với lí tưởng cách mạng. Tác giả khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng tỉnh, bừng sáng tâm hồn và trí tuệ nhà thơ. “Bừng” – ánh sáng phát ra đột ngột, ánh sáng của ngày hè đầy nồng nàn và rạng rỡ. Hình ảnh: “Mặt trời chân lí chói qua tim” là một hình ảnh độc đáo, bất ngờ, táo bạo, giàu ý nghĩa thẩm mĩ mà rất chính xác, gợi cảm. Mặt trời là nguồn sáng rực rỡ, chói chang và duy nhất đem lại sự sống cho muôn loài. Hình ảnh “mặt trời chân lí” đi liền với nhóm từ “chói qua tim” đã diễn tả được niềm vui rất đỗi thiêng liêng, có cái gì đó gần như là “choáng váng” (chữ dùng của Hoài Thanh) và sức xuyên thấu kì diệu, mạnh mẽ của lí tưởng Đảng đối với tình cảm, nhận thức của người chiến sĩ. Hai động từ mạnh “bừng” và “chói” gây ấn tượng đến thị giác độc giả. Nghe có gì đó đến rất đột ngột, nhưng cũng đến rất phô trương, rất mãnh liệt khiến người ta không thể kháng cự. Như một sức mạnh vô hình đang lao đến, Tố Hữu khiến lí tưởng cách mạng trở nên to lớn, mang tầm vóc vĩ đại, đương bừng sáng chói chang.
Trong khi đó, Nguyễn Duy lại xem ánh sáng của vầng trăng – tức ánh trăng, là người bạn tri kỉ, nghĩa tình, cũng vừa là một quan tòa phê phán, lên án sự bội bạc của nhân vật trữ tình:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(Ánh trăng)
Ánh trăng trước sau vẫn vậy, dân dã, mộc mạc, bình dị và thủy chung. Trăng lặng lẽ tròn một cách trong sáng vô tư, mặc cho thời gian trôi, không gian biến đổi, mặc cho bạn bè xưa ai đó quay lưng. Nhưng đó là chất thử, chất xúc tác, khơi gợi niềm xúc động, tạo sự sám hối, đánh thức lương tâm ở con người. Cái giật mình được diễn tả trong đoạn thơ thể hiện sự bừng tỉnh đáng quý, cần có để làm người, lại vừa là từ rất đắt, cô đọng suốt cả bài thơ. Giật mình vì nhận ra trước đây mình đã quá vô tình, giật mình vì nhận ra trăng vẫn im lặng và bao dung như thế, giật mình vì ăn năn hối hận đã quên nghĩa thủy chung. Giờ đây, con người đã tìm được con đường trở về với chính con người mình trước đây, đã tìm lại được những tháng ngày tình nghĩa đã vô tình quên lãng.
Qua ba bài Truyện Kiều, Từ ấy và Ánh trăng, ta thấy được giá trị của từ “đắt” trong bài thơ, đồng thời cảm nhận được sức lay động và rung động mãnh liệt, quảng đại của ngôn từ.
“Làm thơ là cân một phần nghìn miligram quặng chữ” (Maiacôpxki). Công việc sáng tác là một quá trình gian khổ, vất vả nhưng cũng rất đáng quý. Bởi: “Nhà văn là người cho máu” (Enxa Triobe), “nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại” (Banzắc) và là người thay đổi thời đại, hướng con người đến những giá trị chân – thiện – mĩ.
Thơ văn là sự tổng hòa của các ngành nghệ thuật, đó là sự kết hợp hài hòa của các ngành nghệ thuật trong việc tái hiện thế giới và con người. Sự giao thoa, kết hợp ấy tạo ra sự phong phú, đa dạng cho nghệ thuật biểu hiện của văn chương, có khả năng tác động mạnh mẽ đến các giác quan, tư tưởng, tình cảm của bạn đọc. Mặc khác, nó lí giải việc một số bài thơ được phổ nhạc thành lời hát, có những kịch bản phim chuyển thể từ tác phẩm văn chương. Đó là mối quan hệ qua lại giữa văn chương và các ngành nghệ thuật khác nhằm phục vụ hiệu quả hơn nữa cho cuộc sống và con người.
Nhưng thơ văn cũng có những đặc trưng riêng biệt. Văn chương lấy chất liệu từ ngôn từ, ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ đã được chọn lọc mang tính thẩm mĩ cao. Bằng ý nghĩa, khả năng gợi hình, gợi thanh, ngôn ngữ tạo ra hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hình khối… một cách gián tiếp, từ đó tạo ra chất nhạc, chất họa… trong văn khiến trang văn trở nên đẹp đẽ và sống động.
Một tác phẩm nghệ thuật đích thực phải là một chiếc vỏ ốc nhỏ bé mong manh song lấp lánh sắc màu và từ đó ngân lên những tiếng thì thầm của đại dương sâu thẳm, ngân lên những khúc ca về cuộc sống, tình yêu và khát vọng muôn đời.
Hoàng Kim Linh
Lớp 12A3 – THPT Vũng Tàu – Thành phố Vũng Tàu
Có bổ sung và sửa chữa.
Theo Sachvanmau.com