Đề thi học sinh giỏi về bài Vội vàng và Hạnh phúc của một tang gia
Hướng dẫn
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TRÃI HẢI DƯƠNG | ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XI NĂM 2018 MÔN: NGỮ VĂN 11 Thời gian làm bài: 180 phút |
ĐỀ BÀI
Câu 1 (8,0 điểm)
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về những vấn đề được đặt ra trong đoạn thơ sau:
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi.
(Trích Phố ta – Lưu Quang Vũ)
Câu 2 (12,0 điểm)
Bàn về sáng tạo nghệ thuật, nhà phê bình văn học Bêlinxki cho rằng:
Như một hạt giống vô hình, tư tưởng gieo vào tâm hồn nghệ sĩ, và từ mảnh đất màu mỡ ấy nó triển khai và phát triển thành một hình thức xác định, thành các hình tượng tràn đầy vẻ đẹp và sức sống, và cuối cùng, nó là một thế giới hoàn toàn đặc thù, nhất quán.
(Lí luận văn học, Hà Minh Đức, NXB Giáo dục – 1999, trang 115)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua những hình tượng nổi bật trong bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu) và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng), anh/chị hãy làm sáng tỏ vấn đề.
…………..Hết………….
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TRÃI HẢI DƯƠNG | HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ ĐỀ XUẤT THI HSG KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XI NĂM 2018 MÔN: NGỮ VĂN 11 |
YÊU CẦU CHUNG
– Hướng dẫn chấm chỉ mang tính chất định tính, vì vậy giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức độ điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.
YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (8,0 điểm)
Về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Về kiến thức:
Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Nêu vấn đề cần nghị luận | 0,5 |
2 | Giải thích – Con chim sẻ tóc xù: con người trẻ tuổi, mới bước vào đời, tâm hồn ngây thơ, trong trắng, chưa từng trải, chưa va vấp với cuộc đời, nhìn cuộc đời toàn màu hồng. – Bác thợ mộc: con người đã đi qua nhiều thăng trầm, đã từng trải, nhìn cuộc đời thấy nhiều nỗi đắng cay, chua chát. – Cây táo nở hoa, rãnh nước trong veo: cái đẹp bình dị vẫn hiển nhiên tồn tại, cái tốt lành vẫn bên cạnh chúng ta. – Cách dùng lối nói giả định (nếu), dùng câu hỏi tu từ (Tại sao cây táo lại nở hoa?…) nhằm khẳng định mạnh mẽ. – Đoạn thơ thể hiện một quan niệm sống lạc quan của Lưu Quang Vũ. Cuộc đời còn nhiều nỗi buồn nhưng cũng có biết bao vẻ đẹp, bao niềm vui đang tồn tại. Cần giữ một niềm tin trong sáng vào những điều tốt đẹp của cuộc đời. | 2,0 |
3 | Lý giải – Cuộc đời bao giờ cũng chứa đựng những mặt đối lập. Ánh sáng và bóng tối, tốt đẹp và xấu xa, niềm hạnh phúc và nỗi buồn đau…luôn song hành tồn tại. – Có thể có những thời điểm cái ác, cái xấu ngang nhiên lộ diện, thậm chí hoành hành. Nó mang đến nhiều đau đớn, lo âu, hoài nghi cho con người. Nhưng chắc chắn cái đẹp, cái tốt không thể bị hủy diệt chừng nào còn sự sống của con người. Vì đó là điều kiện thiết yếu để duy trì sự sống. – Những điều tốt đẹp ở đời vẫn tồn tại ngay bên cạnh chúng ta: sự sống sinh sôi nảy nở, thiên nhiên trong lành hiền dịu, lòng tốt, tình yêu thương, sự hi sinh của con người… (Dẫn chứng minh hoạ) | 2,0 |
4 | Bàn luận, mở rộng vấn đề – Con người cần có niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc đời, biết yêu cuộc đời và sống lạc quan. – Bảo vệ, nuôi dưỡng cho cái đẹp, cái thiện sinh sôi, nảy nở là một cách làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. – Tuy nhiên, đừng ảo tưởng cho rằng cuộc đời toàn màu hồng. Cần cảm nhận, đánh giá mọi sự việc, hiện tượng bằng cả lí trí lẫn trái tim. – Trước cái ác, cái xấu đừng sợ hãi, đừng yếu hèn thỏa hiệp hay đầu hàng mà cần dũng cảm đối mặt và chiến đấu. – Bài học: + Phải xác định đúng bản chất của cuộc sống và dũng cảm đối mặt với khó khăn, trở ngại. + Biết sống lạc quan, yêu đời, tìm được niềm vui từ những điều bình dị ở xung quanh. (Dẫn chứng minh hoạ) | 3,0 |
5 | Kết thúc vấn đề nghị luận | 0,5 |
Ghi chú: Nếu học sinh có những kiến giải riêng, hợp lí, thuyết phục thì giám khảo vẫn đánh giá, cho điểm (nhưng không vượt quá điểm tối đa của từng phần).
Câu 2 (12,0 điểm)
Về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Ý | NỘI DUNG | ĐIỂM |
1 | Giới thiệu được vấn đề nghị luận | 1,0 |
2 | Giải thích ý kiến | 4,0 |
2.1. Cắt nghĩa ý kiến: – Như một hạt giống vô hình, tư tưởng gieo vào tâm hồn người nghệ sĩ: tư tưởng nghệ thuật là cái có trước, được hoài thai trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nhưng nó lại là thứ vô hình, khó có thể cảm nhận, nắm bắt một cách dễ dàng. – Mảnh đất màu mỡ: mảnh đất tâm hồn, tượng trưng cho sức sáng tạo dồi dào của người nghệ sĩ. Đó chính là nơi nuôi dưỡng và lớn lên của tư tưởng nghệ thuật. – Các hình thức xác định: là sự biểu hiện tư tưởng nghệ thuật qua ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu… – Hình tượng đầy vẻ đẹp và sức sống: tư tưởng đã hiện diện qua hình tượng nghệ thuật cụ thể, hữu hình, nó có hình hài, có vẻ đẹp và sức sống mạnh mẽ, dài lâu. – Một thế giới hoàn toàn đặc thù, nhất quán: sự thống nhất, hòa hợp hữu cơ giữa hình thức và nội dung, giữa tư tưởng trừu tượng và hình tượng cụ thể tạo thành một chỉnh thể thẩm mĩ. Thế giới ấy là độc đáo và duy nhất, tạo nên sức sống kì diệu của một tác phẩm văn học chân chính. – Ý kiến của Bêlinxki khẳng định: tư tưởng của người nghệ sĩ chỉ có thể sống được nếu nó được biểu đạt thông qua một hình thức nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là bằng các hình tượng nghệ thuật cụ thể, sinh động. | 2,0 | |
2.2.Lí giải ý kiến: Ý kiến của Bêlinxki đúng đắn và xác đáng vì: – Xuất phát từ đặc trưng của văn học: người nghệ sĩ phản ánh đời sống và gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình thông qua hình tượng nghệ thuật. – Hình tượng nghệ thuật là hiện thực đời sống được người nghệ sĩ tái hiện bằng tưởng tượng sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật. Đó có thể là một đồ vật, một phong cảnh thiên nhiên, một sự kiện xã hội…, nhưng thông thường nhất vẫn là hình tượng con người. Hình tượng nghệ thuật được phôi thai, ấp ủ trong tâm hồn người nghệ sĩ nên nó thấm đẫm những trăn trở, suy tư, khát vọng, nó chính là huyết lệ của nhà văn. – Tác phẩm văn học là một chỉnh thể thẩm mĩ. Nội dung là cái có trước, là yếu tố chủ đạo trong sáng tạo nghệ thuật. Nó có tính năng động và tích cực. Hình thức có sau, là sự biểu hiện cụ thể, sinh động của nội dung. Một tác phẩm có giá trị bao giờ cũng là sự thống nhất, gắn kết hài hòa như máu thịt – chứ không phải sự lắp ghép giản đơn, thô sơ – giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. | 2.0 | |
3 | Phân tích, chứng minh: | 6,0 |
3.1. Bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu a. Tư tưởng nghệ thuật của Xuân Diệu: – Với Xuân Diệu, thiên đường không ở đâu xa mà ở ngay trên mặt đất này, trong phút giây hiện tại này. – Con người giữa tuổi trẻ và trong tình yêu là vẻ đẹp tuyệt vời nhất của vũ trụ. Nhưng đời người hữu hạn, tuổi trẻ vô cùng ngắn ngủi trước sự chảy trôi tàn nhẫn của thời gian. – Giãi bày một tình yêu say đắm, cuồng nhiệt với cuộc sống, với tuổi trẻ; khát vọng được sống hết mình, sống mãnh liệt để có thể được hưởng thụ tất cả những vẻ đẹp của cuộc đời. b. Hình tượng nghệ thuật: – Hình tượng cuộc sống: tràn trề sức sống, đẹp tươi, quyến rũ như một giai nhân. (Của ong bướm này đây tuần tháng mật…) – Hình tượng cái tôi trữ tình: trẻ trung, sôi nổi, đa tình, tràn đầy khát vọng hưởng thụ vẻ đẹp cuộc đời, muốn níu giữ tuổi trẻ, ngăn bước thời gian, sống nhiệt tình, mãnh liệt (Tôi muốn…; Ta muốn…). | 3,0 | |
3.2. Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng a. Tư tưởng nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng: – Vạch trần bản chất thối nát, xấu xa của xã hội tư sản thành thị đương thời. – Bày tỏ niềm căm uất khôn nguôi với xã hội tư sản Hà thành bên ngoài khoác áo Văn minh, Âu hóa nhưng bên trong đồi bại, thối nát. b. Hình tượng nghệ thuật: – Hình tượng tang gia: các nhân vật trong tang gia mỗi người một vẻ nhưng đều là những chân dung biếm họa, lố bịch, cùng chung bản chất giả dối, mất nhân tính (cụ cố Hồng, Văn Minh, Tuyết, Tú Tân, Phán mọc sừng…). – Hình tượng đám tang: Đây là đám tang của cụ cố Tổ. Đám con cháu giàu có muốn tổ chức một đám ma gương mẫu cho thiên hạ noi theo. Đám tang được tổ chức theo cả ba lối Ta – Tàu – Tây hổ lốn (vòng hoa câu đối vài trăm cái; tài tử đến chụp ảnh như ở hội chợ…). Một đám tang thừa quá nhiều nghi lễ nhưng lạnh tanh tình người. – Hình tượng xã hội tư sản thành thị: chạy theo đồng tiền và những dục vọng cá nhân, sẵn sàng chà đạp lên tình nghĩa, đạo đức, nhân phẩm. | 3.0 | |
4 | Bàn bạc, mở rộng: – Hình tượng nghệ thuật đặc sắc, sống động là tiêu chí để đánh giá tầm tư tưởng và tài năng của người nghệ sĩ. Bởi vậy, người nghệ sĩ cần công phu, tâm huyết trong lao động nghệ thuật để có thể sáng tạo nên những hình tượng có tầm vóc. – Những hình tượng nghệ thuật lớn vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát, lại có nhiều tầng sâu ý nghĩa, nhiều khi vượt khỏi ý đồ sáng tác ban đầu của người nghệ sĩ. – Người đọc khi tiếp nhận văn học đi theo chiều ngược lại, từ hình tượng nghệ thuật mà giải mã để tìm ra tư tưởng nghệ thuật mà người viết gửi gắm. | 1,0 |
…………..Hết………….
Họ tên: Nguyễn Thị Hoàng Hải
Theo Sachvanmau.com