Đề thi học sinh giỏi chứng minh nhận định Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả
Hướng dẫn
SỞ GD&ĐT THANH HÓA TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 4 (Đề thi gồm có 02 câu, 1 trang) | ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 MÔN: NGỮ VĂN Năm học: 2017 – 2018 Thời gian làm bài: 180 phút |
Câu 1. (8 điểm)
Bóng nắng, bóng râm
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
– Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con.
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
– Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
– Đang lúc mát trời, đi nhanh lên, kẻo nắng đến bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội?
Trời vẫn nắng, vẫn râm …
… Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên!
Câu chuyện nhỏ trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về những bài học trong cuộc sống?
Câu 2. (12 điểm)
Anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến sau của nhà văn Lê Văn Trương khi giới thiệu về tác phẩm Chí Phèo: “ Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình”.
(Tư liệu văn học lớp 11- tập 1- NXB Giáo dục- 2001)
………….……..Hết…………………..
Thí sinh KHÔNG được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
MA TRẬN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 11 NĂM HỌC 2017 – 2018
MÔN: NGỮ VĂN
Chủ đề/Mức độ | Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Cộng | |
Vận dụng thấp | Vận dụng cao | ||||
1. Nghị luận xã hội | Kết cấu một đoạn văn về hình thức và nội dung | Hiểu được thông điệp gửi gắm qua tư tưởng đạo lí, qua hiện tượng đời sống, qua vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học | …Huy động kiến thức về đời sống xã hội làm rõ vấn đề. | Lời văn sắc sảo, cảm xúc sâu, đảm bảo cấu trúc một đoạn văn nghị luận theo kết cấu Tổng – Phân – Hợp, hoặc diễn dịch, qui nạp; Rút ra bài học cho bản thân… | |
Số câu: Số điểm/Tỉ lệ: | 01 câu | ||||
1.5 đ | 2.5đ | 2.5đ | 1.5đ | 8.0 đ | |
7.5% | 12.5% | 12.5% | 7.5% | 40% | |
2. Nghị luận văn học | Nhận biết về kiểu bài, về tác giả tác phẩm, về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, của trích đoạn | Hiểu vấn đề cần nghị luận; biết phân tích để làm sáng tỏ những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, làm sáng tỏ ý kiến… | Vận dụng kiến thức, kĩ năng để làm bài nghị luận văn học theo cấu trúc cho từng kiểu bài | Có những liên tưởng thú vị, sự lí giải thấu đáo, văn viết có cảm xúc. | |
Số câu Số điểm /tỉ lệ | 01 | ||||
2.5đ | 3.5đ | 3.5đ | 2.5đ | 12đ | |
12.5% | 17.5% | 17.5% | 12.5% | 60% | |
Tổng số câu Tổng số điểm | 4.0đ | 6.0đ | 6.0đ | 4.0đ | 2 câu |
20đ | |||||
Tỉ lệ | 20% | 30% | 30% | 20% | 100% |
Triệu Sơn, ngày 04/12/2017
Người lập ma trận
Thiều Thị Thanh Lê
ĐÁP ÁN
LƯU Ý CHUNG
– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có tư duy khoa học, lập luận sắc sảo, có khả năng cảm thụ văn học và tính sáng tạo cao.
– Điểm toàn bài làm tròn đến 0,25 điểm
II: ĐÁP ÁN
Câu 1(8 điểm)
1) Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, có sự vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác nghị luận như: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ … Kết cấu bài làm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; dẫn chứng tiêu biểu, giàu sức thuyết phục. Ưu tiên những bài viết thể hiện dẫn chứng từ trải nghiệm của chính bản thân …
2) Yêu cầu về kiến thức:
Đây là dạng đề mở, học sinh có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau miễn là hợp lí và có sức thuyết phục, trên cơ sở hiểu đúng nội dung câu chuyện và yêu cầu của đề. Sau đây chỉ là một hướng tiếp cận:
1) Hiểu nội dung câu chuyện:
- Cuộc đời như một con đê dài hun hút và mỗi người đều phải đi trên con đê của riêng mình. Con đê đó có khi nắng, khi râm, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đi qua những “bóng nắng, bóng râm” đó để đi trọn con đường của mình.
- Bóng nắng: Tượng trưng cho những trở ngại, khó khăn, những thách thức và cả những thất bại mà con người có thể gặp phải trong cuộc sống.
- Bóng râm: Tượng trưng cho những điều thuận lợi, những cơ hội, những thành công, những bằng phẳng trong cuộc đời.
- Cả hai điều này đến đan xen và tất cả chúng ta đều phải đón nhận nó.
- Mộ mẹ cỏ xanh: Hãy biết yêu thương, trân trọng những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là những người thân yêu, ruột thịt khi họ hãy còn hiện hữu.
=> Câu chuyện khuyên con người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực hết mình. Khi thất bại, không cúi đầu mà phải biết nỗ lực phấn đấu vươn lên. Còn khi thành công, chúng ta không dược chủ quan, tự mãn mà phải nắm bắt cơ hội để thành công hơn nữa. Và trong cõi đời này, hãy biết trân trọng, yêu quý những người xung quanh khi họ hãy còn hiện hữu!
2) Bài học về tư tưởng lối sống rút ra:
a) Có cái nhìn biện chứng về cuộc đời:
Cuộc đời là một hành trình dài đang hướng tới một bến đời bình an với những cơ hội, những thách thức liên tiếp nhau.
Trong cuộc sống, phải nhận thức được đâu là những khó khăn thử thách và những thuận lợi đối với mình. Đó là cách nhìn nhận biện chứng về cuộc đời để có quan niệm và cách sống phù hợp.
b) Có thái độ sống đúng đắn:
Không nên thụ động trước những biến cố xảy ra trong cuộc sống.
Luôn sống hết mình. Xem như việc được sinh ra ở đời này là một niềm hạnh phúc: Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Vì sao phải sống nhanh: Cuộc đời ngoài kia trôi đi hối hả, không chờ đợi ai. Nhất là trong cuộc sống hiện đại, công nghệ số hiện nay, nếu không biết tận dụng nó, ta sẽ là kẻ trắng tay, chí ít cũng để dở dang nhiều dự tính. Bời thế, mỗi chúng ta cũng phải sống sao cho trọn vẹn sự có mặt của chúng ta trên cõi đời này.
Thế nào là sống nhanh lên: Nghĩa là trân trọng từng, giây phút của cuộc đời, tăng cường độ sống cho một khoảng thời gian ngắn nhất. Sống khẩn trương, làm việc một cách có ích, không nên sống hoài, sống uổng cho những mục đích, những dự định vô bổ. Sống có ý nghĩa đối với mình và những người xung quanh, chứ không phải sống nhanh là sự sống vội, sống thử như một bộ phận thanh niên hiện nay đang chạy theo.
Sống nhanh để làm gì: Sống nhanh để được nhận yêu thương và trao yêu thương; sống nhanh để tận hưởng thiên đường ngay trên mặt đất; sống nhanh để làm người công dân tốt, để cống hiến nhiều hơn cho nhân loại này.
Biết sống yêu thương và chia sẻ với những con người xung quanh.
* Lưu ý: Đối với mỗi luận điểm, thí sinh cần lấy được các dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục để chứng minh.
3) Bình luận mở rộng:
Cơ hội và thách thức, hạnh phúc và khổ đau, thuận lợi và khó khăn … chia đều cho mỗi người. Hãy coi mỗi thuận lợi và khó khăn đó là một phần của cuộc sống, là một chặng đường ta đi qua. Bình thản đón nhận nó và sống thật có ích, sống hết mình, bởi cuộc sống không chờ đợi, cũng bởi hạnh phúc có thể nằm ngay trong khổ đau. Và hạnh phúc hay khổ đau phụ thuộc vào cách nhìn, vào thái độ sống của chúng ta.
Hình thành kĩ năng sống: Sống có ích, tận hiến, tận hưởng từng phút giây, biết yêu thương những người xung quanh, không sống lãng phí thời gian hay sống một cách hời hợt, vô bổ.
c) Cách cho điểm:
Điểm 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu hình ảnh, dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục.
Điểm 6: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, có cảm xúc, có sức thuyết phục.
Điểm 4: Đáp ứng được một nửa yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, hành văn rõ ràng, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
Điểm 0: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, mắc nhiều lỗi về diễn đạt;
Câu 2 (12 điểm)
1)Yêu cầu về kĩ năng:
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
2) Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
Mở bài: Nêu vấn đề.
Thân bài: 1
Giải thích:
– Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả:
+ Nam Cao không bắt chước, không đi theo những công thức, những lối mòn đã có sẵn.
+ Nhà văn cũng không uốn cong ngòi bút chiều theo thị hiếu của độc giả đương thời lúc đó đang rất say sưa với những tiểu thuyết lãng mạn.
– Nam Cao đã bước chân vào làng văn với những cạnh sắc riêng:
+ Nam Cao đã tự mình tìm ra một lối đi riêng, đó chính là sự sáng tạo không ngừng, vốn được chính nhà văn coi như bản chất cốt lõi của nghệ thuật.
+ Sự sáng tạo của nhà văn thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật
– Nghĩa cả câu: Lời nhận xét của nhà văn Lê Văn Trương khẳng định bản lĩnh, phong cách nghệ thuật độc đáo và những sáng tạo của Nam Cao so với văn chương đương thời.
Chứng minh qua tác phẩm Chí Phèo ( Nam Cao):
* Những sáng tạo ở phương diện nội dung, tư tưởng:
+ Nhà văn chọn một đề tài không mới là viết về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám nhưng Nam Cao đã có những sáng tạo và lối đi riêng. Tác giả đã khơi tìm tận đáy nỗi đau tột cùng của con người khi bị hủy hoại nhân hình, nhân tính. Từ đó, nhà văn khẳng định nỗi khổ lớn nhất của con người không phải là sự thiếu thốn về vật chất mà là nỗi khổ về tinh thần khi bị đồng loại ruồng bỏ.
+ Tác giả phát hiện, ngợi ca và trân trọng, nâng niu những phẩm chất cao quý của người nông dân. Ông luôn đặt niềm tin sâu sắc vào nhân tính tốt đẹp của con người sẽ không bao giờ bị mất đi dù trong mọi hoàn cảnh:
+ Vẻ đẹp phẩm chất của Chí Phèo: có những ước mơ bình dị, giàu lòng tự trọng, khát khao hạnh phúc lứa đôi, khát vọng được làm người lương thiện, có tinh thần phản kháng.
+ Vẻ đẹp phẩm chất của Thị Nở: giàu tình thương, có trái tim nhân hậu, khao khát tình yêu và hạnh phúc.
– Qua tấn bi kịch và số phận bi thảm của Chí Phèo, Nam Cao đã cất lên tiếng kêu cứu thảm thiết và đầy phẫn uất cho số phận cùng cực của người nông dân lương thiện: làm thế nào để những người lao động chất phác được sống một cuộc sống xứng đáng là người trong xã hội đầy bất công.
* Những sáng tạo trên phương diện nghệ thuật:
– Nhà văn xây dựng được những nhân vật điển hình:
+ Chí Phèo: điển hình cho một bộ phận người nông dân bị tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.
+ Bá Kiến: điển hình cho tầng lớp cường hào, ác bá trong xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng.
+ Thị Nở: điển hình cho những người phụ nữ có ngoại hình xấu xí nhưng luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp bên trong.
– Nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo.
+ Giọng điệu trần thuật vừa đa dạng vừa thống nhất:
+ Đa dạng: vừa hài hước, mỉa mai, vừa trang nghiêm, triết lí, có đoạn lại rất trữ tình.
+ Thống nhất: thể hiện rất rõ phong cách nghệ thuật của Nam Cao, bên ngoài thì lạnh lùng, tàn nhẫn, bên trong lại nặng trĩu yêu thương.
+ Ngôn ngữ: Phong phú, sống động, uyển chuyển, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người nông dân.
+ Ngôn ngữ độc thoại và đối thoại rất tự nhiên mà sắc sảo.
Đánh giá, nâng cao:
– Nhận định của Lê Văn Trương thật đúng đắn, sâu sắc, giúp người đọc hiểu thêm về phong cách sáng tác độc đáo và những sáng tạo của Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo. Từ đó thêm yêu mến, trân trọng tài năng, tấm lòng cao cả của nhà văn.
– Nhận định cũng đặt ra yêu cầu cho người nghệ sĩ khi sáng tạo văn chương và định hướng cho bạn đọc khi tiếp nhận tác phẩm:
+ Với người nghệ sĩ: muốn có chỗ đứng, muốn thể hiện và khẳng định được mình phải sáng tác nên những tác phẩm có giá trị, in đậm dấu ấn cá nhân, phải mang tới cho độc giả những cảm thức mới mẻ về cuộc đời và con người.
+ Với bạn đọc: cần đọc sâu, hiểu thấu những ý đồ mà người nghệ sĩ gửi gắm thông qua mỗi hình tượng, để từ đó phát hiện ra cái hay, cái độc đáo, khác lạ trong tác phẩm.
Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
* Cách cho điểm:
- Điểm 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu hình ảnh, dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục.
- Điểm 10: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, có cảm xúc, có sức thuyết phục.
- Điểm 6: Đáp ứng được một nửa yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, hành văn rõ ràng, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm 0: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, mắc nhiều lỗi về diễn đạt
————————–Hết————————–
Theo Sachvanmau.com