Đề thi học sinh giỏi 11 Thơ lãng mạn đem lại một nguyên tắc miêu tả mới: “tả chân” sự vật bằng trực cảm mang nội dung tâm lý và tưởng tượng
Hướng dẫn
HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
| ĐỀ ĐỀ XUẤT MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 11 Ngày thi: Thời gian làm bài: 180 phút (Đề thi có 2 phần, gồm 1 trang giấy thi) |
Phần I(8,0 điểm)
“Thật hạnh phúc khi ta được là trẻ con, nhưng thật bất hạnh nếu ta mãi mãi chỉ là một đứa trẻ”
(Khuyết danh)
“Tất cả những người lớn đều từng là trẻ con…nhưng hiếm ai còn nhớ.”
(Hoàng tử bé, Antoine de Saint-Exupéry)
Bằng một bài văn ngắn, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về hai câu nói trên.
Phần II(12,0 điểm)
Thơ lãng mạn đem lại một nguyên tắc miêu tả mới: “tả chân” sự vật bằng trực cảm mang nội dung tâm lý và tưởng tượng.
Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ,
Nxb GD, 1997 tr. 52
Bằng những hiểu biết về thơ Mới, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
————————HẾT———————-
ĐÁP ÁN – HƯỚNG DẪN CHẤM THI
PHẦN I
Về kỹ năng (2,0 điểm)
HS trình bày bài viết dưới dạng một bài văn ngắn, bài viết phải có luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, sáng tạo và biết sử dụng những dẫn chứng để chứng minh cho luận điểm; diễn đạt rõ ràng, sắc bén và có sức thuyết phục.
HS nhận diện được vấn đề chung giữa hai nhận định và có kỹ năng liên hệ, không chỉ bình luận riêng rẽ.
Về kiến thức (6,0 điểm)
Học sinh có thể đưa ra những ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý chính sau:
Nêu vấn đề nghị luận
Giải quyết vấn đề
2.1. Giải thích
– “Trẻ con”/”là một đứa trẻ”: lứa tuổi mà bất cứ ai cũng từng trải qua trong cuộc đời, đó cũng là lứa tuổi vô tư, hồn nhiên nhất.
– Hạnh phúc và bất hạnh: hai trạng thái trái ngược nhau một là điều con người luôn mong muốn đạt được, một là điều không ai muốn phải đối mặt. Ở đây, câu nói đã đưa đến một cách nhìn đặc biệt, rằng việc là trẻ con có thể làm con người hạnh phúc, nhưng nếu điều đó kéo dài, đó có thể là bất hạnh.
– Hiếm người còn nhớ mình từng là trẻ con: Sự lãng quên đối với tuổi thơ, với quãng thời gian hồn nhiên, trong trẻo; sự thay đổi của con người khi trưởng thành làm đánh mất những điều đẹp đẽ của thuở bé thơ.
2.2. Bình luận: nêu suy nghĩ của bản thân
Trích dẫn thứ nhất:
a) Vì sao “thật hạnh phúc khi ta được là trẻ con”:
– đó là lứa tuổi được gia đình yêu thương, chăm sóc và che chở; những đứa trẻ luôn được sống vô tư, thoải mái.
– đó là lứa tuổi được thoả sức tưởng tượng, mơ ước và tự do nhìn cuộc sống theo cách của riêng mình.
– đó là lứa tuổi không phải bon chen và âu lo về cuộc sống nên luôn ứng xử hồn nhiên, bao dung, rộng lượng và giàu yêu thương.
b) Vì sao “thật bất hạnh nếu ta mãi là một đứa trẻ”:
Vế này có thể được hiểu theo hai cách:
– Có những người, do một căn bệnh nào đó, không lớn được cả về hình hài lẫn suy nghĩ – đó là sự bất hạnh về hoàn cảnh.
– Có những người bình thường về thể chất, nhưng không chịu “lớn khôn” về suy nghĩ và nhận thức – đó cũng là một sự bất hạnh với bản thân họ và cả gia đình bởi:
+ Mọi đứa trẻ có chung một đích đến, đó là khôn lớn, thành người. Nếu mãi là một đứa trẻ cần sự bao bọc thì như vậy, ta sẽ phụ công chăm sóc, nuôi dưỡng của bao người, khiến quãng thời gian trẻ con trở nên dư thừa, thậm chí trở thành gánh nặng và sống phụ thuộc.
+ Cuộc sống cần sự gối tiếp của các thế hệ: nếu ta chỉ mãi là trẻ con, ta sẽ không trưởng thành để chăm sóc những đứa trẻ và cả những người trong gia đình đã từng chăm sóc ta. Như vậy, việc mãi mãi là trẻ con cũng là một điều ích kỷ.
+ Nếu mãi mãi là trẻ con, mọi ước mơ, tưởng tượng trong tuổi thơ không bao giờ có cơ hội trở thành hiện thực.
+ Nếu mãi là trẻ con, đó cũng là một sự thiệt thòi với chính ta, vì như vậy bản thân ta sẽ không bao giờ lớn đủ để hiểu biết, để tự nhận thức đúng đắn về những điều xung quanh.
Trích dẫn thứ hai:
c) Lãng quên việc mình từng là một đứa trẻ khi lớn lên
– Quên mất việc mình từng là một đứa trẻ, cũng có nghĩa là quên đi quãng thời gian ngây ngô, hồn nhiên, sống trong trẻo và không tính toán; quên mất những hạnh phúc ban sơ và đơn thuần nhất mà mỗi một con người có trong cuộc đời.
– Người lớn thường quên mất mình từng là một đứa trẻ:
+ thế giới của một người lớn chỉ còn những bộn bề, lo toan, tính toán – một thế giới không còn sự hiện diện của những điều trong trẻo, giản đơn.
+ khó chấp nhận sự nghịch ngợm, hồn nhiên, vô tư và những ước mơ của trẻ con mà thường ngăn cản, phán xét chúng.
c) Mở rộng vấn đề:
– Sự liên hệ giữa 2 trích dẫn:
+ Làm một đứa trẻ khiến ta hạnh phúc, bởi ta được sống trong sự yêu thương, bao bọc, ta được suy nghĩ những điều sáng trong và giản đơn. Nhưng nếu cứ mãi như thế và không chịu trưởng thành thì ta sẽ đánh mất một phần ý nghĩa của mình trong cuộc sống: quyền được trải nghiệm, quyền được thực hiện những ước mơ, chăm sóc và yêu thương những người khác…
+ Như vậy, quãng thời gian bé thơ và khi trưởng thành đều là những gì đáng quý, điều là những thời đoạn tất yếu mỗi người phải trải qua. Nhưng sẽ có một bất hạnh khác: đó là khi ta lớn, trưởng thành, nhưng quên mất quãng thời gian từng là trẻ em, đánh mất những ý nghĩ đẹp đẽ, trong trẻo.
– Như vậy:
+ Mọi đứa trẻ đều cần trở thành người lớn, sống có trách nhiệm với đời, nhưng cũng cần trân quý những điều tuổi thơ đã mang lại cho mình – đó là cái nhìn và tấm lòng trong trẻo trước cuộc đời.
+ Người lớn và trẻ con không quá đối lập nhau, đó là những giai đoạn kế thừa và phát triển của nhau, hãy hiểu thấu và trân trọng cả hai giai đoạn này vì đó đều sẽ là những cột mốc hình thành nên con người, tính cách của ta trong cuộc sống.
2.3. Liên hệ bản thân
* HS đưa ra được những chia sẻ hay bài học rút ra cho riêng bản thân mình qua những bình luận về vấn đề nghị luận.
PHẦN 2
HS có thể triển khai đề bài theo các cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các yếu tố sau đây:
Về kỹ năng (2,0 điểm)
Đây là kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, với kiểu bài này, học sinh phải thể hiện được sự kết hợp nhuần nhuyễn các kĩ năng: giải thích, lựa chọn dẫn chứng, bình luận, chứng minh, phân tích…
Lập luận chặt chẽ, hành văn mạch lạc, lời văn có cảm xúc.
Về kiến thức (10,0 điểm)
* HS xác định được vấn đề nghị luận: nguyên tắc miêu tả mới – “tả chân” sự vật bằng trực cảm.
* Giải thích vấn đề:
– Thơ cổ điển không quan tâm đến “tả chân”, phương thức quen thuộc của thơ cổ là “vịnh”. Các yếu tố miêu tả đều hướng đến các thuộc tính phổ biến muôn thuở, bất biến. Và mặc dù các nhà thơ cổ thích “tình cảnh giao hòa” và thường ký thác, “ngụ tình”, nhưng vì hòa quyện, hóa thân vào cảnh nên không để lộ cá tính và biểu hiện ra như là khách quan.
– Thơ mới là thơ của những cái TÔI cá nhân, khi tách mình ra khỏi cái TA, tách mình ra khỏi thiện nhiên, cái TÔI đã say sưa chiêm ngưỡng uộc đời bằng con mắt xanh non, con mắt biếc rờn, con mắt phát hiện. Với Thơ mới, thơ ca Việt Nam chuyển từ cổ điển sang lãng mạn. Thơ lãng mạn là thơ của tâm hồn, một tâm hồn đã giải phóng khỏi mọi quy phạm giáo huấn, rất đỗi thành thực, tự bộc lộ mình mà không cần một ước lệ nào. Đồng thời thơ lãng mạn là thơ lấy tâm hồn mình là trung tâm, không chấp nhận cõi thực tầm thường, bằng phẳng, nhạt nhẽo, vô cảm. Nhất là Thơ Mới đã làm hiện lên tâm lý, cảm xúc ngay trong hình ảnh thơ là do các nhà thơ đối lập cái tôi chủ thể với khách thể, và làm cho chủ thể hiện ra…
* Phân tích:
HS lựa chọn những dẫn chứng phù hợp với yêu cầu của đề bài, hiểu tác phẩm và biết khai thác, phân tích các yếu tố trong tác phẩm để làm rõ vấn đề nghị luận và các luận điểm được triển khai.
– Học sinh lựa chọn được những ví dụ phù hợp, phân tích tốt ví dụ mà chưa giải thích được vấn đề, chưa có sự bình luận thỏa đáng … có thể được 7 điểm.
– Học sinh hiểu đề, giải thích v.à bình luận được vấn đề, chọn và phân tích tốt ví dụ …có thể được 8-9 điểm
– Học sinh hiểu sâu sắc vấn đề, biết so sánh với thơ cổ để giải thích và bình luận, phân tích ví dụ tinh tế có thể được từ 10 đến 12 điểm.
Theo Sachvanmau.com