Tìm Kiếm

Đề thi chọn đội tuyển Học sinh giỏi môn văn lớp 11, đề 3

Đề thi chọn đội tuyển Học sinh giỏi môn văn lớp 11, đề 3

Hướng dẫn

SỞ GD&ĐT ĐIỆN BIÊN

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LÊ QUÝ ĐÔN

————————

ĐỀ ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI TRẠI HỀ HÙNG VƯƠNG

NĂM HỌC 2015-2016

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề.

Câu1: (8 Điểm)

THEO AI PHẢI CẨN THẬN

“Đức Khổng Tử thấy kẻ đánh lưới bắt chim sẻ chỉ đánh được thuần sẻ non vàng mép. Ngài bèn hỏi rằng;

  • Không đánh được sẻ già là tại làm sao?

Kẻ đánh lưới nói:

Sẻ già biết sợ, cho nên khó bắt được, sẻ non tham ăn, cho nên dễ bắt. Nếu sẻ non mà theo sẻ già thì bắt sẻ non cũng khó, nhưng nếu sẻ già mà theo sẻ non thì bắt sẻ già cũng dễ!.

Đức Khổng Tử nghe đoạn quay lại bảo học trò rằng:

Biết sợ để tránh tai họa, tham ăn mà quên nguy vong, đó đều là tính tự nhiên vậy. Song, phúc hay họa lại do ở cái theo khôn hay theo dại. Cho nên người quân tử trước khi theo ai phải cẩn thận. Theo ai mà biết phòng xa như người lão luyện thì được toàn thân, theo ai mà hay nông nổi như kẻ trẻ dại thì bại hoại.”

(Theo Cổ học tinh hoa)

Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa rút ra từ câu chuyện trên.

Câu 2: (12 Điểm)

Bàn về thể loại truyện, sách giáo khoa Ngữ văn 11, Nâng cao cho rằng:

Truyện không chỉ tái hiện lịch sử đời sống mà còn là “hành trình đi tìm con người trong con người” (M. Bakhtin).

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua “Đời thừa” của Nam Cao và “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

……………………………………………Hết……………………………………………………

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1: (8 điểm)

Yêu cầu chung

– Thí sinh được tự do lựa chọn các kiểu bài và thao tác tạo lập văn bản, nhưng phải phù hợp và nhuần nhuyễn.

– Thí sinh được tự do huy động các chất liệu thuộc tri thức sách vở, tri thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình…Tuy nhiên, vẫn phải xác định rõ vấn đề thuộc phạm vi nghị luận xã hội chứ không phải nghị luận văn học.

– Hành văn lưu loát, trong sáng, giàu cảm xúc.

Nội dung cần đạt

Đây là bài NLXH có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần hợp lý, chặt chẽ, thuyết phục.

Cụ thể, bài làm cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

Giải thích ý nghĩa câu chuyện (2đ)

 

– Mượn câu chuyện đánh lưới bắt chim sẻ, Khổng Tử đã chỉ cho học trò bài học: Người quân tử trước khi theo ai phải cẩn thận. Theo ai mà biết phòng xa như người lão luyện thì được toàn thân, theo ai mà hay nông nổi như trẻ dại thì bại hoại.

– Câu nói của Khổng Tử là một thông điệp đầy ý nghĩa cho mọi người về vấn đề nhận thức: con người cần phải tỉnh táo và sáng suốt trong những sự lựa chọn, một sự lựa chọn khôn ngoan sẽ mang lại thành công, một sự lựa chọn hời hợt, nông nổi thì tất sẽ thất bại.

2. Bàn luận về ý nghĩa rút ra từ câu chuyện (4đ)

Cuộc sống luôn tồn tại nhiều cạm bẫy, vì tham lam, con người dễ bị “sa lưới”, bị mua chuộc và dụ dỗ như sẻ non vì tham ăn mà bị bẫy những “người lão luyện’, “biết phòng xa” để tránh được tai họa. Sự lựa chọn đó phụ thuộc vào thái độ tỉnh táo, khôn ngoan của mỗi người. Câu chuyện có hàm ý phê phán những người mê muội, không cân nhắc khi theo người khác, bị dụ dỗ mua chuộc lúc nào không hay.

– Đề cao vấn đề “theo ai phải cẩn thận” không có nghĩa là chỉ biết theo người khác, đánh mất chính mình. Một con người khôn ngoan là người không chỉ sáng suốt trong lựa chọn người để theo mà còn biết gì nên, không nên, biết bảo vệ chính kiến, quan điểm của mình.

3.Liên hệ, rút ra bài học cho mọi người (2đ)

– Nhận thức được muốn thành công thì cần tỉnh táo trong mọi trường hợp, phải cẩn thận trong những sự lựa chọn.

– Rèn luyện ý chí, bản lĩnh để có sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân, theo người khác không có nghĩa là từ bỏ chủ kiến, lập trường… để chiến thắng những cạm bẫy trong cuộc sống.

Câu 2 (12 điểm):

Yêu cầu chung

– Biết cách làm một bài văn NL tổng hợp

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

– Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, hình ảnh, không mắc lỗi diễn đạt.

Nội dung cần đạt

Bài làm có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng cần đáp ứng được một số ý kiến cơ bản sau:

1.Giải thích ý nghĩa của nhận định (2điểm)

– Truyện tập trung phản ánh đời sống qua các sự kiện, biến cố nhằm thể hiện những vấn đề về cuộc sống, con người và biểu hiện tâm tư, tình cảm của chủ thể trước thực tại bằng hình tượng văn học.

 

“Tái hiện lịch sử đời sống”: tác phẩm tự sự là nơi lưu giữ những tri thức sâu rộng về thế giới, cuộc đời; giúp con người khám phá, nhận thức, thấu hiểu sâu sắc bản thân mình. Từ đó, những bài học quý giá về lẽ sống sẽ hình thành cho con người tư tưởng tiến bộ, có thái độ và quan điểm sống đúng đắn.

“Hành trình đi tìm con người trong con người”: vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất, khát vọng sống cao đẹp, tài năng của con người. Đó là vẻ đẹp tiềm ẩn, khuất lấp bên trong nhân vật được nhà văn phát hiện, phản ánh và gửi gắm những bài học mang tính triết lí nhân sinh sâu sắc.

Như vậy, tác phẩm tự sự không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống mà còn là nơi nhà văn gửi gắm những quan niệm về cuộc đời và về con người; từ đó đặt ra những yêu cẩu đối với người sáng tác.

Phân tích tác phẩm “Đời thừa” và “Chữ người tử tù” để làm sáng tỏ ý kiến (8điểm)

“Đời thừa” – Nam Cao

– Với Hộ, văn chương là lẽ sống, là lí tưởng của cuộc đời, Hộ không bằng lòng với cuộc sống vô danh, vô nghĩa, muốn khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân trước cuộc đời, muốn chói sáng bằng việc phát huy tài năng đích thực của mình.

– Lí tưởng nhân văn cao đẹp, lí tưởng nghệ thuật chân chính đều có nguy cơ chết mòn, trước sự tấn công dai dẳng, quyết liệt của cái nghèo, cái đói. Xung đột nội tâm của Hộ thể hiện những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa sống với hoài bão nghệ thuật và sống theo nguyên tắc tình thương. Bi kịch của Hộ là bi kịch tinh thần không lối thoát.

– Nam Cao đã thâm nhập vào đời sống tinh thần bên trong của Hộ; từ đó nhà văn đặt ra vấn đề cá nhân một cách trực diện và quyết liệt: khát vọng được sống một cuộc sống đàng hoàng với ý nghĩa cao đẹp của nó, khát vọng được sống đầy đủ cuộc sống tinh thần của cá nhân (giá trị sự sống) và đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của xã hội.

“Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân

– Quan niệm của Nguyễn Tuân về con người

+ Con người tài năng xuất chúng, kết tinh khí thiêng của trời đất.

+ Con người biết xám hối, tự trăn trở, dày vò, quyết tâm thay đổi để hoàn thiện.

 

+ Con người biết thưởng thức văn hóa, say mê, trân trọng cái đẹp, khao khát thưởng thức tuyệt đỉnh thi pháp.

– Nhân vật Huấn Cao được khắc họa bằng bút pháp lãng mạn, bằng biện pháp đối lập và được đặt trong một tình huống đặc biệt. Từ đó nhà văn nêu lên vẻ đẹp của nhân vật: tâm hồn của Huấn Cao thanh khiết, cao cả, không chịu khuất phục trước tiền tài, danh vị, tâm hồn chỉ chịu khuất phục bởi cái tình, cái nghĩa và giá trị của cái đẹp; con người có tài, tâm, thiên lương trong sáng sẽ cảm hóa tâm hồn người khác.

Bàn luận (1 điểm)

– Nhận định trên đã khái quát đầy đủ nội dung của văn học (giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo); đồng thời còn nhấn mạnh chức năng của văn học là “hành trình đi tìm con người trong con người”.

– Vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc gắn bó với đời sống, yêu thương con người và đặt tính nhân bản lên hàng đầu của nhiệm vụ sáng tác.

– Quan niệm của Nam Cao và Nguyễn Tuân về con người: đề cao cái tài trong sáng tạo nghệ thuật, cái tâm trong quan hệ với mọi người và hướng con người đến việc giữ gìn thiên lương trong sáng, cao đẹp.

Đánh giá (1 điểm)

– Với người nghệ sĩ: sáng tác văn chương là phản ánh hiện thực cuộc sống và góp phần tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn con người để hướng con người đến chân – thiện – mĩ.

– Trách nhiệm của người đọc: trân trọng những tác phẩm viết về con người, bồi dưỡng tâm hồn để sống biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ.

– Văn học đã khiến những tâm hồn lớn giàu yêu thương mãi bất tử, để họ sống mãi trong lòng bạn đọc.

Theo Sachvanmau.com