Tìm Kiếm

Chất thơ trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Chất thơ trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Bài làm

Một trong những đặc điểm tạo nên sự thành công của Thạch Lam trong thể loại truyện ngắn đó là yếu tố chất thơ. Tác phẩm tiêu biểu mang chất thơ của ông là truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.

Chất thơ hay còn gọi là chất trữ tình của truyện ngắn. Chất thơ của một tác phẩm được thể hiện qua những cảm xúc, diễn biến tâm lí, những rung động tinh tế trong tâm hồn của nhân vật hay của chính tác giả. Ngoài ra nó còn được biểu hiện qua những hình ảnh, chi tiết, qua ngôn ngữ truyền cảm được nhà văn sử dụng trong tác phẩm.

Trước hết, chất thơ trong “Hai đứa trẻ” được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên phố huyện đầy thơ mộng và lãng mạn. Đó là khung cảnh của một buổi chiều quê yên bình có màu sắc, âm thanh, hình dáng. Bức tranh thiên nhiên ấy là sự quyện hòa của tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve cùng với màu “đỏ rực như lửa cháy” ở phương tây, màu ánh hồng như “hòn than sắp tàn” của đám mây và hình dáng của “dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Đó là một bức tranh đẹp nhưng đượm buồn.

Không chỉ có vậy, bức tranh ấy còn có thêm cả sự xuất hiện của ánh sáng trên bầu trời “vòm trời hàn ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây” trong những ngày mùa hạ “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”.

 

Tuy rằng đây là tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn nhưng “Hai đứa trẻ” thuộc kiểu truyện không có cốt truyện, không có hành động để xuất phát cốt truyện. Cả tác phẩm được ví như một bài thơ đượm buồn đầy xót thương. Bởi lẽ Thạch Lam đã chủ trương lấy tâm hồn mình để khảo sát tâm hồn người nên truyện ngắn của ông mang đậm màu sắc tâm tình. Cả tác phẩm chỉ có duy nhất một sự kiện, đó là sự kiện đợi tàu của chị em Liên. Chuyến tàu như một vị cứu tinh đối với chị em Liên và những con người nơi phố huyện.

Có thể nói Thạch Lam là một nhà văn có óc quan sát và sự cảm nhận rất tinh tế, ông đã phát hiện ra những rung động mong manh, mơ hồ, những trạng thái tâm lí của nhân vật một cách rất tài tình của một tâm hồn nhạy cảm. Nhân vật chính trong truyện ngắn này là Liên, một cô gái nhân hậu và giàu lòng trắc ẩn. Trước cảnh chiều tàn, Liên đã cảm nhận được nỗi buồn của môt buổi chiều quê: “Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Rồi khi chứng kiến cảnh chợ tàn, chị cảm nhận được “mùi riêng của đất, của quê hương này”. Một quê hương nghèo khó với những kiếp người tàn tạ.

Chị động lòng thương những đứa trẻ nhặt nhạnh sau phiên họp chợ nhưng chính chị cũng không có gì để cho chúng. Liên là một cô bé nhạy cảm với những biến thái tinh tế của thiên nhiên, một cô bé biết trao gửi và nuôi dưỡng tình yêu thương đối với mọi người, chị thương những kiếp người đang phải lam lũ với cuộc mưu sinh. Rồi khi đoàn tàu đi qua cũng là lúc Liên nhận thấy mình cũng giống với ngọn đèn nơi hàng nước của mẹ con chị Tí, càng cố gắng tỏa sáng thì lại càng yếu ớt. Lúc này nỗi buồn đã hiện lên trong chị rõ hơn bao giờ hết, đoàn tàu đến rồi lướt qua nhanh chóng, ánh sáng và sự huyên náo của đoàn tàu theo đó mà mất đi khiến Liên cảm nhận rõ hơn được bóng tối đang bao trùm lên không gian phố huyện.

 

Giọng điệu nhẹ nhàng, sâu sắc, có các câu văn giàu nhạc điệu như: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Hay câu văn: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Câu văn có gì đó nhẹ nhàng mà du dương đến lạ.

Ta thấy cái tôi của tác giả như hóa thân vào nhân vật bởi trước đây đã có thời gian Thạch Lam sống ở quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương và tác giả cũng cùng người chị của mình thức chờ đoàn tàu như thế. Cái tôi ấy tràn đầy sự nhân hậu và tình yêu thương, mỗi nhân vật trong tác phẩm đều là một phiên bản tâm hồn của nhà văn.

Toàn bộ tác phẩm như một bài thơ trữ tình nhẹ nhàng mà sâu lắng. Chất thơ toát ra từ “Hai đứa trẻ” đã góp phần vào sự thành công của nhà văn và tạo nên một phong cách nghệ thuật độc đáo không trộn lẫn với các nhà văn khác của Thạch Lam.