Tìm Kiếm

Hướng dẫn soạn bài : BÀI CA NGẤT NGƯỞNG (Nguyễn Công Trứ)

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG
                                                                             Nguyễn Công Trứ
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Nguyễn Công Trứ (1778 -1858) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là người có tính tình cương trực, phóng khoáng, thích tự do nên cuộc đời quan trường khá lận đận. Ông để lại khoảng 50 bài thơ và 60 ca trù và một bài phú nổi tiếng Hàn nho phong vị phú, đều viết bằng chữ Hán.
2. Bài ca ngất ngưởng thuộc thể hát nói, được  sáng tác sau 1848, khi ông đã cáo quan về hưu và sống cuộc đời tự do nhàn tản. Bài thơ là bản tự thuật, tự bạch về một cuộc đời, được nâng lên tầm triết lý sống. Bài thơ thể hiện rất rõ thái độ sống của Nguyễn Công Trứ giai đoạn cuối đời, sau những trải nghiệm đắng cay của cuộc sống quan trường. Đó là thái độ coi thường danh lợi, vượt lên thói thường để sống cuộc sống tự do tự tại. Giữa cái xã hội mà mọi cá tính đều bị thủ tiêu thì cái tôi "ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ chẳng những bộc lộ một bản lĩnh cứng cỏi, sự thức tỉnh ý thức cá nhân mà còn thể hiện rõ một nhân sinh quan tiến bộ hiện đại. Bằng giọng điệu khoa trương, ý vị trào phúng đặc biệt của thể thơ hát nói, bài ca đã tạc nên một bức chân dung Nhà thơ - Nhà nho tài tử đầy cá tính giữa đám triều thần phàm tục.
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Bài thơ được làm theo thể hát nói - một thể thơ "nửa hát, nửa nói, có tính chất kể chuyện". Đây là thể thơ được các nhà Nho tài tử ưa dùng để biểu đạt cái nội tâm phóng khoáng, cái chí thoát vòng cương toả, thoát vòng danh lợi để hưởng mọi lạc thú của cuộc đời trần thế mà Nguyễn Công Trứ là một đại biểu ưu tú nhất.
Bài thơ thuộc loại hát nói dôi khổ gồm 19 câu, gieo vần theo một bài hát nói điển hình. Câu đầu tiên gieo vần chân, thanh trắc, câu 2, 3 gieo vần lưng, thanh bằng, các cặp câu cứ như thế luân phiên đến hết bài. Trong bài có xen kẽ những câu thơ chữ Hán và số lượng từ trong các câu không cố định. Điều đó là nên giọng điệu đặc trưng của bài hát nói, thể hiện được tâm trạng và tình cảm của nhân vật trữ tình.
2. Trong bài thơ tác giả đã sử dụng các từ, cụm từ mang tính chất tự xưng, đó là: Ông Hi Văn tài bộ, tay ngất ngưởng, ông ngất ngưởng, phường Hàn Phú. Những cách tự xưng này đã góp phần thể hiện cái ngất ngưởng, thái độ tự tôn, sự ngông ngạo của Nguyễn Công Trứ, làm nổi bật hình ảnh cái tôi cá nhân cao ngạo của tác giả.
3. Ngất ngưởng là một từ láy tượng hình vốn được dùng chỉ sự vật ở độ cao chênh vênh, bất ổn định. Ở bài thơ này, từ ngất ngưởng được dùng với nghĩa chỉ sự khác thường, vượt lên thói thường, coi thường dư luận. Ngoài nhan đề, từ "ngất ngưởng" được nhắc đi nhắc lại 4 lần ở cuối các khổ thơ trở thành một biểu tượng cho một phong cách sống, thái độ sống vượt thế tục, một lối chơi ngông thách thức xung quanh trên cơ sở nhận thức rõ tài năng và nhân cách cá nhân.
4. Sau khi cởi mũ, cáo quan ra khỏi cuộc sống bó buộc chốn quan trường bon chen, Nguyễn Công Trứ có những hành vi kỳ quặc, lập dị đến ngất ngưởng. Người ta cưỡi ngựa đi giao du thiên hạ thì ông cưỡi bò, lại còn đeo cho một cái đạc ngựa khiến cả chủ lẫn tớ đều ngất ngưởng. Đi thăm thú cảnh chùa mà vẫn đeo kiếm cung bên người và mang theo “một đôi dì". Rõ ràng trong bộ dạng từ bi Nguyễn Công Trứ vẫn vương đầy nợ trần, vẫn đèo bòng đằng sau mấy bóng giai nhân. Cốt cách của một khách tài tử, văn nhân chính là ở đó... Đó là lối sống phá cách của một con người thích làm những chuyện trái khoáy ngược đời để ngạo đời, thể hiện thái độ và khát vọng  sống tự do tự tại.
Không bận tâm đến những lời khen chê, những chuyện được mất. Đó là một quan niệm sống, triết lý sống phóng khoáng tự do, thoát khỏi vòng danh lợi tầm thường. Coi sự được mất là lẽ thường tình, ông đã ra khỏi vòng danh lợi để sống thảnh thơi, tự do, tự tại để hướng mọi lạc thú, cầm, kỳ, thi, tửu, giai nhân giữa cuộc đời trần thế một cách thoả thích.
Nhà thơ đã vận dụng nghệ thuật tương phản, đặt những cái đối lập nhau để thể hiện thái độ ngất ngưởng của mình.
5. Nhân vật trữ tình xuất hiện trong tác phẩm là một con người có cá tính ngông, một con người đầy tự tin, yêu thích cuộc sống tự do tự tại, coi thường danh lợi. Con người ấy tự tin vào tài năng và tin tưởng vào quan điểm sống của mình nên đã rất bản lĩnh vượt lên trên thói thường cuộc đời để sống và làm điều mình thích. Nhưng dù ngất ngưởng, ngông ngạo đến đâu, ông vẫn ý thứuc rất rõ trách nhiệm của mình đối với cuộc đời. Vì thế, sau những phút giây cao hứng, thả mình phóng túng cùng trời đất tự do, ông vẫn không quên tự nhắc: “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”. Tư tưởng ấy không hề mâu thuẫn với cái ngông ngạo, ngất ngưởng của ông. Trên thực tế Nguyễn Công Trứ là một nhà Nho có trách nhiệm với đất nước. Tuy cuộc sống quan trường gặp nhiều lận đận nhưng ông vẫn luôn một lòng trung thành với triuề đình. Dù ham cuộc sống tự do phóng túng nhưng ông vẫn nhiệt tình thực hiện trách nhiệm quân thần.
6. Cá tính sáng tạo của Nguyễn Công Trứ được thể hiện ở chỗ nhà thơ sử dụng khá nhiều khẩu ngữ trong bài thơ. Điều này tạo nên tính chất sống động, gần gũi, hóm hỉnh cho thể hát nói. Các từ ngữ mang tính chất khẩu ngữ: ông, tay, vào lồng, một đôi dì, nực cười, phường, kìa núi nọ phau phau mây trắng, nên dạng, chẳng... cũng...

III. TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Về tác giả
- Đó là một con người giàu khát vọng tốt đẹp! Khi còn ở nhà, gia cảnh nghèo túng, ông rất chăm chỉ lao động vừa giúp gia đình, vừa quyết chí học tập để đi thi, làm quan, nhằm cống hiến tài năng và sức lực cho đất nước. Khi ra làm quan, ông rất tận tụy, thanh liêm, bất cứ việc gì, lúc nào, ông cũng làm việc hết mình, “quyết đem tất cả sở tồn làm sở dụng”, nghĩa là: luôn mong muốn mình sống có ích nhất cho dân, cho nước.
- Đó là một con người có tấm lòng tha thiết yêu nước, yêu dân. Khi còn trẻ, sức lực dồi dào, trong chức trách của mình, ông đã lập công lớn, vừa giúp triều đình dẹp những cuộc loạn để nhân dân được sống thanh bình. Rồi ông chỉ đạo dân khai khẩn đất hoang, mở rộng và nâng cao đời sống cho dân. Hàng vạn người dân đói nghèo ở các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Yên, Hải Dương từng kể nhiều chuyện cảm động về tình cảm cụ Dinh điền sứ nhân từ, độ lượng. Trước nạn ngoại xâm, Nguyễn Công Trứ đã làm đơn xin đi giết giặc. Hành động ấy của một cụ già 80 tuổi thật là điều hiếm có.
- Đó là một con người có cá tính mạnh mẽ, sống rất phóng khoáng, độc đáo nhiều khi đến độ “quá cỡ”, “lập dị” như người đời thường nhận xét. Đó là một phong cách “tài tử” của một lớp nhà nho tài ba, có chí lớn, nhưng không gặp thời. 
    (Nhà văn và tác phẩm trong nhà       trường phổ thông – Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, 
Cao Bá Quát, Nxb Giáo dục, 1997)
2. Về tác phẩm
"... Nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ, sau khi điểm duyệt một cách “thích trí” những hành vi “ngất ngưởng” của mình trong hành trình cuộc đời (cả lúc “vào lồng” lẫn lúc ra lồng), sơ kết, thì thấy mình đã đứng ngoài được các khuôn thức: “Không Phật, không Tiên, không vướng tục”…; thấy mình đã đi ở giữa những sự phân cực: “Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi”. Dẫn đến hệ quả: khi ông Hy Văn đến thăm chùa lễ Phật, thì vẫn có: “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi di”, “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”... Tất cả là cái khoái cảm tự do tinh thần của một cá nhân không bị trói buộc. Toàn bộ Bài ca ngất ngưởng như một bản hồi ký tóm tắt độ ngất ngưởng ấy chính là một biểu hiện của sự thị tài. Ngất ngưởng ở các bình diện: bước vào cơ chế xã hội- “vào lồng”, như cách nói của ông- với các tước vị thì nên “tay ngất ngưởng”, rồi khi đụng chạm vào các thiết chế tinh thần của cộng đồng thì thành “ông ngất ngưởng”. Ông tự xưng là “ông” (ông Hy Văn), tự cho mình là một “tay” (tay ngất ngưởng) một cách hãnh diện: “Đời ai ngất ngưởng như ông”."
Đức Mậu
(Văn nghệ - tháng 8 - 1992)