Tìm Kiếm

Hướng dẫn soạn bài : NGHỆ THUẬT BĂM THỊT GÀ


NGHỆ THUẬT BĂM THỊT GÀ
(Trích Việc làng)
                                                                             Ngô Tất Tố
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Ngô Tất Tố (1894 - 1954) quê ở làng Lộc Hà, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ông học chữ Hán, chữ Nôm và cả tiếng Pháp. Ông là một trong những nhà Nho đầu tiên viết báo rất nhiều và viết rất hiện đại. Gắn liền với tên tuổi của Ngô Tất Tố là hai tiểu thuyết Tắt đèn (1936), Lều chõng (1939) và hai phóng sự Tập án cái đình (1939), Việc làng (1940)...
Việc làng là thiên phóng sự dài 17 chương với nội dung ghi lại, phân tích và phơi bày những hủ tục nhiêu khê và lạc hậu của ở nông thôn Việt Nam đầu thế kỉ. Những hủ tục ấy đã đẩy người dân quê vào cảnh cùng quẫn và tạo cơ hội để bọn cường hào, địa chủ nhũng nhiễu dân lành.
Đoạn trích Nghệ thuật băm thịt gàthuộc chương IV của phóng sự. Đoạn trích tả một cảnh chia thịt gà hiếm thấy ở một làng. Qua việc chia thịt gà ấy tác giả châm biếm bọn cường hào chức dịch tham lam, bần tiện trong làng. Chúng ngồi thật cao, ra vẻ cao sang những thực chất là một lũ tham ăn, chia nhau 1/5 cái sỏ gà. Với cách kể nhẹ nhàng tự nhiên, Ngô Tất Tố đã châm biếm một cách rất sâu sắc những hủ tục quái gở, mọi rợ. Và miếng ăn đã trở thành miếng nhục với cái lệ làng nhiêu khê ấy.
Nhà văn đã dùng lối ghi chép tại chỗ của phóng sự để ghi lại một cách chi tiết và khách quan cuộc chia thịt gà, trong đó đặc biệt miêu tả chi tiết cụ thể việc băm thịt gà của anh mõ làng.
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Nhà văn xem “băm thịt gà” là một “nghệ thuật” và người băm thịt gà là một người nghệ sĩ. Đây chỉ là cách nói châm biếm. Nhà văn thán phục tài băm thịt của anh Mới những thán phục để nói lên cái sự chia phần khủng khiếp của làng nọ. Nghệ thuật băm thịt của anh Mới không thể hiện ở việc chặt đẹp, trình bày nghệ thuật mà ở việc chia nhỏ con gà tới hớn hai chục cỗ đều nhau, mình con gà chặt thành 92 miếng. Cái tài năng đến trình độ “nghệ sĩ”, được coi là nghệ thuật ấy của anh Mới lại gắn với một mục đích dung tục. Cái tài của anh Mới chứng tỏ rằng việc băm một con gà to khoảng “một người ăn cố mới hết” thành hơn một trăm miếng không thể là tài năng bẩm sinh. Nó là công việc phải rất quen làm, được tôi luyện nhiều lần. Anh Mới băm thịt gà vô cùng thành thạo và điêu luyện. Nó chứng tỏ đây là công việc rất quen thuộc của anh. Đó chính là công việc quen thuộc ở làng. Và ở đây miếng ăn đã trở thành một cái gì vô cùng quan trọng. Và nó đã trở thành một tệ nạn.
2. Nghệ thuật băm thịt gà của anh Mới được tập trung ở đoạn 3. Người ghi chép lại sự việc lần lượt tường thuật các bước thực hiện công việc của anh Mới.
- Phần chuẩn bị dụng cụ, bát đĩa, mâm, dao, thớt, tính toán. Anh ta chia mâm xôi rồi thử dao, đổi thớt, liếc dao. Công việc chuẩn bị rất cẩn thận và kì công.
- Thực hiện công việc: người quan sát miêu tả tỉ mỉ từng hành động, và cách băm thịt gà. Anh Mới lần lượt:
+ Chia bộ lòng gà đều cho mười đĩa, “không điã nào thiếu một thứ nào”.
+ Chặt sỏ và phao câu rồi đứng lên hỏi “sỏ gà pha mấy?”. Sỏ gà pha năm. Phao câu pha bốn. Người chứng kiến tả lại việc làm của anh mõ và nhận xét về kết quả chia phần tài tình của anh ta.
+ Chặt cánh gà, chân gà.
+ Băm mình con gà là việc kì công nhất. Mình con gà được chia làm 92 miếng Không dập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước.”
+ Chia thịt gà vào các mâm xôi.
Tài băm thịt gàcủa anh Mới đúng là có một không hai.
Nếu chỉ có đoạn 3 thì thiên phóng sự này sẽ mất đi giá trị hiện thực, giảm giá trị phê phán và tính hấp dẫn, kịch tính. Ở đoạn 1 và 2 tác giả đã giới thiệu về hoàn cảnh, tình huống dẫn đến việc băm thịt gà. Phần này giúp người đọc hình dung được lệ làng ở đây. Nêu không có hai đoạn này, việc băm thịt gà của anh Mới có vẻ giống một nghi lễ.
Đoạn 4 là lời nhận xét của Lăng Vân và tác giả về tài của anh Mới. Tuy ngắn gọn những đã thể hiện được thái độ của tác giả, đso là thái độ châm biếm, phê phán một cách kín đáo cái lệ làng nhiêu khê này.
3. Tác giả tập trung theo dõi và miêu tả rất tỉ mỉ việc băm thịt gà của anh mõ làng. Từ công việc chuẩn bị đến hành động nhỏ là thử thớt, liếc dao của anh ta. Nhân vật tôi cũng quan sát từng miếng sỏ gà, phao câu và cách chia phần của anh mõ, cách anh lách lưỡi dao rồi chia mình con gà, âm thanh tiếng dao thớt, khoảng cách lưỡi dao, tay người chặt và nhữung miếng thịt gà... Người kể chuyện đã không bỏ qua bất cứ một chi tiết nhỏ nào trong chuỗi hành động băm thịt gà của anh Mới. Quan sát tỉ mỉ và miêu tả chi tiết như người ta tường thuật một cuộc biểu diễn nghệ thuật. .
Nhưng điều tác giả muốn nói chắc chắn không phải là ca ngợi tài băm thịt gà của anh Mới. Tác giả đã vô cùng ngạc nhiên và ra vẻ thán phục : “Tôi chịu lắm. Và tôi muốn dâng cho anh Mới ấy cái chức nghệ sĩ”. Sản phẩm của cái “nghệ thuật băm thịt gà” của anh Mới được người kể chuyện nhận xét: “Trông những miếng thịt của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao ! Không dập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước.” Lời nhận xét ấy không chỉ là lời thán phục tài nghệ của anh Mới. Đó là lời châm biếm cái sự chia phần khủng khiếp ở làng này.
Đã đành việc chia phần công bằng giữa làng là vô cùng quan trọng, những chia cái lễ thành 23 phần như thế thì quả là khủng khiếp. Đến việc băm cái sỏ gà thành mấy phần anh mõ làng cũng phải đứng lên để hỏi ý kiến các cụ. Không trực tiếp thể hiện thái độ những qua giọng điệu và cách miêu tả rất chi tiết việc băm thịt gà của anh Mới, người kể chuyện đã thể hiện thái độ phê phán của mình đối với một cái “việc làng” nhiêu khê và lạ lẫm ở làng quê.

4. Câu chuyện được ghi lại qua cái nhìn của nhân vật tôi, một người lạ, lần đầu tiên được chứng kiến. Nên vừa ghi chép, người kể vừa thể hiện sự ngạc nhiên, tò mò của mình trước những chuyện được chứng kiến. Điều đó làm người đọc cũng bị cuốn hút vào câu chuyện. Tác giả đã dùng một biện pháp đặc trưng của nghiệp vụ báo chí là ghi chép tại chỗ và ghi rất tỉ mỉ bằng cái nhìn khách quan của người ngoài cuộc. Người đọc bị thu hút vào câu chuyện và được dẫn dắt từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chọn hình thức này tác giả đã tạo nên tính xác thực của câu chuyện được kể, nhờ đó giá trị phê phán càng thêm sâu sắc. Không gay gắt, cay nghiệt như Vũ Trong Phụng viết Kĩ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, phóng sự của Ngô Tất Tố thiên về phê phán một cách thâm thuý, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Đó là phong cách của một nhà Nho viết báo.